Cảnh báo những ca sinh mổ đặc biệt nguy hiểm vì sản phụ 'quá khổ'
Mới đây, các bác sĩ BV Từ Dũ (TPHCM) đã giúp sản phụ 162 kg vượt cạn an toàn. Sản phụ 'quá khổ' có thể đối mặt với nhiều biến cố khi sinh nở như tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, mất tim thai,…
Sản phụ 162 kg vượt cạn mẹ tròn con vuông
Hôm nay (9/9), Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thông tin: Sản phụ N.T.T.H (25 tuổi, ngụ Long An) được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) khi mang thai được 35 tuần (con đầu lòng), ngôi đầu, tiền sản giật nặng, béo phì.
Được biết, sản phụ "quá khổ" này mang thai tự nhiên, cân nặng trước khi mang thai là 110 kg, cân nặng lúc nhập viện là 162kg, cao huyết áp, được điều trị tiết chế 3 tháng nay.
Các bác sĩ tiên lượng, sản phụ béo phì sẽ làm tăng các biến cố sản khoa về tim mạch, huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ… Thế nên sản phụ được nhập vào Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.
Sản phụ được chỉ định sinh mổ. Các bác sĩ sản khoa và gây mê nhiều kinh nghiệm đã để lên phương án can thiệp an toàn cho sản phụ và bé trong quá trình phẫu thuật bắt con, với sự cân nhắc hết sức thận trọng giữa hai phương pháp gây tê và gây mê.
Sau khi hội ý, kíp mổ đã thống nhất sử dụng phương pháp gây tê tủy sống để giảm các rủi ro trên. Tuy nhiên, thách thức khi tiến hành kỹ thuật gây tê cho sản phụ là khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức, khiến khoảng cách từ da đến mục tiêu để gây tê lớn hơn bình thường, gây khó khăn cho việc tìm các mốc, vị trí đốt sống để châm tê bị che khuất bởi lớp mô mỡ.
Khi phẫu thuật lấy thai, các bác sĩ cũng phải thực hiện đường rạch ngang thân tử cung để tiếp cận ổ bụng của sản phụ rộng hơn so với các bà mẹ có cân nặng bình thường.
Sau các nỗ lực, các bác sĩ đã mổ giúp chào đời một bé trai cân nặng 3,3 kg, hồng hào và khóc rất to; mẹ tròn con vuông.
Sản phụ 102 kg sinh mổ khó do bụng quá dày
Hồi tháng 5, nữ bệnh nhân 27 tuổi, quê Bình Phước, được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM ngày 14/5 trong tình trạng thai 36 tuần, vỡ ối, chuyển dạ sinh non, tiền sản giật nặng.
Từ cân nặng 85 kg trước khi mang thai, sản phụ này tăng 10kg khi ba tháng thai kỳ. Đến khi sinh con, chị tăng tổng cộng 17 kg.
Quá trình chuyển dạ, do đầu thai nhi không xoay xuống hoàn toàn, các bác sĩ quyết định mổ sinh. Do sản phụ béo phì, lượng thuốc tê sử dụng phải tăng lên rất nhiều theo cân nặng.
Ca mổ diễn ra thành công, dù bác sĩ gặp nhiều khó khăn. Em bé chào đời nặng 3,7 kg, vàng da sơ sinh, viêm phổi, nghi dạng nhẹ khớp háng. Bé được chăm sóc tại khoa Sơ sinh và khám vật lý trị liệu.
Theo các chuyên gia sản khoa, sản phụ béo phì chỉ nên tăng từ 5-7 kg trong suốt thai kỳ. Các bác sĩ khuyên sản phụ sau khi xuất viện cố gắng vận động nhiều và chú ý dinh dưỡng để giảm cân càng nhiều càng tốt, tích cực cho con bú sữa mẹ.
Sản phụ nặng 140 kg chật vật vượt cạn
Năm 2015, một trường hợp sản phụ tăng gần 50kg trong thai kỳ, trải qua một tháng dưỡng thai tại Bệnh viện Hùng Vương với nhiều bệnh lý phức tạp, sản phụ 36 tuổi sinh bé trai đầu lòng.
Sản phụ sinh năm 1979 trải qua những ngày tháng cuối thai kỳ gầu như gắn chặt với giường bệnh bởi trọng lượng cơ thể quá nặng, đau khớp vùng xương chậu khiến việc di chuyển khó khăn. Chị nhập viện ngày 24/8/2015 lúc thai 30 tuần, với cân nặng 109 kg.
Kết quả kiểm tra cho thấy thai nhi phát triển bình thường, riêng thai phụ có hàng loạt vấn đề như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp, viêm gan b mạn có biến chứng xơ gan kèm theo bất thường đông máu, gan to, lách to, dịch ổ bụng rất nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, Khoa Sản Bệnh, Bệnh viện Hùng Vương cho biết thai phụ trải qua rất nhiều cuộc hội chẩn với các bác sĩ gan mật, huyết học... Khi mới nhập viện, có những lúc chị nguy kịch thật sự khi đường huyết tăng cao đến hơn 300 mg/dL, đứng trước nguy cơ hôn mê, mất thai nhi. Phải trải qua thời gian dài truyền thuốc và sau đó tiêm thuốc khống chế đường huyết mới dần ổn định được tình hình. Bệnh nhân được điều trị hạ đường huyết, thuốc hạ huyết áp, kháng sinh nhiễm trùng tiểu, theo dõi tình trạng rối loạn đông máu...
Ngay cả quyết định thai phụ sẽ sinh như thế nào, mổ hay sinh thường, cũng là cả một vấn đề khó khăn với các bác sĩ, khi bệnh nhân cuối thai kỳ béo phì gần 140 kg kèm theo rối loạn đông máu. Chị đau khớp vùng chậu nên rất khó thực hiện tư thế nằm rặn sinh để có thể đẻ thường.
Nếu em bé chào đời bằng phương pháo sinh thường thì mẹ sẽ đối diện với nguy cơ băng huyết do tình trạng rối loạn đông máu. "Nếu phải mổ thì mẹ vừa có nguy cơ băng huyết lại vừa chảy máu vết mổ rất nguy hiểm, có thể vết mổ khó lành cũng như dể nhiễm trùng do cơ địa béo phì và đái tháo đường", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Một lần vào toilet, trong lúc đi vệ sinh, chị quá nặng lại đau khớp xương chậu xoay trở khó khăn đã làm vỡ cả lavabo. Các nữ hộ sinh phải hỗ trợ bệnh nhân đi lại, tập trung băng bó chăm sóc vết thương bởi cơ địa của người đái tháo đường cực kỳ khó lành vết thương, dễ nhiễm trùng.
Ban đầu các bác sĩ dự kiến chấm dứt thai kỳ cho bệnh nhân lúc 36 tuần, song kết quả đánh giá sức khỏe thai nhi thấy em bé không thể chịu đựng được thử thách sinh ngã âm đạo nên bác sĩ quyết định thực hiện ca mổ sinh lúc thai nhi 35 tuần tuổi vào ngày 25/9. Xuyên suốt ca mổ, ê kíp phó giáo sư Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh và bác sĩ gây mê hồi sức Nguyễn Hữu Nguyên kết hợp truyền các chế phẩm của máu một cách thích hợp cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật dự phòng băng huyết cho sản phụ.
Ca mổ khá khó khăn vì thành bụng bệnh nhân rất dày, lớp mỡ hơn 10 cm. Nhờ bác sĩ dự phòng và kiểm soát tốt tình hình, mẹ bầu vượt cạn an toàn, bé trai chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,5 kg, khóc tốt.