Cao Bằng thời tiền sử - sơ sử

Với địa thế núi sông hiểm trở, tiếp nối với hệ sơn khối Bắc Sơn, có con sông lớn là sông Bằng Giang và nhiều sông nhỏ khác như sông Mãng, sông Hiến, sông Cổn 'ba mặt lượn quanh ôm lại như hình đai bạc' (Đại Nam nhất thống chí). Với nhiều di tích khảo cổ đã phát hiện tại Cao Bằng cho phép xác định rằng, Cao Bằng là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời tương ứng với những giai đoạn chính trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

Thành phố "tam giang" - Thành phố Cao Bằng ngày nay.

Thành phố "tam giang" - Thành phố Cao Bằng ngày nay.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, những vết tích tiền sử tại Cao Bằng đã được nhà nữ địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện. Toàn bộ sưu tập hiện vật bao gồm hơn 100 chiếc rìu, bôn đá do M.Colani sưu tầm tại các địa điểm Quảng Uyên, Sóc Giang, Phiên Lương, Phúc Dương, Đông Khê, Nguyên Bình, Đa Tân, Trùng Khánh, Tà Sa, Bản Giốc... Hiện đang được tàng trữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Đáng tiếc là M.Colani không công bố chi tiết sưu tập hiện vật, mà chỉ nhắc đến trong một vài thông báo sơ lược. Khi nghiên cứu sưu tập hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà nghiên cứu đã nhận ra đặc trưng riêng, rất độc đáo của loại hình bôn có vai, có nấc ngang của sưu tập Cao Bằng (Hà Văn Tấn và Nguyễn Đình Chiến - 1977; Phạm Thị Ninh - 1997). Chính nhờ những đặc trưng đó, khi xác lập văn hóa khảo cổ hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí Hà Giang, những người định danh đã mở rộng phạm vi phân bố của nền văn hóa này sang đến tỉnh Cao Bằng (Hà Văn Tấn, Bùi Vĩnh, Võ Quý - 1990; Phạm Thị Ninh - 1997).

Năm 1971, Viện Khảo cổ học Việt Nam lần đầu tiên cử một đoàn nghiên cứu lên Cao Bằng điều tra khảo sát. Kết quả đợt khảo sát đã phát hiện được 12 địa điểm thuộc các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Thạch An có những dấu tích hóa thạch xương động vật trong khối trầm tích thuộc giai đoạn trung kỳ và hậu kỳ Cánh tân. Trên cơ sở đó, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với chuyên gia Đức H.D.Cancơ lên xem xét lại những hang động đã phát hiện. Đoàn điều tra đặc biệt chú ý tới các hang động cao để tìm hiểu dấu vết cổ nhân, cổ sinh trong giai đoạn sớm; đồng thời qua thực tế điều tra để đặt một chương trình khai quật và nghiên cứu cổ sinh, cổ nhân sau này (Hoàng Xuân Chinh và Vũ Thế Long - 1972).

Năm 1995, đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học tiến hành một chương trình điều tra, khảo sát trong phạm vi 3 tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng. Đoàn khảo sát tiến hành điều tra lưu vực sông Bằng Giang (xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) và phát hiện được một công cụ thuộc thời đại đồ đá cũ. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là công cụ chặt thô, có thể sánh với loại hình công cụ đá cũ ở Hà Giang và Bách Sắc (Trung Quốc). Cũng trong dịp này, các nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đã trực tiếp nghiên cứu các sưu tập đồ đá, đồ đồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho phép họ nhận định những rìu, bôn đá ở đây hoàn toàn giống với sưu tập hiện vật của M.Colani trước kia và những trống đồng mà Lò Giàng Páo công bố phát hiện ở Hà Giang cũng rất giống với những chiếc trống đồng còn nằm trong kho của Bảo tàng tỉnh (Hà Hữu Nga, Lý Thị Tiêu, Nguyễn Thị Thực 1996; Lò Giàng Páo - 1994).

