Polyp ở mũi có nguy hiểm không?
Polyp mũi là những khối u mềm, không đau, không phải ung thư có thể hình thành trong niêm mạc mũi hoặc xoang. Polyp thường không gây đau nhưng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và các biến chứng tiềm ẩn.
Polyp mũi ảnh hưởng đến 40% dân số nói chung. Bất kể ai cũng có thể bị polyp mũi, nhiều người mắc phải chúng ở độ tuổi 30 hoặc 40. Vậy triệu chứng polyp mũi là gì? Polyp mũi có nguy hiểm không?
1. Polyp mũi là gì?
Polyp mũi là khối u mềm lành tính và không gây đau. Polyp hình thành trong niêm mạc (mô mềm, mỏng) lót các đường dẫn mũi và xoang. Polyp mũi thường xuất hiện ở cả hai bên mũi và có thể bị kích ứng và sưng lên, khiến bạn khó thở bằng mũi.
Polyp mũi nhỏ trông như các giọt nước, khi phát triển to hơn các polyp này sẽ giống như quả nho và có màu hồng, vàng hoặc xám.
2. Triệu chứng polyp mũi là gì?
Polyp nhỏ trong mũi có thể không gây ra triệu chứng nào cả. Nhưng nếu polyp bắt đầu phát triển có thể gây ra một số triệu chứng:
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Đau đầu
- Mất vị giác và khứu giác
- Chảy máu mũi
- Chảy dịch mũi sau
- Đau xoang
- Ngủ ngáy
Khi polyp phát triển với kích thước lớn có thể chặn đường mũi và xoang. Các triệu chứng polyp mũi khi polyp lớn bao gồm:
- Thường xuyên lên cơn hen suyễn (ở những người bị hen suyễn)
- Nhiễm trùng xoang tái phát
- Ngưng thở khi ngủ hoặc các rối loạn giấc ngủ khác
- Khó thở, ngay cả ở những người không bị hen suyễn
Polyp mũi có dễ nhầm lẫn với ung thư mũi không?
Ung thư khoang mũi có thể gây ra các triệu chứng tương tự như polyp mũi như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, mất khứu giác.
Sự khác biệt giữa polyp mũi và khối u mũi là khối u có xu hướng chỉ ảnh hưởng đến một bên mũi. Khi bác sĩ kiểm tra mũi của bạn, họ sẽ chỉ thấy các khối u đơn phương, nghĩa là chỉ ở một bên. Trong khi đó, polyp thường xuất hiện 2 bên mũi.
Ngoài ra, khi bị ung thư khoang mũi, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng khác như:
- Đau gần mắt và xoang
- Mủ hoặc máu chảy ra từ mũi
- Tê hoặc đau ở mặt
- Những thay đổi của răng, chẳng hạn như lung lay hoặc tê liệt
- Những thay đổi ở mắt, chẳng hạn như lồi mắt hoặc thị lực giảm sút
- Những thay đổi ở tai, chẳng hạn như đau hoặc mất thính lực
- Đau hoặc khó mở miệng
- Hạch bạch huyết to ở cổ
3. Nguyên nhân gây ra polyp mũi là gì?
Nguyên nhân chính xác gây ra polyp mũi vẫn chưa được biết rõ, nhưng tình trạng này thường phát triển từ tình trạng viêm kéo dài ở các đường mũi và xoang. Viêm xoang mãn tính, nhiễm trùng hoặc hen suyễn là lý do phổ biến nhất khiến polyp xuất hiện.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp ở mũi:
- Viêm mũi dị ứng
- Bệnh xơ nang
- Quá mẫn cảm với một số loại thuốc NSAID (thuốc chống viêm không steroid)
- Di truyền
4. Polyp mũi có nguy hiểm không?
Nếu polyp nhỏ thì thường sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới sức khỏe vì đôi khi chúng còn không gây ra triệu chứng.
Tuy nhiên, nếu polyp phát triển quá mức có thể ảnh hưởng đến đường thở và gây ra chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ không được điều trị có thể dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường và trầm cảm.
Một số triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ như ngủ ngáy, đau đầu, mệt mỏi vào ban ngày, thức dậy thường xuyên vào ban đêm, khô miệng, đau họng, cảm giác thở hổn hển khi ngủ.
Hơn nữa, nhiễm trùng xoang kéo dài liên quan đến polyp mũi có thể dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng như:
- Nhiễm trùng xương và mất xương
- Áp xe có thể lan đến hốc mắt và não
- Viêm màng não (nhiễm trùng các mô xung quanh não và tủy sống)
Vì vẫn có những biến chứng tiềm ẩn đối với sức khỏe nên nếu phát hiện polyp mũi, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.
5. Chẩn đoán và điều trị polyp mũi
Chẩn đoán polyp mũi như thế nào?
Để chẩn đoán polyp mũi, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng và thời gian đã kéo dài bao lâu, nội soi mũi và hỏi về tiền sử có bị hen suyễn, viêm xoang, dị ứng hay không.
Một số xét nghiệm cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán polyp mũi như:
- Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)
- MRI (chụp cộng hưởng từ)
- Xét nghiệm dị ứng
Cách điều trị polyp mũi
Điều trị polyp mũi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Thuốc và phẫu thuật là 2 phương pháp chính.
Thuốc thường không thể loại bỏ polyp mũi, nhưng có thể làm giảm các triệu chứng. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Xịt mũi steroid giúp thu nhỏ polyp và cải thiện các triệu chứng
- Thuốc steroid uống (thuốc viên uống) như prednisone
- Thuốc sinh học, chẳng hạn như tiêm dupilumab - chứa kháng thể đơn dòng kích thích hệ thống miễn dịch của bạn và có thể làm teo polyp mũi.
Nếu sử dụng thuốc không hiệu quả và polyp quá lớn, bạn cần làm phẫu thuật để cắt bỏ polyp. Tuy nhiên, dù phẫu thuật loại bỏ polyp mũi, chúng vẫn có thể tái phát trở lại.
6. Có thể phòng ngừa polyp mũi không?
Như đã đề cập, viêm là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ polyp ở mũi nhưng đôi khi một số trường hợp có thể không rõ nguyên nhân. Do vậy, không thể phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng một số biện pháp:
- Dùng tất cả các loại thuốc theo đúng chỉ dẫn
- Tránh hít phải các chất gây dị ứng hoặc kích ứng trong không khí có thể dẫn đến viêm mũi và xoang
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giúp làm ẩm đường hô hấp của bạn
- Sử dụng nước muối rửa mũi hoặc xịt mũi để rửa sạch các chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng khác.
- Thực hành vệ sinh mũi tốt
Trên đây là những triệu chứng polyp mũi và những thông tin liên quan về tình trạng này. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khó thở, đau đầu, đau xoang, chảy máu mũi, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn: Clevelandclinic, goodrx
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/polyp-o-mui-co-nguy-hiem-khong-20241030150147677.htm