Cảnh báo tình trạng trẻ em nghiện trò chơi điện tử bạo lực

PTĐT - Thời gian gần đây, việc trẻ em nghiện trò chơi điện tử, đặc biệt là trò chơi có tính chất bạo lực dẫn đến phạm tội được xã hội quan tâm

Toàn tỉnh hiện có 1.064.394 thuê bao Internet (tăng 21,55% so với cùng kì năm ngoái) ; 263 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử…

PTĐT - Thời gian gần đây, việc trẻ em nghiện trò chơi điện tử, đặc biệt là trò chơi có tính chất bạo lực dẫn đến phạm tội được xã hội quan tâm. Vừa qua, vụ việc “bắt cóc” theo tình tiết trong trò chơi điện tử do một nam sinh lớp 11 ở tỉnh Nghệ An thực hiện gây ra cái chết thương tâm cho cháu Hồ Văn Đ. (sinh năm 2015) đã một lần nữa dấy lên “hồi chuông cảnh báo” về việc ảnh hưởng tiêu cực của những trò chơi này tới tâm lý, hành vi của thanh, thiếu niên hiện nay.

Bước vào một quán trò chơi điện tử nằm trên đường Hùng Vương, thành phố Việt Trì, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều thanh, thiếu niên độ tuổi từ 12 đến 18 tuổi đang hăng say chơi các trò chơi như: bắn súng, đấu kiếm, bắt cóc con tin, phá hủy công trình,… Có những trò chơi được gắn mác 15+, 18+ nhưng rất nhiều em học sinh chưa đủ tuổi vẫn dễ dàng lập được tài khoản để tham gia.

Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), toàn tỉnh hiện có 1.064.394 thuê bao Internet (tăng 21,55% so với cùng kì năm ngoái); 263 cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử; tổng số thuê bao điện thoại là 1.249.279. Sự tăng nhanh về số lượng điện thoại di động (smartphone) khiến việc kết nối mạng và tải về các trò chơi ngày càng dễ dàng. Điều đó cho thấy, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, thì việc trẻ em tiếp cận với các trò chơi có khuynh hướng bạo lực là không hề khó.

Hằng năm, Sở TT&TT phối hợp với các phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành, thị thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều không niêm yết danh sách cập nhật trò chơi điện tử G1 (dạng trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp), chưa phân loại trò chơi ứng với độ tuổi người chơi.

Nghiện trò chơi điện tử sẽ ảnh hưởng tiêu tới tâm lý, hành vi của thanh, thiếu niên.

Bên cạnh đó, gia đình có trách nhiệm vô cùng lớn trong việc kiểm soát trẻ em chơi trò chơi điện tử. Nhiều phụ huynh thường cho con mình sử dụng máy vi tính, điện thoại để chơi trò chơi mà không có sự kiểm soát về thời gian chơi cũng như nội dung trò chơi. Điều này vô tình khiến các em “nghiện game” lúc nào không hay, nguy hiểm hơn là thực hiện theo hành vi bạo lực trong trò chơi gây tổn thương cho mọi người xung quanh.

Hiện nay, có rất nhiều dạng trò chơi điện tử, trong đó, phải kể đến trò chơi bạo lực, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm, sinh lý và sự phát triển của thanh, thiếu niên. Do đặc thù người chơi trò chơi phải ngồi trước máy tính, điện thoại nhiều, dần dần quên ăn, quên ngủ, thậm chí bỏ nhà, trốn học vì nghiện trò chơi điện tử, ngoài bệnh tâm lý, các em còn bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe như: Bệnh về mắt; đường tiêu hóa, tiết niệu; hệ cơ, xương kém phát triển do lười vận động… Nguy hiểm hơn, để có tiền chơi game nhiều em đã có các hành vi phạm tội như: Trộm cắp, lừa đảo để lấy tiền chơi, đánh nhau,…

Để đồng hành cùng các con trên không gian mạng, việc đầu tiên là các bậc phụ huynh cần tìm hiểu Internet, các công cụ liên quan để biết ứng phó. Cùng với đó cần tăng cường giám sát con em mình, hướng các con tham gia vào các hoạt động thể chất lành mạnh, bởi nếu lơ là, nguy cơ gây nghiện sẽ rất cao và khó điều trị. Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần có biện pháp lành mạnh để buộc các nhà phát hành “game” tuân thủ quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến, có chế tài xử lý thích đáng. Có như vậy, thì mới bảo vệ được trẻ em trên môi trường mạng Internet.

Như Quỳnh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202007/canh-bao-tinh-trang-tre-em-nghien-tro-choi-dien-tu-bao-luc-171782