Năm 1986, phát hiện ở hang Ngườm Càng thuộc xã Vị Quang, huyện Thông Nông một di tích khảo cổ có chứa nhiều công cụ ghè đèo và mảnh tước. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cử cán bộ lên phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành kiểm tra và đào thám sát. Trong hố thám sát 1m², các nhà chuyên môn đã thu được 50 hiện vật bằng đá bao gồm các loại hình: công cụ chặt, công cụ mảnh tước, bàn mài, hòn ghè. Phần lớn những công cụ đều được làm bằng cuội, kỹ thuật chế tác bằng phương pháp ghè trực tiếp, hướng tâm tạo nên các công cụ chặt có rìa lưỡi dọc hoặc rìa lưỡi ngang. Theo những người khảo sát, những hiện vật thu được tại hang Ngườm Càng thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ (Quang Văn Cậy và Lò Giàng Páo 1987). Năm 2000, cán bộ Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tỉnh tiến hành điều tra lại và đào thám sát một số hang động như hang Thần, hang Ngườm Càng ở huyện Thông Nông và hang Lũng Ó ở huyện Quảng Hòa. Kết quả thu được từ những cuộc khảo sát trên cho thấy bên cạnh những vết tích cổ sinh thuộc thời kỳ Cảnh tân trên vách hang, còn có những vết tích cư trú của người tiền sử tại những hang động đó (Trinh Năng Chung, Hà Thị Quyết, Lý Thị Tiêu - 2000).

Năm 1981, một lão nông thuộc xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh đã phát hiện được trống đồng trong vườn nhà ở độ sâu 40cm. Chiếc trống này đã được Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội nghiên cứu và công bố trong Hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học 1987. Căn cứ vào kiểu dáng và hoa văn trang trí, cho thấy trống đồng Ngọc Khê thuộc loại II Heger. Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh thêm rằng loại hoa văn hình con gà trên trống là độc đáo, ít thấy trên các trống loại II đã biết từ trước đến nay (Nguyễn Văn Huyên - 1987). Trong những năm gần đây hoạt động khảo cổ học cho thấy Cao Bằng là tỉnh có khả năng có nhiều di tích khảo cổ thời tiền sử và sơ sử. Từ những kết quả nghiên cứu bước đầu, chúng ta có thể nhận thức được các giai đoạn phát triển tiền sử và sơ sử ở Cao Bằng.

Hiện nay, với Đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, bảo tồn những giá trị di sản ở Cao Bằng liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì, nhằm nghiên cứu, làm rõ kết luận: Quê hương, nguồn gốc của Thục Phán - An Dương Vương ở Cao Bằng. Từ đó, xây dựng kế hoạch bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử, phục dựng di tích liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương. Làm căn cứ để lập hồ sơ các địa danh, di tích, hiện vật đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp Nhà nước.

Theo truyền thuyết của người Tày Cao Bằng, thành Bản Phủ là do Thục Chế (cha của Thục Phán An Dương Vương) xây đắp nên. Thục Chế là Vua nước Nam Cương được gắn với truyền thuyết Chín chúa tranh vua - câu chuyện cổ phổ biến trong đồng bào dân tộc Tày Cao Bằng. Các đoàn công tác của các nhà nghiên cứu với những phát hiện quan trọng đã hé mở một phần quan trọng lịch sử người cổ đại ở Cao Bằng. Đó là một thời kỳ lịch sử quan trọng tạo tiền đề cho việc ra đời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc sau này.

Với những hiện vật được phát hiện tại Cao Bằng là bộ sưu tập vô cùng quý giá, đóng góp vào quá trình nghiên cứu khảo cổ học Cao Bằng nói riêng và khảo cổ học các vùng lân cận cũng như của Việt Nam nói chung. Những di chỉ và di vật khảo cổ nói trên đã chứng minh Cao Bằng là một trong những nơi cư trú của người tiền sử. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nhận thức về văn hóa tiền sử ở Việt Nam.

H.C

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cao-bang-thoi-tien-su-so-su-3173211.html