Cậu ấm nhà giàu thoát tội hoặc đi tù cho có dù sàm sỡ, hiếp dâm?
Kết quả học tập xuất sắc, xuất thân gia đình nền tảng là lý do nhiều 'cậu ấm' thoát tội quấy rối, hiếp dâm phụ nữ, hoặc chỉ nhận mức phạt ít tới ngạc nhiên.
Zing.vn tổng hợp bài đăng trên SCMP, The Guardian & New York Times, phản ánh câu chuyện những kẻ phạm tội xuất thân từ gia đình tử tế, nhà khá giả, thành tích học tập tốt thường được nhận cái nhìn khoan dung và chỉ chịu hình phạt cho có.
Là sinh viên chuyên ngành Toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Singapore - ngôi trường hàng đầu đảo quốc sư tử, điểm trung bình (GPA) 4,39/5, số điểm đáng mơ ước đối với nhiều sinh viên, thoạt đầu, Terence Siow Kai Yuan (23 tuổi) khiến số đông phải ngưỡng mộ bởi thành tích đáng nể.
Nhưng khi thành tích học tập ấy trở thành cái cớ để hắn chỉ phải nhận mức án nhẹ nhàng so với tội lỗi đã gây ra, người dân Singapore nhanh chóng phẫn nộ.
Tháng 9/2018, Terence cố ý bám đuôi và sờ soạng các bộ phận nhạy cảm của một người phụ nữ trên tàu điện ngầm. Tổng cộng, kẻ biến thái đã quấy rối nạn nhân 3 lần liên tiếp.
Tuần trước, vụ việc bị đem ra xét xử. Kết thúc phiên tòa, Terence chỉ nhận mức án 21 tháng quản chế, mức hình phạt được coi là không thỏa đáng.
Đáng tranh cãi hơn, vị thẩm phán gọi “sự quấy rối này chỉ là một xâm phạm nhỏ” và đã nhận được “kết quả học tập xuất sắc, bảng điểm cao của bị cáo và tin rằng người này sẽ có ích cho xã hội”.
Bất chấp việc công tố viên lập luận nam sinh này hoàn toàn không mắc chứng bệnh nào về thần kinh và ý thức được hành động của bản thân, phía tòa án vẫn cho hay chứng cứ luận tội vẫn chưa đủ thuyết phục.
Trên thực tế, không hiếm trường hợp sinh viên giỏi, con nhà giàu, đến từ các gia đình gia giáo vẫn mắc tội lớn và phải đứng trước “vành móng ngựa”.
Công lý không phải lúc nào cũng đứng về phía nạn nhân, thậm chí những kẻ phạm tội núp dưới vỏ bọc “có nền tảng tốt” còn được bênh vực.
Những cậu ấm quấy rối, hãm hiếp phụ nữ
Năm ngoái, một thiếu niên giấu tên ở New Jersey (Mỹ) phải ra hầu tòa với cáo buộc hãm hiếp cô gái 16 tuổi tại bữa tiệc. Người này lấy điện thoại quay lại hành động của mình và chia sẻ rộng rãi với bạn bè kèm lời lẽ tục tĩu.
James Troiano, người chịu trách nhiệm giải quyết vụ kiện, đã bác bỏ báo cáo của cảnh sát. Thay vào đó, vị thẩm phán lại đặt câu hỏi về phía nạn nhân liệu đã cân nhắc đến mức độ ảnh hưởng của việc tố cáo lên cuộc sống của bị cáo.
“Cậu ta xuất thân từ một gia đình có nền tảng tốt, theo học tại trường danh giá và có kết quả học tập xuất sắc. Thậm chí, cậu ấy còn tham gia làm hướng đạo sinh. Với khả năng của mình, chàng trai ấy có cơ hội ghi danh vào đại học top đầu”, ông Troiano nói.
Trước khi đối diện với bản án về tội tấn công tình dục người bạn cùng trường, Owen Labrie từng là học sinh ưu tú tại ngôi trường nổi tiếng hàng đầu tại New Hampshire (Mỹ).
Năm 2015, trong buổi gặp mặt của học sinh cuối cấp với đàn em khóa dưới, Owen, khi đó 18 tuổi đã mời một cô gái 15 tuổi lên sân thượng và cưỡng hiếp cô.
Tuy nhiên, nhờ "cải tạo tốt", anh ta đã được ra tù sớm, khi mới thụ án được 6 tháng.
Năm 2016, Brock Turner, sinh viên kiêm vận động viên bơi lội tại Đại học Stanford (Mỹ), bị buộc tội có hành vi đồi bại với một phụ nữ trong bữa tiệc. Kẻ này tấn công tình dục một nữ sinh, hiếp dâm rồi bỏ nạn nhân lại tại một bãi rác.
Sau cùng, Brock bị kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế với tội danh cố cưỡng hiếp người đang trong trạng thái bất tỉnh. Nhưng mới chỉ ngồi sau song sắt 3 tháng, anh ta đã được trả tự do.
Ethan Couch, thiếu niên ở Texas (Mỹ) khiến 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng khi lái xe trong tình trạng say xỉn, được các công tố viên đề nghị mức phạt tù 20 năm.
Song, cậu công tử con nhà giàu đã tìm cách trốn tránh tội lỗi bằng cách làm giả hồ sơ bệnh án. "Mắc vấn đề về tâm lý do lớn lên trong cảnh cô đơn, cha mẹ giàu có nhưng không quan tâm” là những gì bác sĩ kết luận về lý do khiến Ethan mất tỉnh táo, gây tai nạn.
