Cảnh báo cháy rừng cấp nguy hiểm ở Chí Linh, Kinh Môn

Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm). 2 địa phương này hiện có 10 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Sau bão số 3, diện tích cây rừng ở khu vực phường An Sinh (Kinh Môn) bị đổ gãy nhiều, nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: VĂN HỌC

Sau bão số 3, diện tích cây rừng ở khu vực phường An Sinh (Kinh Môn) bị đổ gãy nhiều, nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: VĂN HỌC

Sáng 6/10, đám cháy rừng xảy ra từ khoảng 17 giờ 30 ngày 5/10 từ khu vực chùa Gạo theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ, phường An Sinh (Kinh Môn) đã được các lực lượng khống chế, dập tắt.

Tuy nhiên, nguy cơ cháy rừng ở thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh vẫn đang ở mức cao. Tại 2 địa phương này, lực lượng kiểm lâm đã xác định có 10 khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay, khu vực Hải Dương không mưa, thời tiết khô hanh, độ ẩm không khí thấp kết hợp với lượng vật liệu cháy rất lớn do cây rừng bị gẫy đổ sau bão số 3 (bão Yagi) nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp 4 (cấp nguy hiểm), nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa sẽ lan tràn nhanh.

Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đề nghị Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 1/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng...; rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Kiểm tra phương tiện, máy móc thiết bị và dụng cụ chữa cháy rừng bảo đảm phục vụ tốt nhất cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại trụ sở hạt, trạm (chòi canh lửa) trong thời gian khô hanh. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từ 15 giờ đến 19 giờ hằng ngày tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao nhằm phát hiện sớm và tổ chức lực lượng xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn...

Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm quân số thường trực, tăng cường lực lượng phối hợp với các Hạt Kiểm lâm thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng khi được huy động.

Chi cục Kiểm lâm đề nghị Ban Quản lý rừng Hải Dương khẩn trương tổ chức rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là các diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3. Huy động lực lượng, các hộ nhận khoán rừng thu gom vật liệu cháy để xử lý theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để bổ sung, điều chỉnh cho sát với tình hình thực tiễn.

Tuyên truyền, vận động, nghiêm cấm các hộ nhận khoán rừng dùng lửa để xử lý thực bì. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hộ cố ý sử dụng lửa để đốt dọn vườn rừng, xử lý thực bì để xảy ra cháy rừng.

Các Ban Quản lý di tích thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở du khách thập phương khi tham gia các hoạt động tham quan, chiêm bái thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy...

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/canh-bao-chay-rung-cap-nguy-hiem-o-chi-linh-kinh-mon-394956.html