Câu hỏi lớn dồn vào Taliban khi thủ lĩnh Al Qaeda bị tiêu diệt ở Kabul

Dù Mỹ đã tiêu diệt thành công thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, niềm vui của Washington khó kéo dài bởi nỗi lo Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn của khủng bố.

Vào thời điểm Tổng thống Barack Obama xuất hiện trên truyền hình xác nhận Osama bin Laden đã bị đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ tiêu diệt tại Abbottabad, Pakistan, câu chuyện nhanh chóng chiếm trọn sự chú ý của truyền thông thế giới.

Thế nhưng sau 11 năm, thành công của chiến dịch tiêu diệt Ayman al-Zawahiri - người kế vị bin Laden, cũng là đồng chủ mưu vụ tấn công 11/9 kinh hoàng khiến gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng - chỉ còn là một trong hàng loạt tin tức trong ngày 1/8, bên cạnh virus đậu mùa khỉ, trận lụt ở Kentucky, hay căng thẳng tại eo biển Đài Loan, theo Politico.

Thắng lợi của Mỹ

Thực tế, tin tức thủ lĩnh Al Qaeda al-Zawahiri bị tiêu diệt không còn thu hút quá nhiều sự chú ý của dư luận cũng một phần phản ánh thành công trong chính sách chống khủng bố của chính quyền Mỹ.

Trái với nhiều dự đoán sau ngày 11/9/2001, đã không có thêm bất cứ vụ khủng bố quy mô lớn nào trên lãnh thổ Mỹ. Al Qaeda cũng không thể tấn công hệ thống truyền thông Mỹ để đăng tải hình ảnh các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố cho mục tiêu tuyên truyền.

Di sản mà vụ khủng bố 11/9 để lại là một bộ máy an ninh quốc gia khổng lồ ra đời, các biện pháp kiểm tra an ninh nghiêm ngặt tại sân bay, hệ thống tình báo rộng khắp hoạt động bí mật khỏi con mắt của công chúng.

Đi kèm với đó cũng là cuộc chiến đầy tranh cãi của Mỹ ở Iraq và thất bại bẽ bàng của liên quân phương Tây tại Afghanistan.

 Al-Zawahiri là một trong các chủ mưu vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AP.

Al-Zawahiri là một trong các chủ mưu vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AP.

Sau tất cả, Al Qaeda ngày nay đã không còn là con ngáo ộp đáng sợ như thời điểm sau vụ khủng bố 11/9, hay khi ông trùm bin Laden bị tiêu diệt.

Vụ không kích tiêu diệt thủ lĩnh al-Zawahiri giờ chỉ là câu chuyện "hạng hai", một tin nóng trong vài ngày nhưng không thể so sánh với sự kiện bin Laden đền tội.

Chiến dịch tiêu diệt al-Zawahiri có thể là chiến thắng rõ ràng cho Washington trên nhiều khía cạnh.

Thắng lợi đầu tiên và rõ ràng nhất là quyết tâm không mệt mỏi nhằm trả thù cho gần 3.000 sinh mạng người Mỹ mất đi trong vụ tấn công 11/9, vụ khủng bố mà al-Zawahiri đóng vai trò tổ chức then chốt, nay đã hoàn tất.

Theo CBS News, với cái chết của al-Zawahiri, tất cả thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda chịu trách nhiệm vụ khủng bố 11/9 đều đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt.

Tìm và diệt al-Zawahiri mà không gây ra thiệt hại ngoài ý muốn cho thành viên gia đình nhân vật này cũng như thường dân khác là một thắng lợi về chiến thuật của các cơ quan an ninh Mỹ, giúp tuyên bố của Tổng thống Biden trở nên "có gang có thép".

"Bất kể cần bao nhiêu thời gian, bất kể các người lẩn trốn ở đâu, nếu các người đe dọa người dân của chúng tôi, nước Mỹ sẽ tìm và tiêu diệt", Tổng thống Biden tuyên bố hôm 1/8.

Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cho biết al-Zawahiri "sống tương đối công khai, không tìm cách lẩn trốn" ở Kabul. Bởi vậy, vụ không kích gửi đi thông điệp rõ ràng tới các thành viên Al Qaeda khác ở Afghanistan rằng sẽ không có nơi trú ẩn an toàn ngay cả khi quân đội Mỹ đã rút đi.

