Câu chuyện thú vị về địa danh 'Điện Biên Phủ'

Đằng sau mỗi cái tên luôn là một câu chuyện, với bất kỳ địa danh nào chúng ta đã từng đặt chân qua hoặc đã từng biết đến cũng đều có sự tích về tên gọi cũng như nguồn gốc hình thành nên vùng đất, địa danh đó. Trong bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu về một địa danh rất nổi tiếng và đặc biệt, đó là Điện Biên Phủ.

Theo các nguồn thư tịch cổ, đặc biệt là trong khối Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, thì cái tên “Điện Biên Phủ” bắt đầu được xuất hiện vào năm Tân Sửu (1841), dưới triều vua Thiệu Trị.

Ngay khi lên ngôi, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã ra sắc chỉ cho thay đổi tên gọi của các địa phương, theo đó, tên gọi Ninh Biên trước đây được đổi thành Điện Biên như hiện giờ. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 20, 21, ghi chép sự việc này như sau: “Bắt đầu đặt Phủ Điện Biên (tức Điện Biên Phủ) thuộc tỉnh Hưng Hóa.

Đem các châu Ninh Biên, Lai Châu, Tuần Giáo lệ thuộc vào phủ ấy. Châu Ninh Biên nguyên là đất của Ai Lao (tục gọi là Mường Thanh), khoảng năm Cảnh Hưng (1740-1786) nhà Lê, dân phản nghịch là Hoàng Công Thư làm loạn ở Hưng Hóa, chiếm giữ thành Tam Vạn (vì thành này chứa được 30.000 người cho nên gọi là Tam Vạn).

Nhà Lê dẹp yên giặc Thư, mới chiêu dụ người Man ở Mường Nhuyên đất Mã Hà về quy thuận, đặt làm châu Ninh Biên, thuộc phủ Gia Hưng. Đất châu này ba mặt về mạn Đông, Tây, Nam tiếp liền với người Man Nam Chưởng, cách tỉnh thành đến 10 ngày đường, triều đình lập đồn bảo (Ninh Biên bảo) đặt quân lính (30 người) để đóng giữ”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 20, 21, ghi chép về việc vua Thiệu Trị cho đăt Điện Biên Phủ vào năm Tân Sửu (1841). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 20, 21, ghi chép về việc vua Thiệu Trị cho đăt Điện Biên Phủ vào năm Tân Sửu (1841). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 22, ghi chép lời xin của Ngụy Khắc Tuần lên vua Thiệu Trị về việc đặt tên Điện Biên Phủ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 22, ghi chép lời xin của Ngụy Khắc Tuần lên vua Thiệu Trị về việc đặt tên Điện Biên Phủ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Như vậy, tính đến nay tên gọi Điện Biên Phủ đã xuất hiện được 179 năm. Và ít ai biết rằng, góp phần rất lớn cho việc ra đời tên gọi này là một vị quan nổi tiếng tài giỏi, thanh liêm, mẫn cán có quê ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đó chính là Thượng thư Bộ Hộ – Ngụy Khắc Tuần.

Theo Mộc bản sách Quốc triều Đăng Khoa lục, quyển 01, mặt khắc 3, thì Khoa bảng Ngụy Khắc Tuần được khắc ghi như sau, xin được dịch nguyên văn:

“Ngụy Khắc Tuần 魏克循:
Sắc ban đệ Tam giáp (Đồng Tiến sĩ xuất thân)
(Nhiều đời đăng khoa; chú cháu cùng đăng khoa)
Sinh năm: Kỷ Mùi (1799).
Quê quán: Xuân Viên, Nghi Xuân, Nghệ An. (Nghi Xuân từ đây thuộc Hà Tĩnh. Dưới đây, chỗ nào chép Nghi Xuân thì đều hiểu như vậy).
Đỗ Cử nhân khoa thi năm Tân Tỵ (1821).
Đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân năm 28 tuổi.
Làm quan trải qua các chức: Tổng đốc, Tuần phủ, sau đổi sang chức Thượng thư Bộ Hộ, được ban tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, mẫn cán, được vua yêu quý, cho hằng ngày được yết kiến. Khi ông về giữ chức ở Sơn Hưng Tuyên, được vua ban thơ khen tặng… Ông là chú của Thám hoa Ngụy Khắc Đản; em của Cử nhân Ngụy Khắc Thận; anh của Cử nhân Ngụy Khắc Thành”.

Đầu năm 1841, trước tình hình biên thùy phía Bắc thường xuyên có những bọn “giặc cỏ” nổi lên cướp phá, đông đảo quần thần đồng thanh tiến cử Ngụy Khắc Tuần giữ chức Bố chánh tỉnh Sơn Tây – Hưng Hóa (bao gồm cả phần lớn diện tích các tỉnh Tây Bắc hiện nay, trong đó có tỉnh Điện Biên).

