Cảnh giác với bẫy tín dụng đen thời COVID-19
COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến người lao động, đồng thời tăng cơ hội để tín dụng đen tiếp tục len lỏi, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo báo cáo Triển vọng việc làm và vã hội châu Á – Thái Bình Dương 2020 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 gây nên hậu quả nặng nề khi 81 triệu người lao động trên toàn cầu mất việc làm trong năm 2020.
Tại Việt Nam, COVID-19 cũng khiến hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo Tổng Cục Thống kê, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị giảm sút. Đặc biệt là những người lao động phổ thông, người lao động có thu nhập thấp – vốn là đối tượng yếu thế trước hậu quả do đại dịch.
Tín dụng đen hoành hành khôn lường
Giảm thu nhập, có những người mất hoàn toàn thu nhập, để có chi phí trang trải cho những nhu cầu thường nhật của cuộc sống hoặc giải quyết những tình huống cấp bách, không ít người buộc phải tìm đến các tổ chức tín dụng đen bởi không có đủ điều kiện để có thể vay vốn ngân hàng. Đây chính là hoàn cảnh khiến vấn nạn tín dụng đen tiếp tục biến tướng ngày càng tinh vi.
Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng cho biết, trong năm 2020, lực lượng cảnh sát hình sự đã truy quét hơn 300 vụ án liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi và xử lý hơn 600 đối tượng. Mặc dù tính chất, mức độ đã giảm đáng kể tuy nhiên diễn biến vẫn còn phức tạp, thực trạng cho vay nặng lãi đang xảy ra ở khắp nơi.
Tháng 1/2021, lãnh đạo công an tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng vừa đấu tranh thành công chuyên án “tín dụng đen” trên địa bàn, 13 đối tượng liên quan được triệu tập đến cơ quan công an để đấu tranh, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng. Bước đầu, các đối tượng khai nhận, từ năm 2019 đến nay đã cho khoảng 200 người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vay với số tiền trên 1 tỷ đồng, với lãi suất từ 250% đến 365%/năm. Cơ quan điều tra đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự 03 đối tượng và tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Gần đây nhất, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt Tu Long (28 tuổi) và Yuan Deng Hui (27 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc), mỗi bị cáo 18 tháng tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Các đồng phạm người Việt Nam là Lâm Cẩm Quyền (30 tuổi), Lài Thế Hùng (29 tuổi), Chề Ngọc Trinh (25 tuổi), mỗi bị cáo 1 năm tù cùng về tội danh này.
Theo cáo trạng, từ tháng 4/2019 đến tháng 10/2019, Jiang Miao thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh ba công ty: Beta, Vinfin và Ðại Phát. Jiang Miao và Niu Li Li, tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động (app) mang tên: "vaytocdo", "Moreloan" và "VD online". Thông qua các ứng dụng này, các đối tượng cho vay với lãi suất 2,5%/ngày, tương đương hơn 912%/năm, vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định pháp luật để thu lợi bất chính.
Nâng cao cảnh giác bẫy tín dụng đen
Với những rủi ro về an ninh trật tự liên quan đến tín dụng đen, các cơ quan công an phải liên tục phát đi cảnh báo người dân về vấn nạn này. Để bảo vệ mình, người dần cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen.
Cục Cảnh sát Hình sự cũng khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống trong trường hợp cần vay tiêu dùng. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể, có xác thực từ phía công ty và người đi vay cũng như cần tìm hiểu đầy đủ các quy định về lãi suất, phạt trả chậm…
Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức tín dụng đen và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép.
Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM: “Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Đồng thời, cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”.
Các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính cần tiếp tục mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm, dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận cho người dân qua kênh tín dụng chính thức.
Với thế mạnh mạng lưới của các công ty tài chính chính thống, việc nâng cao cơ hội tiếp cận nguồn tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp – nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại) sẽ góp phần hạn chế tiến tới đẩy lùi tín dụng đen..
Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE CREDIT, để từng bước ngăn chặn nạn tín dụng đen hoành hành, FE CREDIT đã tăng cường mở rộng phân khúc khách hàng, tiên phong chuyển đổi số hóa nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn từ công ty tài chính chính thức, được cấp phép như FE CREDIT.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/canh-giac-voi-bay-tin-dung-den-thoi-covid-19-ar602534.html