CEO iChiland Phan Thư và việc dạy học tiếng Trung từ tâm thế một người Việt Nam yêu nước sâu sắc

Giảng viên Phan Thư là người Việt Nam đầu tiên sở hữu chứng chỉ IPA ( đánh giá năng lực giảng dạy Tiếng Trung Quốc của Mỹ tại Bắc Kinh ), chủ biên cuốn sách Dạy tiếng Trung trẻ em, sáng lập hệ sinh thái học tiếng Trung với cả ngàn học viên. Để có được những thành quả đó, cô Phan Thư cho rằng cần sự nghiêm túc, chăm chỉ trong học tập, ham học hỏi và không ngại kiến thức mới, bên cạnh một chút may mắn.

Chân dung CEO Phan Thư, người sáng lập Hệ sinh thái học tiếng Trung iChiland

Chân dung CEO Phan Thư, người sáng lập Hệ sinh thái học tiếng Trung iChiland

Những tháng ngày miệt mài học tập

Trở lại những năm 2000, CEO Phan Thư lúc đó là một học sinh yêu thích tiếng Trung và mong muốn gắn bó với ngành học liên quan đến ngoại ngữ này. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, cô đã quyết tâm thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội để toàn tâm học về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Cơ hội đến khi ngôi trường cô theo học kết nối với các trường đại học Trung Quốc, có chương trình trao đổi sinh viên trong vòng 1 năm để học tập, rèn luyện khả năng ngôn ngữ và tìm hiểu văn hóa. Nhận thấy học ngoại ngữ không gì tốt hơn việc học ở chính quốc gia sử dụng ngôn ngữ này, cô nữ sinh đã đăng ký theo học.

Đó là những ngày tháng sinh viên vất vả nhưng cũng rất tuyệt vời. Lần đầu tôi được thấy cung đường đẹp như trên từng thước phim lần lượt trôi vùn vụt trong ký ức của tôi. Nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác của một người xa xứ, bởi vì các thầy cô và bạn bè Trung Quốc thật sự rất thân tình và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ biết tôi là một du học sinh”, CEO Phan Thư chia sẻ.

Tuy Bắc Kinh ngày ấy rất đẹp nhưng cũng không làm cô sinh viên xao nhãng việc học tập. “Mỗi ngày, tôi có thể ở một mình hàng giờ trong phòng tự học để làm bài tập, nghe những bài nói và ghi chép lại. Học xong, tôi mang những tờ báo đã mua để đọc và tiếp tục ghi chép. Với những vấn đề còn chưa hiểu, tôi lần lượt tra từ điển cho đến khi hiểu thấu đáo toàn bộ nội dung. Chỗ nào còn lăn tăn, tôi sẽ tìm tới sự trợ giúp của bạn bè người Trung Quốc hoặc các thầy cô của mình. Tối đến, trước khi đi ngủ, tôi bật đài phát thanh trung ương để tăng cường kỹ năng nghe và đọc”, cô Phan Thư chia sẻ về phương pháp học tập.

Mặt khác, khi ở Trung Quốc, cô Phan Thư cũng dạy tiếng Việt cho một vị nữ giám đốc có công việc kinh doanh tại Việt Nam; thường xuyên trò chuyện về điển tích Trung Hoa với một người bạn học người bản xứ. Nhờ đó, trong 01 năm ngắn ngủi, khả năng tiếng Trung của cô tiến bộ rất nhanh. Đó là những kỷ niệm quý báu, khi cô có những người thầy, người bạn thân thiện và tốt bụng mang đến cho cô nguồn cảm hứng học tập vô tận. Sau khi hoàn thành việc học ở Trung Quốc, cô tiếp tục hoàn thành chương trình học ở Đại học Ngoại ngữ với tấm bằng Xuất sắc.

May mắn mỉm cười với cô Phan Thư, vào thời điểm cuối thập niên 2000, Việt Nam và Trung Quốc có sự vươn lên mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế. Cô lựa chọn theo ngành xuất nhập khẩu và trở thành nhân sự của Foxconn, đối tác lớn của Apple. Với khả năng của mình, cô trở thành nhân sự tiềm năng và được cử đi đào tạo ở Thâm Quyến.

Thời gian đó, cô đã được làm việc với những người giỏi trong cùng lĩnh vực, được tích lũy dần kinh nghiệm làm việc ở những tập đoàn chuyên nghiệp. Ngoài công việc chuyên môn, cô còn được giao thêm nhiệm vụ dạy Tiếng Trung Quốc cho các đồng nghiệp từ Việt Nam sang làm việc; làm MC cho các hoạt động của công ty. Cô Phan Thư bắt đầu nhận ra niềm yêu thích và năng khiếu của bản thân với nghề sư phạm; bên cạnh đó là tiềm năng giáo dục và dạy học tiếng Trung ở Việt Nam khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực.

