Cảnh giác thủ đoạn thuê xe ô-tô tự lái mang đi cầm cố (Bài 1: Rủi ro rình rập)
Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu thuê ô-tô tự lái và mua bán xe ô-tô đã qua sử dụng tăng cao nên người cho thuê và người mua cần cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đa phần đối tượng tội phạm thường sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo, tuy thủ đoạn này không mới nhưng vẫn có nhiều người bị 'mắc bẫy'.
Thuê xe rồi… “lặn”
Hiện nay, nhu cầu thuê xe tự lái đang tăng mạnh, khách hàng cũng dễ dàng thuê được một chiếc xe ô-tô tự lái để phục vụ nhu cầu cá nhân. Bên cạnh nó cũng tồn tại không ít những đối tượng, băng nhóm lợi dụng vào việc đó thuê xe tự lái mang đi cầm cố thế chấp. Tại Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng các đối tượng thuê xe ô-tô rồi làm giấy tờ giả mang xe đi tỉnh, thành khác cầm cố.
Mới đây, đầu tháng 11-2022, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng phát đi thông báo tìm bị hại của Nguyễn Văn Hoành (1995, quê Quảng Trị). Hoành là người đã thuê 2 chiếc ô-tô của Công ty TNHH K.C (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) trong thời hạn 7 ngày. Sau khi thuê được xe, Hoành lập tức đặt làm giả giấy chứng nhận đăng ký 2 chiếc ô-tô nói trên rồi mang ra địa bàn tỉnh Quảng Trị cầm cố lấy 900 triệu đồng. Khi vụ việc bị bại lộ, Hoành bị Cơ quan CSĐT khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trước đó, vào tháng 10-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cũng đã ra quyết định truy tìm đối tượng Bùi Đức Thắng (1996, trú H. Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) để giải quyết nguồn tin về tội phạm. Theo tố cáo của Công ty du lịch Đ.G.Đ (trụ sở tại Đà Nẵng), Thắng thuê ô-tô của công ty rồi tháo định vị của xe và bỏ trốn.
Ngoài ra, nhiều bị hại là người mua bị “dính bẫy” vì kẻ lừa đảo trưng ra giấy tờ giả nhưng không phát hiện được hoặc do quá tin tưởng nên mất cảnh giác. Trường hợp của Nguyễn Mạnh Khang (1995, quê Hải Dương) là ví dụ điển hình. Từ Hải Dương vào Đà Nẵng đầu tư kinh doanh mua bán ô-tô cũ, nhưng vì dịch bệnh và đầu tư bất động sản, chứng khoán dẫn đến thua lỗ, phát sinh nợ nần nên Khang đã thuê hàng loạt ô-tô rồi đem cầm cố lấy tiền trả cho chủ nợ.
Theo điều tra của Công an quận Cẩm Lệ, Khang do có quen biết với chị T. (1982, trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nên thuê xe của chị T. về thăm quê vợ. Khi chị T. đồng ý giao xe, Khang liên hệ anh H.C (1992, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để gạ bán xe với “giá mềm”. Thấy dễ ăn, Khang tiếp tục sử dụng hình ảnh của 3 chiếc ô-tô khác để bán cho anh C. với giá thấp và chiếm đoạt số tiền cọc 985 triệu đồng. Về phần mình, anh C. dù chưa thấy xe ô tô ngoài thực tế nhưng vì tin tưởng và thấy xe giá rẻ nên chuyển tiền đặt cọc cho Khang. Đến ngày công chứng, Khang tìm nhiều lý do tránh né nên sự việc lừa đảo, bán xe “đi thuê” của Khang đã bị anh C. tố cáo. Qua điều tra, Khang bị Cơ quan CSĐT CAQ Cẩm Lệ khởi tố, bắt tạm giam về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tiệm cầm đồ cũng dính “bẫy”
Bên cạnh các cơ sở, cá nhân cho thuê ô-tô thì Đà Nẵng cũng có nhiều cơ sở cầm đồ và mua bán ô-tô đã qua sử dụng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã mang xe gian, xe thuê đến Đà Nẵng để giao dịch. Không ít người mất cảnh giác đã dính quả lừa.
Tháng 4-2022, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ nhóm đối tượng thuê 2 chiếc ô-tô từ Nghệ An mang vào TP Đà Nẵng cầm cố, chiếm đoạt tiền. Theo điều tra, Nguyễn Văn Thiệu (1984) và Tạ Đức Nhật (1994, cùng trú TP Vinh, Nghệ An) đã thuê 2 ô-tô tại TP Vinh rồi chạy vào Đà Nẵng cầm cố cho Nguyễn Tiến Cả (1990) lấy 500 triệu đồng để tiêu xài và sử dụng ma túy. Để qua mặt Cả, hai đối tượng đã thêm tên các chủ xe vào sổ hộ khẩu như một thành viên của gia đình mình. Nhận cầm cố xe từ Thiệu và Nhật, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Cả đã đưa xe từ Đà Nẵng về nhà tại huyện Núi Thành (Quảng Nam) cất giấu. Khi vụ việc vỡ lở, Công an thu hồi xe thì Cả chống đối quyết liệt nên cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng giống như trường hợp trên, Đặng Công Hoan (1996, trú TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) thuê ô tô tự lái ở Gia Lai, rồi đưa ra Đà Nẵng cho khách thuê lại để hưởng chênh lệch. Thời gian đầu, người này trả tiền thuê đều đặn nên nhiều chủ xe tin tưởng. Đến cuối năm 2020, do cần tiền tiêu xài và trả nợ, Hoan liên hệ hai người trên Gia Lai hỏi thuê 5 ô-tô rồi nói dối về việc có khách tại Đà Nẵng muốn thuê. Tuy nhiên, cả 5 ô-tô này sau đó được Hoan đem đi cầm cố, với tổng giá trị tài sản chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng.
Theo cơ quan Công an, việc cho thuê xe tự lái là hình thức kinh doanh gặp nhiều rủi ro và đa phần khi bắt giữ được kẻ lừa đảo thì toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã bị tiêu sạch. Cuối cùng, thiệt hại nằm về phía người cho thuê và người cầm cố, mua xe.