Cao Bằng đảm bảo thông thương cửa khẩu trong điều kiện bình thường mới

Những ngày qua, hoạt động xuất nhập khẩu tại Cao Bằng tiếp tục duy trì ổn định và bước đầu có những tín hiệu tích cực sau khi các địa phương chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Hơn 1 tháng qua, Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đã nối lại các hoạt động thông quan với khoảng 20-40 xe hàng xuất khẩu mỗi ngày. Ông Hoàng Văn Hà, Phó Chi cục Trưởng Hải quan Cửa khẩu Tà Lùng cho biết: Việc ngưng trệ, khó khăn thời gian qua chủ yếu do phía Trung Quốc thắt chặt biện pháp phòng dịch. Về phía cửa khẩu Việt Nam, tất cả các thủ tục đều được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

“Đơn vị đã xây dựng kế hoạch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn sao cho thuận lợi, hiệu quả nhất. Ví dụ như xây dựng phương án giao nhận hàng, giúp đỡ doanh nghiệp giao nhận hàng, đăng ký lái xe qua cửa khẩu, hỗ trợ khai báo Hải quan… Trước tình hình mới, chúng tôi đã tăng cường lực lượng túc trực, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thực hiện thông quan qua cửa khẩu" - ông Hoàng Văn Hà nói.

Phương tiện được phun phòng dịch trước khi thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng - Cao Bằng.

Phương tiện được phun phòng dịch trước khi thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng - Cao Bằng.

Cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh những ngày qua có khoảng 20-40 xe hàng xuất nhập khẩu mỗi ngày, gấp đôi so với khoảng hơn 1 tháng trước. Từ đầu năm nay, cửa khẩu Trà Lĩnh đã có thêm một số mặt hàng như hoa quả, nông sản địa phương. Khó khăn nhất của khu vực này đó là năng lực tiếp nhận của phía Trung Quốc chỉ giới hạn khoảng hơn 20 xe mỗi ngày. Việc trao đổi thông tin với phía Trung Quốc còn nhiều hạn chế khiến doanh nghiệp Việt Nam lúng túng khi phía nước bạn có những thay đổi trong chính sách, đặc biệt trong công tác kiểm dịch.

Để khắc phục những hạn chế này, ông Lương Văn Chung, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh cho biết: “Về mặt chủ trương, vừa rồi cũng có kiến nghị, đề xuất với tỉnh Cao Bằng thời gian tới cần trao đổi, hội đàm với phía bạn để thành lập một tổ công tác, để liên lạc, trao đổi thông tin thường xuyên về tình hình khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng ngày”.

10 tháng qua, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn Cao Bằng đạt 570 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng đã được phía bạn chỉ định đi qua các cửa khẩu của Cao Bằng như gạo, nông sản, hoa quả. Hiện Cao Bằng có 4 khu vực cửa khẩu là Tà Lùng, Sóc Giang, Trà Lĩnh và Pò Peo có các hoạt động thông thương. Trong đó, cửa khẩu Tà Lùng vẫn là trọng yếu.

Phương tiện chờ thông quan qua lối mở Nà Đoỏng (Cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng).

Phương tiện chờ thông quan qua lối mở Nà Đoỏng (Cửa khẩu Trà Lĩnh - Cao Bằng).

Ông Phạm Văn Hoài, Trưởng Ban Quản ký khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng cho biết: “Về hạ tầng, trong thời gian tới cầu Tà Lùng 2 và Lối mở 943-944 nối lại thì việc xuất nhập hàng sẽ rất thuận lợi. Các bến bãi trong khu vực cửa khẩu có diện tích trên 20 ha nên đáp ứng được việc sắp xếp, đậu đỗ các xe hàng hóa. Các thủ tục về xuất nhập khẩu như Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch đều đã rút ngắn, điện tử hóa rất nhiều nên một ngày thông quan từ 200-300 xe là có thể thực hiện được”.

Cao Bằng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông giữa các cửa khẩu và các khu du lịch với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống bến bãi, hạ tầng logistics để nâng cấp cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu Quốc tế và là trọng điểm xuất nhập khẩu. Việc làm này tạo thuận lợi lớn cho thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu trong điều kiện bình thường mới./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cao-bang-dam-bao-thong-thuong-cua-cau-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-902302.vov