Cảnh cũ trường xưa nay ta lại về

Trường trung học Lương Văn Chánh ngày xưa và bây giờ có một bề dày lịch sử cùng thành tích. Trải qua 74 năm, trường đã từng đổ nát trong chiến tranh, rồi huy hoàng vang danh trong hòa bình ngày nay...

Vào những năm 1964-1966, vùng đất thổ làng Mỹ Xuân, xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa 1 (nay là huyện Tây Hòa) có những rặng trâm bầu xanh bạt ngàn. Trên một khu đất cao, tọa lạc mái đình uy nghi, trước sân đình có những cây gạo, cây mù u cổ thụ. Đặc biệt là cây đa cổ thụ nằm chếch phía sân đình ba bốn người ôm không xuể. Theo lời các cụ cao niên trong làng, cây đa này ngót trên trăm tuổi! Thấy ngôi đình xa khu dân cư, yên tĩnh và thoáng mát nên chính quyền địa phương lúc bây giờ trưng dụng làm trường dạy học. Đó là Trường Lương Văn Chánh.

Sau một thời gian dạy, “tiếng lành đồn xa”, nên con em các xã Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Bình, Hòa Tân, Hòa Phong, Hòa Vinh, Hòa Xuân, Hòa Hiệp về đây học rất đông. Ngoài ra, còn có cả học sinh đang học ở các trường như Bồ Đề, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Huệ ở TX Tuy Hòa cũng rủ nhau về học Trường cấp hai Lương Văn Chánh ở Trâm Bầu Hòa Thịnh. Trong số đó có tôi.

Ngày ấy tôi là con trai độc nhất, được cha mẹ nuông chiều gửi xuống TX Tuy Hòa trọ học. Quê tôi Đồng Cọ (Hòa Thịnh) lúc bấy giờ đò giang cách trở, đời sống bà con còn nghèo khổ nên số học sinh ở Đồng Cọ xuống phố trọ học chỉ đếm được trên đầu ngón tay!

Tôi nhớ ngày tôi rời trường phố về học trường vùng giải phóng, thầy Ngô Thạch Ủng (nhà thơ Đỗ Chu Thăng) nắm tay tôi ra ngồi bên gốc đa, thầy ôn tồn nói nhỏ: “Là học sinh dưới tỉnh mới về, em phải cắt tóc gọn lại, đi học không được mặc sơ mi trắng quần ống bờ, ăn nói cẩn trọng và tập lao động...”.

Tôi vâng lời thầy, làm theo: mặc áo bà ba, mang dép cao su, đội mũ tai bèo và nhanh chóng hòa nhập cùng bạn bè. Tôi được bầu làm lớp trưởng và trưởng ban “Bích báo”.

Trường quy tụ học sinh mỗi ngày một đông, ngôi đình quá tải nên dựng thêm một ngôi trường tranh vách đất gần đấy dưới tán cây râm mát. Để tránh máy bay phát hiện đánh phá, trường tổ chức lớp học vào ban đêm. Đến giờ đi học, chúng tôi ai nấy cũng đeo lủng lẳng bên mình cây đèn dầu làm bằng chai “cô đề măng”, có bạn gọi vui đó là “quả lựu đạn chày”.

Có những đêm trăng sáng vằng vặc, sáng đến mức tôi nhìn thấy những sợi lông tơ trên đôi má cô bạn gái đi bên cạnh. Trên đường đến trường ngang qua bụi dú dẻ bên đường, tình cờ nhìn thấy chùm trái chín vàng, tôi liền chui vào bụi hái. Đặt quả chín vào tay bạn, lần đầu tôi cầm tay con gái. Chao ôi, trống ngực đập loạn xạ, lòng tôi bối rối, hai thái dương nóng bừng...

Dưới ánh trăng, đôi mắt to tròn đen láy với hàng lông nheo dày cong vút, cô bạn nhỏ nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ...

Quả dú dẻ chín mọng

Ngọt như cánh môi em

Hai đứa thơ ngây cắn

Vị ngọt thấm vào tim...

Cứ ngỡ tuổi thơ mình bình lặng, êm trôi dưới mái trường chờ ngày tàn binh lửa, nào ngờ vào một ngày định mệnh, khoảng 17 giờ 30 ngày 6/5/1965, hai chiếc khu trục bất thần đến ném bom. Đình sập, trường bốc cháy! Bom vùi lấp mất 9 bạn học. Máu nhuộm đó đây trên cành cây bụi cỏ. Máy bay đi khi trời sụp tối, bà con dân làng đốt đèn đuốc cùng những bạn còn sống sót đào bới đất ở những hố bom để đưa xác bạn lên. Chao ôi, có bạn còn mềm nhũn, nóng hổi. Chúng tôi nghẹn ngào vuốt mắt bạn!

Tại vùng Trâm Bầu - nơi có mái đình và Trường Lương Văn Chánh ngày ấy, mới đây, ngày 24/11 đã diễn ra buổi lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài đại biểu các nơi còn có rất đông cựu học sinh Lương Văn Chánh về dự, ai nấy đầu tóc bạc phơ, bắt tay nhau mừng rỡ, thắp hương nhà bia tưởng niệm và dạo quanh khuôn viên khu di tích, lòng bùi ngùi nhớ lại trường cũ bạn xưa.

VŨ HOÀNG GIANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/249441/canh-cu-truong-xua-nay-ta-lai-ve.html