Cầu Ngang: Vững bước trên chặng đường nông thôn mới

Thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội... nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhất là sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân đã đoàn kết, thống nhất cao, đến nay Cầu Ngang đạt những thành quả đáng tự hào.

XDNTM, nhiều ngôi nhà mới ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc mọc lên khang trang, hiện đại hơn.

XDNTM, nhiều ngôi nhà mới ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc mọc lên khang trang, hiện đại hơn.

Kết cấu hạ tầng tạo đột phá phát triển sản xuất

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tầng lớp Nhân dân, diện mạo nông thôn trong huyện có nhiều đổi thay. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn dài gần 700km. Từ việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm huyện về xã vùng sâu, tạo điều kiện cho cư dân nông thôn nâng cao mức hưởng thụ về vật chất lẫn tinh thần, thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển.

Mỹ Long Nam là một trong những xã đầu tiên được Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng thành công xã NTM năm 2011 và NTM nâng cao năm 2020 và tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023. Nổi bật trong XDNTM là kết cấu hạ tầng nông thôn là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành nuôi thủy sản của xã phát triển mạnh mẽ.

Thập niên 1990, do xã vùng ngập mặn, hạ tầng nông thôn còn khó khăn, người dân nuôi tôm sú theo hình thức thả lan. Đến năm 2005, cùng với sự có mặt của thức ăn công nghiệp, sự phát triển đa dạng của thuốc thủy sản và các công cụ, thiết bị phục vụ nuôi tôm, nghề nuôi tôm thâm canh trong xã phát triển mạnh. Năm 2017, có 05 hộ dân có điều kiện chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên ao lót bạt và bước đầu đem lại hiệu quả cao. Sau đó, trung bình mỗi năm có thêm trên 10 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên ao lót bạt, năng suất đạt từ 05 - 07 tấn/0,1ha, cao gấp 03 lần nuôi ao đất. Năm 2022, toàn xã có 74 hộ nuôi tôm thâm canh trên ao lót bạt với 115ha, có 22 hộ lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng, 35 hộ đạt từ 200 - 700 triệu đồng, 15 hộ đạt từ 700 triệu đồng đến trên 02 tỷ đồng. Đến năm 2023, có trên 100 hộ nuôi tôm thâm canh với gần 170ha, trong đó có 35 hộ nuôi thâm canh với mật độ cao.

Nông dân Trần Văn Nâu, ấp Năm, xã Mỹ Long Nam cho biết: từ khi hệ thống đường, điện, thủy lợi đầu tư khá hoàn chỉnh, cơ bản đảm bảo phục vụ nghề nuôi tôm. Với gần 0,8ha mặt nước của gia đình từ lúc chuyển sang nuôi tôm thâm canh, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, hàng năm lợi nhuận mang lại từ 100 - 200 triệu đồng. 02 năm gần đây, thời tiết thất thường, giá tôm biến động không ngừng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, người nuôi tôm đạt lợi nhuận thấp.

Đồng chí Cao Thanh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Nam cho biết: để duy trì xã NTM nâng cao và triển khai các giải pháp XDNTM kiểu mẫu, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” gắn với phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên triển khai thực hiện nhiều công trình kết cấu hạ tầng gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Trước mắt, xã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai sản xuất theo quy hoạch; tranh thủ nguồn lực nâng cấp và xây dựng mới một số tuyến đường, điện khu vực ấp Năm phục vụ nuôi thủy sản. Triển khai quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển nuôi tôm thâm canh mật động cao…

Tư duy mới, cách làm mới

Đồng chí Trần Văn Công Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: thời gian qua, người dân trong xã tập trung phát triển cây màu kết hợp nuôi bò, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM. Gần đây, để giúp nông dân có tư duy tìm ra hướng đi mới và cách làm mới trong thời đại công nghiệp 4.0, mô hình trồng nho tại ấp Ô Răng của ông Trần Văn Mến và mô hình sản xuất nông sản hữu cơ tại ấp Huyền Đức, xã Long Sơn của bà Lê Thị Hạnh Dung đã mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giải quyết việc làm lao động.

