Căng thẳng thương mại Trung Quốc-Australia: Chơi trò đu quay và Bắc Kinh trả phí?

Biên tập viên mảng kinh tế Ian Verrender của kênh ABC (Australia) mới đây có bài viết cho rằng, không những nền kinh tế bị ảnh hưởng, Trung Quốc dường như vẫn rơi vào thế bí khi đã sử dụng tất cả các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể nhằm vào Australia.

Trung Quốc dường như đang rơi vào thế bí khi đã áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể nhằm vào Australia. (Nguồn: ABC News)

Trung Quốc dường như đang rơi vào thế bí khi đã áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể nhằm vào Australia. (Nguồn: ABC News)

Trung Quốc chịu phần lớn chi phí?

Nhà báo Ian Verrender đánh giá, sau hơn một năm gia tăng căng thẳng dẫn tới một cuộc chiến thương mại công khai giữa Trung Quốc và Australia, kết quả sơ bộ cho thấy hai bên đều tổn thất, nhưng Bắc Kinh dường như đang chịu phần lớn chi phí cho cuộc chiến này.

Theo bài viết, hoạt động thương mại của Australia đang bùng nổ, giúp cho nền kinh tế nước này phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Đáng chú ý, phần lớn giá trị thương mại đạt được đó là từ Trung Quốc.

Riêng trong tháng 4/2021, thặng dư thương mại của Australia đạt mức 8 tỷ AUD (6,4 tỷ USD) nhờ giá quặng sắt và than đá gia tăng. Con số này cao hơn nhiều so với mức đạt được một tháng trước đó là 5,8 tỷ AUD.

Lấy dẫn chứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, tác giả cho rằng, thật khó để xác định ai là người chiến thắng trong cuộc chiến này.

Trong khi các mức thuế quan do cựu Tổng thống Mỹ áp đặt chắc chắn gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc, một nghiên cứu của hãng Oxford Economics cho thấy, Mỹ đã mất 245.000 việc làm trong cuộc chiến thương mại kéo dài từ 2018. Một nghiên cứu của Viện Brookings ước tính giá cổ phiếu Mỹ đã giảm 1.700 tỷ USD, tương đương 0,3-0,7% GDP của nước này.

Ông Ian Verrender nhận định, trong cuộc chiến thương mại với Australia, Trung Quốc cũng đang đối mặt với những hậu quả tương tự.

Không những nền kinh tế bị ảnh hưởng, Bắc Kinh dường như còn đang rơi vào thế bí khi đã sử dụng tất cả các biện pháp trừng phạt mạnh nhất có thể.

Ví dụ vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, lệnh cấm nhập khẩu than của Australia đã khiến nhiều khu vực rộng lớn của Trung Quốc chìm trong bóng tối.

Tình trạng mất điện ở Thượng Hải và khắp miền Nam Trung Quốc được chính phủ giải thích là "bảo trì định kỳ" mạng lưới điện.

Tình trạng thiếu hụt điện đã đẩy giá than tăng cao, đặc biệt khi nền kinh tế nước này đang trong quá trình phục hồi hậu Covid-19 nên nhu cầu năng lượng tăng mạnh. Trong tuần đầu tháng 6, các vụ mất điện xảy ra trên khắp miền Nam Trung Quốc, khiến nhiều nơi phải áp dụng biện pháp phân phối điện.

Tuần qua, giá than nhiệt điện đã tăng lên khoảng 120 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng ba năm, cao hơn gần gấp 3 lần so với mức 48 USD/tấn vào năm ngoái. Đây là một yếu tố chính dẫn đến thặng dư thương mại ngày càng tăng của Australia.

Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại giống như "trò chơi đu quay". Mặc dù, Australia không thể xuất khẩu nhiều than vào Trung Quốc, nhưng khi Bắc Kinh tìm mua nguồn nhiên liệu này ở nơi khác, than của Canberra lại phải lấp đầy các khoảng trống ở đó.

Về quặng sắt, giá của mặt hàng này quay trở lại mức trên 200 USD/tấn bất chấp nỗ lực giảm giá trong hai tuần trước. Về lâu dài, giá quặng sắt sẽ không thể duy trì mãi ở mức cao khi Trung Quốc tìm được nguồn cung cấp mới ở Tây Phi.

Doanh nghiệp Australia đang thích nghi tốt

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh sẽ không thể bỏ qua nguồn cung sắt thép đáng tin cậy ở Australia bởi vai trò của mặt hàng này đối với "sức khỏe" nền kinh tế cũng như những tham vọng quân sự của nước này.

Về các mặt hàng nông nghiệp, Trung Quốc cấm nhập khẩu lúa mạch Australia, nhưng lại không cấm lúa mỳ. Tháng 12/2020, khi nông dân trồng lúa mạch lao đao vì mất thị trường, nông dân trồng lúa mỳ ở Australia lại bội thu từ việc xuất khẩu gần 800.000 tấn sang quốc gia châu Á.

Trong khi đó, xuất khẩu lúa mạch của Australia sang Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2021.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang "khát" tôm hùm Australia. (Nguồn: ABC News)

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang "khát" tôm hùm Australia. (Nguồn: ABC News)

Về mặt hàng tôm hùm, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), nơi trước đây chỉ mua một lượng nhỏ sản phẩm này, gần đây lại "săn lùng" tôm hùm Australia hơn bao giờ hết. Rất có thể các khách hàng giàu có ở Trung Quốc đã tìm cách đưa món ngon này trở lại thực đơn của mình thông qua hoạt động "thương mại vùng xám", tức là mua tôm hùm Australia thông qua các trung gian ở Hong Kong.

Ngay cả rượu vang, một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Australia, dường như cũng đang vượt qua tình thế khó khăn. Công ty Treasury Wine Estates, nhà sản xuất rượu cao cấp lớn nhất thế giới trên thị trường chứng khoán Australia, đã chứng kiến xuất khẩu giảm gần một nửa trong năm ngoái do Bắc Kinh áp các mức thuế mới.

Tuy nhiên, ba tuần trước, công ty công bố dự báo doanh thu hết sức tích cực, ước tính tăng 33% trong 6 tháng đầu năm, cùng với các kế hoạch nhắm mục tiêu đến các thị trường mới ở châu Á, tăng xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Thông tin này đã giúp giá cổ phiếu công ty tăng 17% trong tháng 5 vừa qua.

Tác giả Ian Verrender kết luận rằng, các doanh nghiệp Australia đang nỗ lực thích nghi, giống như khi nước Anh gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1973. Sự khác biệt là hiện nước này đang là nền kinh tế năng động với một đồng tiền thả nổi có thể chống chịu với các cú sốc lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu, suy thoái do đại dịch và thậm chí chiến tranh thương mại.

Hơn nữa, các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt thương mại của Trung Quốc đã buộc phải tìm kiếm các thị trường khác.

Điều này mang lại lợi ích chiến lược lâu dài khi giúp nền kinh tế Australia giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường lớn và ngày càng khó đoán định.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-thuong-mai-trung-quoc-australia-choi-tro-du-quay-va-bac-kinh-tra-phi-147659.html