Canh cánh nỗi lo về giống ở Đắk Nông

Chất lượng giống cây trồng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nông dân ở Đắk Nông vẫn còn nhiều nỗi lo về cây giống.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn 8, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song vừa xuống giống 8 sào hồ tiêu. Hiện vườn cây đã bén rễ, bắt đầu phát triển.

Ông Hùng cho biết, ông đã trồng hồ tiêu hơn 20 năm qua. Vườn cây của gia đình nhiều giai đoạn bị bệnh gây thiệt hại đáng kể. Hồ tiêu là cây trồng dễ bị nhiễm bệnh, lây lan nhanh.

Do đó, để bảo đảm an toàn cho cả quá trình sản xuất lâu dài, ông đặc biệt coi trọng khâu giống. Ông tìm mua cây giống ở những địa chỉ cung ứng uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn 8, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng mới

Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn 8, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng mới

Vụ này, giống tiêu ông chọn là tiêu Vĩnh Linh, với những đặc điểm ưu việt như thân bò phát triển rất mạnh, sống cộng sinh được với những loài cây khác.

Đây là điều thuận lợi để gia đình ông phát triển dần theo hình thức trồng cây tiêu leo trên cây trụ sống như muồng, keo. Ông Hùng nhấn mạnh, trồng hồ tiêu nếu nhanh cũng mất 3 năm mới cho thu bói.

Nếu giống không tốt thì ít nhất sau 3 năm đầu tư ông mới có thể biết được có hiệu quả hay không. Do đó, việc chọn giống tiêu bảo đảm chất lượng là mối quan tâm hàng đầu đối với ông.

Cùng với giống, ông chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác hồ tiêu theo hướng bền vững trên cơ sở bón phân cân đối, phòng chống các bệnh phát sinh.

Nông dân huyện Đắk Song chú ý chất lượng giống để phát triển hồ tiêu bền vững

Nông dân huyện Đắk Song chú ý chất lượng giống để phát triển hồ tiêu bền vững

Mùa mưa năm nay, gia đình ông Phạm Văn Dũng, thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan, TP. Gia Nghĩa trồng 1ha cà phê. Coi trọng khâu giống nên từ năm ngoái ông đã đặt 1.000 cây giống cà phê Thiện Trường từ Trung tâm Nghiên cứu, thực nghiệm giống nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Hiện vườn cây của ông đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Theo Sở NN-PTNT, những năm gần đây, người dân đã chú trọng hơn vai trò của cây giống trong quá trình sản xuất. Hàng năm, nhu cầu sử dụng giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm để trồng mới, tái canh hoặc trồng xen trên địa bàn tỉnh ước khoảng 7 triệu cây.

Trong đó, năng lực cung ứng giống cây trồng nông nghiệp của các cơ sở sản xuất trong tỉnh đáp ứng khoảng 70%, còn lại nhập từ các tỉnh khác, chủ yếu cây ăn quả.

Những năm qua, các ngành chức năng, huyện, thành phố của tỉnh đã đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Chính vì thế, chất lượng giống cây trồng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế nông dân vẫn còn nhiều nỗi lo về cây giống.

Đa số giống cây ăn trái đều được nhập từ các tỉnh ngoài về Đắk Nông cung cấp cho người dân

Đa số giống cây ăn trái đều được nhập từ các tỉnh ngoài về Đắk Nông cung cấp cho người dân

Cũng theo Sở NN-PTNT, Đắk Nông hiện có 336 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, chỉ có 53/336 cơ sở có đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định. Ngoài ra, 21/336 cơ sở thực hiện khai báo với cơ quan chức năng.

Còn lại 283 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống hoạt động chui. Các cơ sở này chủ yếu tự sản xuất, cung cấp giống cây trồng cho người dân mà không đăng ký hoạt động.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, HĐND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Nghị quyết số 07 quy định hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đắk Nông đã có hành động mới nhằm nâng cao chất lượng khâu giống từ nghị quyết Số 07 của HĐND tỉnh

Đắk Nông đã có hành động mới nhằm nâng cao chất lượng khâu giống từ nghị quyết Số 07 của HĐND tỉnh

Nghị quyết số 07 được coi là một động lực mới cho ngành Nông nghiệp, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Thực hiện Nghị quyết số 07 sẽ giúp nông nghiệp tỉnh có cơ hội bứt phá theo hướng sản xuất an toàn, bền vững, giá trị cao.

Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh Đắk Nông quy định một số nội dung hỗ trợ, bảo đảm kinh phí gồm: bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội, công nhận cây đầu dòng có mức hỗ trợ không quá 25 triệu đồng/cây; chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống để cung cấp vật liệu nhân giống, mức hỗ trợ đối với cây nông nghiệp không quá 60 triệu đồng/ha; kiểm soát chất lượng giống, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/dự án; hỗ trợ 30% chi phí sản xuất giống từ vườn cây đầu dòng, đối với cà phê, hồ tiêu không quá 200 triệu đồng/dự án...

Trần Thị Thoan

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/canh-canh-noi-lo-ve-giong-o-dak-nong-231104.html