Cuối cùng, Ethan chỉ phải thụ án vỏn vẹn 720 ngày.
Nhà giàu, học giỏi là cái cớ để được tha thứ
Trong quá trình xét xử Brock Turner, cha của nam sinh đã công khai tâm thư. Thế nhưng, lời lẽ trong bức thư không phải để xin lỗi nạn nhân, mà là để biện minh cho hành vi của con trai mình.
Tính cách trẻ con, điểm GPA ở mức xuất sắc và tinh thần thi đấu giành huy chương cho trường Stanford là những lý lẽ người cha này nhấn mạnh vào “mặt tốt” của Brock.
“Thằng bé chỉ là một nạn nhân. Nó coi việc tiệc tùng và uống say ở các bữa tiệc là cách kết bạn ở trường đại học”, bức thư viết.
Đáng tranh cãi nhất là câu nói: “Con trai tôi không bị đáng bỏ tù chỉ vì 20 phút hành động bồng bột”.
Bình luận về vụ việc, nhà báo Lauren Puckket của tờ Independent đã thẳng thắn chỉ ra sự thật: Brock nhận sự thiên vị vô lý chỉ vì anh ta là sinh viên da trắng của trường đại học hàng đầu thế giới, một vận động viên mang thành tích về cho trường và là một người trẻ có tương lai xán lạn ở phía trước.
“Nước Mỹ yêu thích những chàng trai có lý lịch hoàn hảo. Họ mặc định sinh viên từ các trường đại học danh giá như Stanford là người tốt đẹp, sinh ra để thành công và không nên bị luật pháp cản trở”, nữ nhà báo viết.
“Sự nghiệp của một người quan trọng hơn cả công lý. Anh ta có thể mất học bổng, huy chương còn nỗi đau của nạn nhân sẽ kéo dài suốt phần đời còn lại. Lý lịch sạch sẽ của Brock làm lu mờ đi sự thật rằng anh ta đã hãm hiếp một phụ nữ khi cô ấy trong tình trạng không tỉnh táo”, Lauren nhấn mạnh.
Trường hợp của Brock Turner đã khoét sâu thêm vào nỗi thất vọng sâu sắc của người dân Mỹ về hệ thống tư pháp hình sự luôn có chiều hướng ưu tiên những con người thuộc tầng lớp có “của ăn của để”.
Cụ thể, nếu xuất thân giàu có, nền tảng tốt, kẻ phạm tội dễ nhận được sự khoan hồng của pháp luật như mức án nhẹ nhàng so với tội, chỉ bị chịu án treo, quản chế hay ngồi tù ngắn hạn.
“Coi thường nỗi đau nạn nhân và thay vào đó, lo lắng cho thủ phạm là điều vẫn xảy ra phổ biến”, Deborah Tuerkheimer, chuyên gia nghiên cứu bạo lực tình dục, đánh giá.
Giáo sư Deborah gọi hiện tượng này dưới cái tên “care gap” (tạm dịch: lỗ hổng quan tâm).
Trong đó, sự chú ý, cảm thông của cộng đồng thường có xu hướng dành cho người đàn ông bị buộc tội, đặc biệt khi họ có địa vị cao trong xã hội, chứ không phải dành cho nữ giới là nạn nhân của tấn công và bạo lực tình dục.
Elizabeth Jeglic, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Tư pháp ở New York, nói rằng các câu chuyện bên trong tòa án Mỹ phản ánh thứ tình cảm phổ biến thường xuyên can thiệp vào khâu kết luận hình sự. Đó là quan tòa hay bồi thẩm đoàn thường đồng cảm với những người thuộc cùng tầng lớp, có hoàn cảnh, cuộc sống tương tự mình.
Thiên vị kẻ có lý lịch tốt, được học hành đàng hoàng bất chấp hành vi sai trái có thể diễn ra ở bất cứ đâu.
“Nếu bạn là thanh thiếu niên sống ở khu lao động chân tay hay là dân nhập cư, khả năng cao bạn sẽ bị cảnh sát bắt dừng lại để tra hỏi, kiểm tra có mang ma túy, chất cấm nào không. Cảnh sát cũng hiếm khi quan tâm tình hình an ninh ở những khu nghèo nàn, họ chỉ đến khi có gì nghiêm trọng xảy ra”, Nick Glynn, người da màu sống tại London (Anh), cho hay.
Ngay cả khi bị kết tội hình sự, vị trí xã hội vẫn ảnh hưởng đến cách mỗi người bị luận tội và kết án.
Theo nghiên cứu của Học viện Kinh tế và Chính trị London (Anh), những người thuộc tầng lớp kinh tế cao, làm các nghề nghiệp được trọng vọng như bác sĩ, luật sư có khả năng chỉ bị cảnh cáo nếu có dính dáng đến ma túy. Ngược lại, người thất nghiệp mắc cùng tội danh chắc chắn sẽ bị phán xét nghiêm khắc hơn.
Trước làn sóng tức giận về vụ án ở New Jersey, tòa án Mỹ đã khiển trách thẩm phán xử lý vụ việc vì sự hời hợt và thiếu trách nhiệm. Hồ sơ vụ kiện cũng đã được chuyển sang ban bồi thẩm đoàn khác.
“Chúng tôi cam đoan sẽ không phán xét những đứa trẻ đến từ các gia đình bình thường hay có kết quả học tập không nổi trội với những người xuất thân từ nhà có điều kiện, thành tích xuất sắc. Luận tội sẽ dựa vào cáo trạng, không phải vào địa vị”, phía tòa án Mỹ phản hồi.