Nỗi lo còn đó

Câu hỏi hóc búa còn lại cho giới chức an ninh, tình báo Mỹ là có phải Taliban, tổ chức cực đoan đang nắm quyền ở Afghanistan, một lần nữa cung cấp nơi trú ẩn cho các phần tử khủng bố hay không.

"Hiện thực sự rất khó để có thể tin rằng al-Zawahiri lẩn trốn tại Kabul mà Taliban, ít nhất là giới lãnh đạo cấp cao, không biết đến", ông Morell trả lời CBS hôm 1/8.

Trong quá trình thương lượng thỏa thuận hòa bình với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Taliban đã cam kết sẽ cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố. Taliban đã liên tục tái khẳng định sẽ không để Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố sau khi trở lại nắm quyền tháng 8/2021.

Nếu al-Zawahiri lẩn trốn ở Kabul dưới sự cho phép của Taliban, điều này đồng nghĩa Taliban đã vi phạm cam kết của mình.

Người phát ngôn Taliban hôm 1/8 xác nhận một vụ không kích bằng drone đã diễn ra ở Kabul. Taliban tuyên bố vụ tấn công là "vi phạm rõ ràng các nguyên tắc quốc tế".

 Giới chức Mỹ cáo buộc Taliban một lần nữa chứa chấp khủng bố. Ảnh: AFP.

Giới chức Mỹ cáo buộc Taliban một lần nữa chứa chấp khủng bố. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc, với việc chứa chấp al-Zawahiri ở Afghanistan, "Taliban đã vi phạm trắng trợn Thỏa thuận Doha" cũng như các cam kết của tổ chức với cộng đồng quốc tế rằng sẽ không cho phép lãnh thổ Afghanistan bị sử dụng bởi các phần tử khủng bố.

21 năm trước, sau khi vụ khủng bố 11/9 diễn ra, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã yêu cầu Taliban, khi đó cũng là lực lượng nắm quyền ở Afghanistan, giao nộp Osama bin Laden và các lãnh đạo Al Qaeda.

Khi Taliban bác bỏ đề nghị này, Mỹ và Anh phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền Taliban, cuộc chiến nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Chiến dịch Tự do Bền vững mà Washington khởi xướng ở Afghanistan tháng 10/2001, dù nhanh chóng lật đổ Taliban, đã mở ra 20 năm chiến tranh, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, với kết cục là quân đội Mỹ rút đi trong hỗn loạn tháng 8/2021 và Taliban một lần nữa trở lại.

"Nếu Taliban mở cửa đất nước cho nhân vật then chốt của vụ khủng bố 11/9, còn ai khác cũng có thể được hoan nghênh tới Afghanistan?", Politico đặt câu hỏi.

Với nhiều chuyên gia Mỹ, điều tích cực hiếm hoi khi Washington rút quân khỏi Afghanistan là nước Mỹ đã bỏ lại sau lưng cuộc phiêu lưu quân sự sai lầm, với cái giá là hàng nghìn mạng sống người Mỹ, hàng nghìn tỷ USD.

Nhưng nếu sự xuất hiện của al-Zawahiri ở Kabul đồng nghĩa Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn của các phần tử khủng bố, Washington sẽ khó có thể dễ dàng quên đi hiểm họa khủng bố chỉ bằng cách cho cuộc chiến Afghanistan trôi vào dĩ vãng.

"Nhiều khả năng chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Biden sẽ nhận được một cú hích, tương tự Obama và Trump khi bin Laden và Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt, nhưng bóng ma về một thánh địa an toàn cho khủng bố sẽ khiến niềm vui không kéo dài lâu", Politico bình luận.

Cựu giám đốc CIA giải thích về cuộc không kích thủ lĩnh Al Qaeda Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) David Petraeus nói việc không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri có sự phối hợp từ nhiều nguồn lực tình báo và quân đội.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-lon-don-vao-taliban-khi-thu-linh-al-qaeda-bi-tieu-diet-o-kabul-post1341753.html