Cầu mây TPHCM: Phải chắc gốc mới bền cành

Dù nằm trong tốp 3 cả nước về thành tích lẫn phong trào phát triển, song những người làm công tác chuyên môn ở bộ môn cầu mây TPHCM hiểu rằng, muốn phát triển vững mạnh lâu dài cần xây dựng chắc 'gốc' với nguồn lực lượng VĐV ổn định.

Vài năm trở lại đây, cầu mây TPHCM dần có bước phát triển, góp sức vào thành công của đội tuyển Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Nổi bật là các thành tích: 3 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ ở giải Vô địch cầu mây trẻ quốc gia 2024 (tháng 7, Đồng Nai); 1 HCĐ nội dung Hoop nam tại giải Vô địch cầu mây thế giới 2024 (tháng 9, Thái Lan); 2 HCB tại giải Cầu mây bãi biển châu Á 2024 (tháng 10, Trung Quốc)... Những thành tích này sẽ là động lực giúp bộ môn phát triển hơn nữa, xây chắc nguồn VĐV để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc 2026 mà TPHCM là đơn vị chủ nhà.

Đó là kết quả của thời gian dài xây dựng lực lượng VĐV từ phong trào đến thành tích cao. Theo HLV Trần Huỳnh Đạt (đội tuyển cầu mây TPHCM), mỗi năm bộ môn có 2 lần tuyển chọn VĐV. Ban huấn luyện sẽ tìm "hạt giống" từ hệ thống giải đấu của thành phố hoặc từ các trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm thể thao, các trường học trên địa bàn TPHCM. Hiện đội tuyển nam đang "đóng quân" ở Nhà thi đấu Thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11), còn đội tuyển nữ luyện tập ở Trung tâm VH-TT quận 6.

Việc các giải đấu cầu mây được tổ chức thường xuyên là cách để ban huấn luyện xây dựng nguồn lực lượng tuyển thủ chất lượng cho bộ môn phát triển. TPHCM là một trong những địa phương trên cả nước có phong trào cầu mây phát triển với hệ thống giải đấu đa dạng, từ cấp độ học sinh, năng khiếu trẻ đến giải vô địch.

 Các VĐV cầu mây TPHCM trong giờ tập luyện

Các VĐV cầu mây TPHCM trong giờ tập luyện

TPHCM cũng là đơn vị tiên phong trên cả nước đưa nội dung thi đấu lứa tuổi tiểu học vào hệ thống các giải cầu mây, giúp các chuyên gia có thể tuyển chọn những gương mặt tài năng từ sớm, đào tạo nâng cao nhằm chuẩn bị lực lượng VĐV cho các tuyến đội tuyển thành phố. Các HLV ở đơn vị quận huyện cũng thường đến các trường tiểu học để tìm kiếm "ngọc thô" về đào tạo.

Cầu mây là môn không có yêu cầu quá nhiều về địa điểm, cơ sở vật chất, thậm chí có thể tận dụng sân cầu lông để tập luyện. Ngoài ra, các dụng cụ thiết bị cho bộ môn cũng không quá đắt đỏ nên phong trào luyện tập cầu mây TPHCM phát triển khá mạnh. Nhiều đơn vị như quận 5, 6, Bình Thạnh, Gò Vấp... đóng góp nhiều hạt giống tài năng cho đội tuyển TPHCM. Nếu xét trong cả nước, TPHCM đang nằm trong tốp 3 thành tích lẫn phong trào phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển bộ môn cầu mây tại TPHCM vẫn không ít khó khăn. Đó là chưa có nơi ăn, ở, luyện tập tập trung cho đội tuyển, VĐV chỉ có thể luyện tập vào các buổi tối trong tuần hoặc 2 buổi/ngày nếu gần thi đấu. Trong khi các địa phương khác đã làm rất tốt điều này, các VĐV được sinh hoạt tập trung, một ngày có 2 buổi luyện tập giúp thành tích tăng lên đáng kể.

HLV đội tuyển trẻ cầu mây TPHCM Lê Tiến Dũng (có hơn 20 năm gắn bó cùng bộ môn từ khi còn là VĐV đến khi chuyển sang công tác huấn luyện) cho rằng, cầu mây là bộ môn đòi hỏi nhiều yếu tố: từ ngoại hình, lực chân, thể lực, kỹ thuật, sự khéo léo, dẻo dai... Trong bộ môn này, VĐV dùng chân là chủ yếu nên cần rất nhiều thời gian để luyện tập nhuần nhuyễn các kỹ thuật.

"Muốn bộ môn phát triển vững mạnh cần xây dựng chắc gốc, chắc gốc mới bền cành. Gốc ở đây là lực lượng năng khiếu, trẻ, lớp kế thừa cho cầu mây trong tương lai. Các em sau khi được tuyển chọn thì được đào tạo vững nền tảng kỹ thuật, hơn nữa là phải có nhiều cơ hội tham gia thi đấu, phát triển trình độ chuyên môn mới mong kéo gần khoảng cách với các VĐV lớn thuộc tuyến đội tuyển", HLV Lê Tiến Dũng nói thêm.

NGUYỄN ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-may-tphcm-phai-chac-goc-moi-ben-canh-post765643.html