Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sắp thông xe, chờ kết nối toàn tuyến
Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn khi hoàn thành sẽ mở cung đường tương lai của vùng Đông Bắc nhưng vẫn cần có sự kết nối liền mạch từ việc đầu tư tuyến Chi Lăng-Hữu Nghị.
Sau hơn 2 năm chính thức bước vào triển khai xây dựng, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sắp thông xe vào ngày 29/9 tới sẽ mở toang cánh cửa cung đường khu vực Đông Bắc, giúp giảm thời gian lưu thông và thúc đẩy kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, việc còn cách 30km mới đến thành phố Lạng Sơn, đoạn cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng nếu chưa được rót vốn đầu tư sẽ là nút thắt giao thông trong thời gian tới.
Ký tích làm cao tốc trong hơn 2 năm
Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên, các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm (đến tháng 6/2017 hợp phần Quốc lộ 1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc).
Người đứng đầu nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực vỡ nợ vì họ đã ứng hàng trăm tỷ đồng để thực hiện công trình. Số nợ ngày càng lớn vượt qua sự kiểm soát, đã có nhà thầu nghĩ đến việc tìm đến cái chết vì “không nhìn thấy lối thoát.”
Tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư mới thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc dự án như chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các nhà thầu yếu kém năng lực, giải ngân cho một loạt nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại.”
Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho biết, sau hơn 2 năm đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây với mục tiêu bị kiểm soát tổng vốn đầu tư của dự án để tiết giảm sát với thực tế dẫn đến vào thời đểm nước rút, các nhà thầu có năng lực hạn chế đã bộc lộ khả năng, bỏ dỡ không kết thúc được phần việc đã ký hợp đồng.
Với kinh nghiệm xử lý các vướng mắc thường gặp ở các dự án trước đây, ông Đức bày tỏ sự quyết tâm khi nhà đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu đến nay dự án đã hoàn thành và Thông xe cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang-Chi Lăng) tạo niềm tin cho người dân.
“Không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã hoàn thành chỉ trong vòng hơn 2 năm là một kỳ tích, phá bỏ được việc trì trệ bởi không có công trình cao tốc nào ở nước ta có thể hoàn thành trước 5 năm,” ông Đức hồ hởi nói.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bỏ một trạm thu phí trên Quốc lộ 1 (tại Km24+900) theo dự án đã được phê duyệt để tránh xung đột, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
Chờ vốn để làm nốt đoạn tuyến kết nối
Chưa dừng lại ở tuyến cao tốc này, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng đã bày tỏ sự quyết tâm và đủ khả năng đảm nhận thực hiện toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị dài 43km.
Theo ông Vũ Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đèo Cả, tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung tuyến cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị dài 43km có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.743 tỷ đồng vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn nhằm hoàn thành và nối thông tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn vào năm 2020 và giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị.
Nhấn mạnh việc được bổ sung thêm dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng vào cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, ông Hoàng giải thích, điểm cuối cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn tại Km45+100 giao cắt với Quốc lộ 1 tại xã Mai Sao, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) cách cửa khẩu Hữu Nghị 43km, cách thành phố Lạng Sơn khoảng hơn 30km nên khi thông xe sẽ rất “chơ vơ” vì chưa có kết nối đến các trung tâm thành phố hay cửa khẩu kinh tế Hữu Nghị.
Sau khi tiếp nhận dự án, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn-Hữu Nghị đã rà soát, tính toán phân kỳ đầu tư tiết giảm được hơn 3.068 tỷ đồng (từ 8.743 tỷ đồng xuống còn 5.675 tỷ đồng) để ưu tiên đầu tư đoạn kết nối từ cửa khẩu Hữu Nghị đến cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam (bổ sung thêm đoạn từ Hữu Nghị-Tân Thanh dài 17,5km) làm tăng hiệu quả của dự án, đồng thời đây cũng là điểm cuối cùng của tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn kết nối với cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) có chiều dài toàn tuyến khoảng 115km.
“Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hoàn thành sẽ là tiền đề cơ sở để tiếp tục thực hiện tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Mặt khác, dự án cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị khi được triển khai cùng với cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh khi hoàn thành sẽ tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới nối liền các khu kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thương hàng hóa, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đông Bắc,” ông Hoàng đánh giá.
Đề cập đến nguồn vốn làm cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị, theo ông Hoàng, để thu xếp vốn tại Ngân hàng Vietinbank (đầu mối thu xếp tín dụng) cho dự án Hữu Nghị-Chi Lăng, chủ đầu tư đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đáp ứng cơ bản các yêu cầu từ ngân hàng. Tuy nhiên, do Ngân hàng Vietinbank chưa hoàn thành xong việc phê duyệt tín dụng dẫn đến việc ký kết hợp đồng tín dụng kéo dài.
“Lý do đến nay việc thu xếp vốn tín dụng từ phía ngân hàng còn gặp một số vướng mắc bởi phía Vietinbank cho rằng chỉ số vay các dự án BOT đã trạm trần nên vẫn chưa có ý kiến thẩm định hồ sơ dự án, ưu tiên thu xếp vốn vay ký hợp đồng tín dụng làm căn cứ triển khai, thực hiện dự án,” ông Hoàng cho hay.
Hiện, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tín dụng để Ngân hàng VietinBank đẩy nhanh công tác thẩm định, ưu tiên thu xếp vốn vay ký Hợp đồng tín dụng làm căn cứ triển khai, thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng trong quý 3/2019./.