Vũ Hoàng Mai Châu: Nỗ lực vượt qua sự kỳ thị, sống vì hoài bão bảo vệ cộng đồng, phòng chống HIV

Vũ Hoàng Mai Châu hiện đang là Trưởng Ban điều hành mạng lưới người chuyển giới Việt Nam. Cô được nhiều người biết đến với nỗ lực làm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT và bảo vệ cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS...

Vượt qua sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới

Sinh năm 1989, Vũ Hoàng Mai Châu hiện đang là Trưởng Ban điều hành mạng lưới người chuyển giới Việt Nam – VNTG và là người sáng lập nhóm RUBY. Cô được biết đến là một gương mặt điển hình trong mạng lưới người chuyển giới Việt Nam với nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Quá trình đi đến quyết định chuyển giới của Châu không hề dễ dàng. Giống như nhiều người chuyển giới khác, Châu đã trải qua một khoảng thời gian dài stress, đấu tranh tư tưởng và đấu tranh tâm lý để đưa ra quyết định phẫu thuật chuyển giới.

Hành trình mà Châu lựa chọn không phải lúc nào cũng suôn sẻ do không nhận được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè về quyết định phẫu thuật chuyển giới của mình, đồng thời sự thiếu thông tin, kiến thức cũng là rào cản rất lớn.

Sau ca phẫu thuật, Châu vẫn không thể công khai giới tính của mình. Phải mất thời gian dài chăm sóc hậu phẫu, che giấu mọi người và khi đó, điều mà Châu sợ nhất, chính là sự kỳ thị từ gia đình và cộng đồng.

Vũ Hoàng Mai Châu, Trưởng Ban điều hành mạng lưới người chuyển giới Việt Nam – VNTG.

Vũ Hoàng Mai Châu, Trưởng Ban điều hành mạng lưới người chuyển giới Việt Nam – VNTG.

Hơn 1 năm sau ngày phẫu thuật chuyển giới, với khao khát được sống đúng với giới tính thật của mình, Châu đã quyết định công khai trên mạng xã hội. Lúc này, gia đình Châu đã rất shock, nhưng với lối sống và những hoạt động tích cực cho bản thân, vì cộng đồng, Châu đã dần thuyết phục, nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình.

Đến thời điểm hiện tại, điều mà Châu sợ nhất chính là ánh mắt của mọi người xung quanh. “Ánh mắt đó khiến tôi có cảm giác họ đang nói với tôi rằng, tôi là người khác biệt. Ngay như một việc rất nhỏ là đi qua chỗ gửi xe, thường các bạn nữ sẽ được nhân viên dắt xe cho nhưng tôi thì chưa lần nào được ưu ái đó.

Mặc dù xe của tôi khá nặng nề. Việc này tôi gặp rất nhiều nhưng trải qua nhiều lần như thế tôi chỉ nghĩ chắc họ nghĩ mình là người chuyển giới, thân xác mình vẫn là người đàn ông nên không dắt xe cho mình. Nghĩ vậy, tôi thấy khá hợp lý và cảm thấy bình thường chứ không tủi thân như ngày trước.

Tôi luôn suy nghĩ lạc quan nhất có thể để đối mặt với mọi việc, vượt qua sự kì thị và sống là chính mình. Cái khó, tôi vẫn luôn nghĩ đó là vượt qua hay đối diện với chính bản thân mình, từ sự tự kỳ thị bản thân hay sự đối diện đầy nhạy cảm với các câu chuyện, cộng đồng xung quanh mình", Châu kể.

Hoài bão bảo vệ cộng đồng

Vũ Hoàng Mai Châu đã từng là thành viên ban điều hành của mạng lưới MSM - TG từ năm 2013 - 2015. Năm 2015, Mai Châu cùng các nhóm chuyển giới nữ tách ra khỏi mạng lưới MSM - TG và thành lập mạng lưới VNTG dành riêng cho người chuyển giới ở Việt Nam.

Hiện Mai Châu và VNTG đang hoạt động tích cực trong việc nâng cao nhận thức về sức khỏe của cộng đồng người chuyển giới, phòng chống HIV/AIDS, đồng thời nỗ lực làm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTIQ.

Trong những năm qua, ngoài những hoạt động hỗ trợ người chuyển giới được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác, thì mạng lưới VNTG thường xuyên tổ chức các sự kiện truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTIQ.

Các hoạt động này giúp cho các bạn sinh viên hiểu rõ hơn về bối cảnh của cộng đồng đang theo học tại trường, cũng như giảm bạo lực trên cơ sở giới. Trong giai đoạn năm 2024, mạng lưới người chuyển giới Việt Nam rất may mắn khi có cơ hội kết nối với các trường đại học tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác. Chương trình nhận được những phản hồi rất tích cực từ thầy cô và các bạn sinh viên tại trường.

Theo Mai Châu, một trong những cách giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới là các bạn hãy mở lòng và dám nói lên những điều mà các bạn mong muốn với người đối diện. Ngoài những yếu tố liên quan đến nền văn hóa và sự kỳ thị, Châu nghĩ rằng nhiều người kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng người chuyển giới vì họ chưa hiểu vì sao người này lại là người chuyển giới, người kia lại mong muốn phẫu thuật. Khi đã thấu hiểu, chắc chắn họ sẽ có cái nhìn cởi mở và dễ chấp nhận hơn với sự đa dạng của thế giới xung quanh.

"Tôn trọng sự khác biệt của mỗi người không chỉ giúp bản thân chúng ta có thiện cảm hơn trong mắt người đối diện, mà còn là cơ hội giúp chúng ta mở rộng nhân sinh quan của chính mình", Châu chia sẻ.

Được làm việc trong các nhóm, tổ chức hoạt động vì cộng đồng người chuyển giới, Châu thấy mình rất may mắn và thấy được niềm vui lớn của những người chuyển giới đặt hy vọng vào dự thảo luật chuyển giới. Chúng tôi đã chấp nhận đánh đổi cả cuộc đời của mình để được sống thật với giới tính của mình thì đây như là cánh cửa mở ra ước mơ của chúng tôi.

Trước đây, Châu chưa bao giờ nghĩ sẽ có luật dành cho người chuyển giới, nhưng khi dự thảo luật chuyển đổi giới tính đã được xây dựng, chúng tôi thầm biết ơn các cơ quan, tổ chức đã phần nào hiểu và quan tâm đến sự hiện diện của chúng tôi...

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Báo động lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm MSM |SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-hoang-mai-chau-no-luc-vuot-qua-su-ky-thi-song-vi-hoai-bao-bao-ve-cong-dong-phong-chong-hiv-169241029104053835.htm