Cát Bà, Hải Phòng: Những nấm mồ vô danh trên vịnh Tùng Thu

Những ngôi mộ nằm cạnh trùng dương khiến nhiều người xung quanh lạnh người vì vô số câu chuyện kinh hoàng được thêu dệt. Những số phận bất hạnh, những thân xác bỏ mình nơi biển cả dạt về tạo thành 'những ngôi mộ gió' cùng nhiều hệ lụy cho người sống. Cơ quan công an ở đây vẫn đang đau đầu khi 'đón nhận' những tử thi trở về từ biển cả.

“Nhập tịch” cho người chết

Chúng tôi trong vai khách tảo mộ đi tìm ông Nguyễn Dung, người chèo thuyền thuê để ra thăm mộ người thân tại vịnh Tùng Thu, cách thị trấn Cát Bà chừng nửa tiếng đi thuyền. Trước đó, khi chúng tôi đặt vấn đề, những lái đò khác đều lắc đầu nguầy nguậy dù chúng tôi đã trả giá "ngất ngưởng". Ông Dung đi tập tễnh lê cái chân tật nguyền chuẩn bị thuyền thúng đưa chúng tôi đi.

Chữ "Minh", dấu tích duy nhất trên những nấm mồ vô chủ.

Theo lời người lái thuyền, ít người dám đến những ngôi mộ hoang trên vịnh vì ở đó nhiều sự đồn thổi huyễn hoặc về ma quỷ đã "bóp chết" sự tỉnh táo của họ. Cho thuyền táp sát vào bờ, ông Dung bảo: "Các anh cứ việc lên. Tôi sức khỏe yếu và cũng không dám đùa với... các cụ!". Trước mặt chúng tôi là um tùm những lau lách, đám quạ cùng diều hâu cứ từng bầy chao lượn.

Ngay gần mép nước là chiếc giày và bộ quần áo bị sóng đánh te tua. Ông Dung lập bập: "Có thể của mộ nào chôn vội, sóng đánh cào lên!". Những hiện vật chồi lên khỏi mặt cát vàng, ruồi nhặng bâu đen kịt cộng thêm tiếng kêu của các loài "hải điểu" khiến chúng tôi cũng thấy "nao nao". Trên bãi cát là dãy mộ dài, xù xì và mang nhiều hình thù kỳ lạ. Cát Bà toàn núi đá. Nơi những "linh hồn biển cả" này an nghỉ cũng là dãy núi đá trùng điệp.

Không có đất, người ta đã chôn những người xấu số đó ở ngay sát mép nước. Sóng rỉa vào, phần mộ nào được kiên cố bằng bê tông thì hở hàm ếch, trông như sắp sập tới nơi. Những ngôi mộ đắp bằng đất, cát thì đều bị sóng biển san phẳng. Khắp từ đầu đến cuối khu nghĩa địa, quan sát, chỉ duy nhất một ngôi mộ được đắp vội bằng bê tông có gạch chữ "Minh" ở mặt chếch ra biển. Tất cả còn lại đều vô chủ, vô danh!

Trung tá Bùi Văn Tuệ, Phó Công an thị trấn Cát Bà nói: Nghĩa địa trên xuất hiện ở vịnh Tùng Thu đã được mấy chục năm. Không hiểu vì sao, Cát Bà được đại dương "ban tặng" nhiều... xác chết dạt về đến thế. Mỗi năm gần chục trường hợp. Phần nhiều là dân đi biển không may gặp nạn. Chết giữa lênh đênh sóng nước nên đa số những xác chết ấy đều không còn nguyên vẹn. Mỗi khi có xác chết xuất hiện, công an thị trấn phải "đón tiếp" những "vị khách" không mời ấy. Mỗi cái chết mang một hình thù, một tư thế khác nhau. Có những xác chết bị cá rỉa mất đầu, chân, tay. Thậm chí, kinh hoàng hơn, có những xác chết khi được phát hiện chỉ còn phân nửa. Là người bạo gan nhưng mỗi lần đi "nhập hộ tịch" cho "người về từ trùng dương", Trung tá Tuệ vẫn hãi hùng. Phải một thời gian dài sau đó, ông ngủ mới ngon giấc.

Những nấm mồ đã bị sóng đánh sập.

Vượt qua sợ hãi

Năm ngoái, Trung tá Tuệ được ngư dân đi biển báo rằng, họ vớt được một bọc ni lông có mùi lạ, nghi là có xác người. Bởi mối nghi ngờ ấy nên chẳng có ai dám mở túi ra xem mà chỉ đẩy về đất liền. Ra đến nơi, bởi phận sự của mình, Trung tá Tuệ phải làm cái việc thử độ bền của... thần kinh ấy. "Gói quà" được từ từ mở ra và khi nó hiện nguyên hình thì mọi người tá hỏa, dạt ra tứ phía. Có người quá hãi, chân lảo đảo, miệng nôn thốc tháo. Trong túi là một thai nhi, nguyên nhân cái chết của đứa bé tội nghiệp vẫn chìm trong bức màn bí ẩn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Bà nói: Có "nhiều nguồn" để những xác chết trôi nổi trên biển tập trung về Cát Bà. Theo hướng gió nam nên nhiều xác chết từ đảo Bạch Long Vĩ, Long Châu... theo sóng dạt về. Nguồn thứ hai là do Cát Bà là cảng cá lớn ở vịnh Bắc Bộ nên nhiều tàu thuyền của ngư dân neo đậu.

Do vậy, khi ra khơi, gặp xác những người không may mắn, các tàu thuyền đó tiện đường về, kéo luôn vào đây. Người đi biển đã vượt qua lời nguyền, vượt qua sợ hãi để làm phúc, chẳng lẽ người ở đất liền lại nỡ lòng từ chối!?

Lạnh lẽo trước biển cả.

Vậy là, mọi tử thi được các tàu thuyền đưa về, thị trấn đều nhiệt tình "đón tiếp". Sau khi cơ quan công an làm tất cả các thủ tục cần thiết thì đến lượt chính quyền địa phương làm bổn phận của mình, lo hậu sự cho người xấu số. Không như nơi khác, bởi địa thế chật hẹp nên việc an táng cho những nạn nhân này gặp không ít khó khăn. Không thể "chen chân" ở đảo lớn, nơi đông đúc dân cư, những "linh hồn biển cả" này phải bằng lòng định cư ở những hòn đảo nhỏ, không người ở. Hòn đảo nằm trong vịnh Tùng Thu là địa điểm bấy nay được chọn.

Theo ông Dũng, phần hậu sự của những xác chết vãng lai này đều được chính quyền lo chu đáo. Cũng vải cuốn, cũng áo quan, cũng cơm trứng, cũng khói nhang... chẳng thiếu thứ gì. Trong tất thảy những thứ trên thì chỉ có bộ áo quan là được Nhà nước thanh toán, còn phần còn lại cán bộ tự lo.

Do những lụy phiền này mà mỗi lần an táng xong xuôi cho nạn nhân, mọi người đều cầu nguyện, mong sao nạn nhân sống khôn chết thiêng về báo mộng để người nhà biết đến đón về và phù hộ cho những người đi biển được xuôi gió thuận buồm.

Thanh Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100310093331122p0c1005/cat-ba-hai-phong-nhung-nam-mo-vo-danh-tren-vinh-tung-thu.htm