Được vua Thiệu Trị ban chiếu chuẩn y, sau hơn nửa năm tuần thú, nhận thấy vùng đất này hiểm trở, thưa dân, nhưng lại không có các thành lũy bố phòng khả dĩ chống lại những cuộc xâm lăng của ngoại bang; cuối năm 1841, quan Bố chánh Ngụy Khắc Tuần dâng sớ về kinh, tấu trình lên vua Nguyễn Hiến Tổ về việc đặt tên cho vùng đất này là “Điện Biên”, tức vùng đất vững vàng ngoài biên. Trước đó, nơi đây có tên gọi Ninh Viễn và Ninh Biên. Theo âm Hán – Nôm, có nghĩa: Vùng đất yên ổn cõi xa (Ninh Viễn) và vùng đất yên ổn ngoài biên (Ninh Biên). Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên, đệ tam kỷ, quyển 8, mặt khắc 22, ghi chép lời xin của Ngụy Khắc Tuần như sau: “Tháng trước, Nam Chưởng quấy nhiễu nơi biên giới.

Vua truyền cho Ngụy Khắc Tuần phải xét kỹ tình hình nơi biên giới, trù tính nên làm công việc thế nào cho sau này được yên. Tuần dâng sớ tâu rằng: “Châu Ninh Biên thuộc về cõi đất của triều đình đã lâu, không phải mới có một vài ngày, chỉ vì Nam Chưởng vẫn nhận là đất cũ của họ, nên cứ tìm cớ để gây hấn… Nếu đem binh dõng đến để giữ thì đường đất xa, lam chướng độc, tiếp tế khó khăn, không thể nối tiếp được mãi. Không gì bằng mộ dân đến ở đấy cho đông, để họ tự giữ lấy, thì số binh có thể giảm bớt, sự khó nhọc phí tổn cũng đỡ, mới là kế dài lâu. Vậy xin ở địa đầu chỗ làm đồn bảo của châu khi trước, đặt một phủ lỵ, gọi là phủ Điện Biên, kiêm lý cả châu Ninh Biên, lấy hai châu Lai Châu và Tuần Giáo ở gần đấy thêm vào làm thống hạt, đặt một tri phủ và một quản phủ. Nhân thành đất cũ, sửa sang lại qua loa, để làm nơi phủ lỵ”.

Sau khi cùng các văn quan võ tướng bàn bạc, nhà vua ban dụ đồng ý cho Ngụy Khắc Tuần họp bàn với dân phiên trấn Hưng Hóa (Điện Biên); thành lập phủ Điện Biên (Điện Biên Phủ): “Ngụy Khắc Tuần vỗ họp dân cõi biên, mở thành một phủ, có công kiến nghị ra trước, việc thành, giao Bộ bàn xét công thưởng”. Sau đó, vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã gửi theo tiễu mã lên biên giới, ban thưởng cho quan đầu xứ Ngụy Khắc Tuần một chiếc nhẫn vàng và mười đồng tiền vàng niên hiệu “Thiệu Trị Thông Bảo”.

Về tên gọi Điện Biên, vua Thiệu Trị vốn là người giỏi thơ, hay chữ nên khi tiếp nhận lời tâu của Ngụy Khắc Tuần về việc thành lập phủ Điện Biên (Điện Biên Phủ), nhà vua nhanh chóng nhận ra ngay sự thâm thúy trong danh từ “Điện Biên” và rất yêu thích tên gọi này. Theo các nhà địa danh học và các nhà sử học, việc thành lập tên gọi mới mà ở đây là việc thành lập Điện Biên Phủ được xem như cách để vua Thiệu Trị khẳng định vai trò quyền lực của mình về chủ quyền cương vực quốc gia, trước các thế lực chống đối trong nước cũng như các tập đoàn phong kiến ngoại bang. Người có công sáng tạo ra địa danh Điện Biên, không ai khác ngoài quan Bố chánh Ngụy Khắc Tuần – đó là điều đã từ lâu được xác nhận trong chính sử nước nhà.

Có thể nói, với chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5.1954 đã làm cho địa danh Điện Biên Phủ nổi tiếng hơn bao giờ hết, đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, và cũng thật đặc biệt “Điện Biên Phủ” cũng được vua Thiệu Trị đặt cho đúng vào mùa hạ, tháng 5, năm 1841.

Thơm Quang

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cau-chuyen-thu-vi-ve-dia-danh-dien-bien-phu-26924.html