Lãnh đạo xã Long Sơn (phải) tham quan mô hình sản xuất dưa lưới leo giàn của bà Lê Thị Hạnh Dung.

Lãnh đạo xã Long Sơn (phải) tham quan mô hình sản xuất dưa lưới leo giàn của bà Lê Thị Hạnh Dung.

Là người con của quê hương xã Long Sơn, từng là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, sau 02 năm giảng dạy bà Dung rời trường đi làm quản lý ở một số doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ. Khi đúc kết kinh nghiệm, năm 2021 bà Dung về ấp Huyền Đức mạnh dạn thuê 1,8ha đất sản xuất và thành lập Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Gia Hưng để đầu tư xây dựng nhà màng với kinh phí 03 tỷ đồng trồng màu hữu cơ chủ yếu dưa hấu, dưa lưới, dưa leo, rau ăn lá,… và được thị trường tiêu thụ ổn định, lợi nhuận năm đầu đạt 150 triệu đồng.

Theo bà Dung, ngoài sản xuất nông sản hữu cơ, bà đầu tư phát triển mô hình nuôi bò, gà để tận dụng phụ phẩm chăn nuôi phục vụ trồng trọt. Năm 2022, bà mua thêm đất tiếp tục đầu tư thêm nhà màng thứ 2 với số tiền 5,5 tỷ đồng để mở rộng sản xuất. Trong quá trình thực hiện, ngoài số tiền vay, bà được huyện hỗ trợ 450 triệu đồng để đầu tư 02 nhà màng. Với tư duy và cách làm mới của bà Dung đã khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp của người dân trong xã; đồng thời là hội viên phụ nữ gương mẫu, bà Dung hỗ trợ chia sẻ kỹ thuật trồng màu cho phụ nữ trên địa bàn cùng phát triển. Cùng với đó, bà Dung còn liên kết sản xuất 0,2ha dưa hấu hữu cơ và bao tiêu sản phẩm của người dân xã Mỹ Long Bắc giá 14.000 đồng/kg.

Kỹ sư Lê Đình Lộc, Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Gia Hưng cho biết: sản xuất nông sản hữu cơ trong nhà màng giảm nhiều công lao động, chi phí sản xuất, giá bán cao gấp 02 - 03 lần so với nông sản trồng truyền thống. Đặc biệt kỹ thuật trồng dưa hấu leo giàn thay vì trồng trên đất là phương pháp trồng khá mới lạ tại địa phương. Trồng phương pháp này tiết kiệm diện tích, mật độ cây dày hơn trồng dưới đất. Các giàn trồng dưa hấu thường rộng khoảng 01m bề ngang và có chiều cao từ 0,2 - 0,3m. Các giàn cách nhau khoảng 1,5 - 02m. Các bầu đất trồng dưa hấu đặt cách nhau từ 0,35 - 0,4m để đảm bảo cho dưa hấu có đủ không gian phát triển khi cây lớn lên. Trong quá trình dưa hấu ra hoa đậu trái, phải bón phân và cung cấp đủ nước tưới, quan trọng là bón thúc để nuôi trái. Khi dưa hấu phát triển mạnh thì cắt tỉa bớt nhánh, lá để cây tập trung nuôi trái, giúp trái to và ngọt hơn…

Nông dân Trần Văn Út, ấp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc đã liên kết với Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp Gia Hưng trồng 02 vụ dưa hấu hữu cơ trên diện tích 0,2ha đạt hiệu quả cao. Ông Út cho biết: Ban đầu trồng thử nghiệm năng suất đạt 2,9 tấn/0,1ha. Đến vụ thứ 02, năng suất đạt thấp hơn do thời tiết mưa thất thường đậu trái trễ, nhưng năng suất đạt 5,5 tấn/0,2ha, giá bán 14.000 đồng/kg, tổng thu nhập 72 triệu đồng, trừ chí phí phân, thuốc hữu cơ 24 triệu đồng, lợi nhuận 48 triệu đồng.

Chú trọng công tác giáo dục trong vùng đồng bào Khmer

Với hơn 37% dân số đồng bào Khmer, những năm qua, Cầu Ngang luôn quan tâm đầu tư các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào Khmer, trong đó sự nghiệp giáo dục một trong những tiêu chí quan trọng trong XDNTM.

Cuối năm 2010, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, phổ cập giáo dục xóa mù chữ ở 15 xã, thị trấn chỉ đạt mức độ 1. Từ khi thực hiện XDNTM, chất lượng giáo dục trên địa bàn từng bước củng cố và nâng lên. Việc chăm sóc giáo dục trẻ em luôn quan tâm đúng mức; tỷ lệ trẻ 06 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.

Công tác phổ cập giáo dục các cấp học luôn được đẩy mạnh, từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ trẻ em 06 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2020 - 2021 được tiếp tục học trung học năm học 2021 - 2022 là 94,37%. Đến nay 13/13 xã đều có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2020 - 2021 được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm học 2021 - 2022 vượt so với quy định (các xã đều đạt trên 85%).

Giáo viên Thạch Thị Chanh Đa, Trường Tiểu học Kim Hòa A dạy môn ngữ văn Khmer.

Giáo viên Thạch Thị Chanh Đa, Trường Tiểu học Kim Hòa A dạy môn ngữ văn Khmer.

Giai đoạn 2011 - 2022, huyện đã tập trung huy động các nguồn vốn sửa chữa cải tạo, xây dựng mới phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ… với tổng kinh phí trên 201,8 tỷ đồng nhằm đảm bảo công tác dạy và học trên địa bàn. Huyện có 08 xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào Khmer, Kim Hòa là xã 73% đồng bào Khmer và là xã đầu tiên thoát khỏi Chương trình 135 xây dựng đạt chuẩn xã NTM. Để công tác dạy và học trong vùng đồng bào Khmer đạt hiệu quả, huyện tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học và xây dựng đội ngũ giáo viên trong vùng đồng bào đạt trình độ chuẩn hóa.

Trao đổi với chúng tôi, cô Lâm Ngọc Cẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Hòa A, xã Kim Hòa cho biết: hiện trường có 25 lãnh đạo, cán bộ, giáo viên và 440 học sinh, trong đó có 02 giáo viên Khmer và 356 học sinh Khmer. Cơ sở vật chất tại trường đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác dạy và học. Từ khi xã đạt chuẩn NTM, đối với những học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn việc cho con em tham gia bảo hiểm y tế còn gặp trở ngại. Với sự quyết tâm cao, trường huy động mọi nguồn lực đến nay 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên hàng năm trường còn gặp khó khăn, do có vài học sinh nghỉ học giữa chừng từ 01 - 03 tháng để theo cha mẹ đi làm ăn xa theo mùa vụ. Khi học sinh trở lại lớp, giáo viên dạy phụ đạo thêm cho các em khoảng 03 buổi/tuần, giúp học sinh theo kịp kiến thức. Đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học, trường vận động giáo viên đóng góp hỗ trợ các em được tiếp tục đến trường. Cùng với đó, trường còn đưa môn ngữ văn Khmer vào chương trình dạy học chính thức theo quy định, giúp học sinh bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang, qua 12 năm XDNTM tuy đạt những kết quả đáng tự hào nhưng vẫn còn hạn chế như kết cấu hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và XDNTM thông minh; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với XDNTM theo hướng nông nghiệp sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2023, huyện triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó thực hiện XDNTM gần 3,4 tỷ đồng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất; chương trình mỗi xã một sản phẩm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết chuỗi giá trị…

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xay-dung-nong-thon-moi/cau-ngang-vung-buoc-tren-chang-duong-nong-thon-moi-29432.html