Trở thành giảng viên tiếng Trung với những mục tiêu lớn

Thay đổi mục tiêu sự nghiệp vào thời điểm đó là lựa chọn khó khăn với cô Phan Thư. Tuy nhiên, khi sự quyết tâm đã đủ lớn, cô đã rời khỏi vòng an toàn và đi theo đam mê của bản thân, đó là trở thành một giảng viên tiếng Trung.

Mặc dù có vốn tiếng Trung tốt và ít nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhưng bản thân cô Phan Thư không muốn đốt cháy giai đoạn. Với cô, điều cần thiết là phải có kỹ năng sư phạm được đào tạo bài bản. Vì vậy cô đã quay trở lại Bắc Kinh để học tập với mục tiêu thi được chứng chỉ IPA. “Đó là quãng thời gian dài nhất vì tôi phải tạm xa gia đình, con nhỏ cho quá trình trau dồi kinh nghiệm và năng lực sư phạm của bản thân, tạo tiền đề cho tôi tự tin hơn trong việc trang bị lý luận sư phạm toàn diện trong giảng dạy”, cô Phan Thư cho biết.

Khi động lực đã đủ lớn và đạt được IPA, cô vùi mình vào ôn luyện để vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực sư phạm Tiếng Trung Quốc ở bậc Senior Teacher (Giáo viên cấp cao) và đã thành công.

Đội ngũ của iChiland là những người trẻ, tâm huyết với ngành sư phạm tiếng Trung.

Đội ngũ của iChiland là những người trẻ, tâm huyết với ngành sư phạm tiếng Trung.

Cuối năm 2018, khi đã có sự chuẩn bị thấu đáo, cô cùng với những người cộng sự đã cho thành lập iLanguage (tiền thân của iChiland) - đơn vị tư thục giảng dạy song ngữ Tiếng Anh và Tiếng Trung Quốc đầu tiên ở Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy, nguồn ngữ liệu tiếng Anh khá dồi dào vì đây là ngôn ngữ đã quá phổ biến tại Việt Nam. Tuy vậy, có ít nguồn học liệu khi giảng dạy Tiếng Trung Quốc, đặc biệt học liệu dành cho các bạn nhỏ dưới 15 tuổi.

Cô Phan Thư đã cất công sang Trung Quốc tìm những cuốn giáo trình, sách dạy tiếng Trung và dịch sang tiếng Việt làm nguồn học liệu. Trong quá trình đó, cô nhận ra rằng phương pháp triển khai bài học chưa thực sự phù hợp với học viên trong nước. Do vậy, cô đã nhen nhóm việc viết sách và biên soạn giáo trình dành riêng cho người Việt.

CEO Phan Thư luôn tâm huyết với giảng dạy tiếng Trung, nhất là đối với trẻ em.

CEO Phan Thư luôn tâm huyết với giảng dạy tiếng Trung, nhất là đối với trẻ em.

Giảng viên Phan Thư cùng các đồng sự của mình đã dành nhiều thời gian để đọc và chắt lọc những bài học hay, phương pháp dạy phù hợp từ nước bạn; bổ sung thêm yếu tố về văn hóa, con người Việt Nam vào trong bộ giáo trình mới. Ngay sau khi đưa vào giảng dạy, nhận được đánh giá tốt từ người học, cô nhen nhóm ý định viết một bộ sách dạy tiếng Trung cho trẻ em.

“Tiêu chí của tôi khi viết bộ sách, đó phải là một chương trình học được phát triển dựa trên năng lực tiếp nhận ngôn ngữ và tâm lý của các em nhỏ thông qua cách xây dựng dàn nhân vật gần gũi với tình huống hàng ngày. Không những vậy, bộ sách phù hợp với chuẩn đầu ra tương ứng với các trình độ của YCT (Kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Trung Quốc quốc tế dành cho đối tượng học sinh tiểu học và trung học mà ngôn ngữ thứ nhất không phải tiếng Trung Quốc), HSK (Kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Trung Quốc quốc tế dành cho các đối tượng mà ngôn ngữ thứ nhất không phải tiếng Trung) và CEFR (Khung tham chiếu Châu Âu)”, cô Phan Thư chia sẻ.

Cuốn sách “Tiếng Trung trẻ em” do cô Phan Thư là chủ biên chính.

Cuốn sách “Tiếng Trung trẻ em” do cô Phan Thư là chủ biên chính.

Nhờ những kinh nghiệm đã tích lũy, bộ sách “Tiếng Trung trẻ em” của iChiland đã nhanh chóng ra đời và được NXB ĐHQG Hà Nội ấn hành. Bộ sách không chỉ được iChiland đầu tư từ thiết kế, nét chữ, chất giấy mà còn chỉn chu trong mỗi hình ảnh minh họa, mỗi đoạn âm thanh, bài hát. Đó là tâm sức gây dựng bản quyền độc nhất trên tư tưởng nhất quán của iChiland: học tiếng Trung, dạy tiếng Trung bắt nguồn từ tấm lòng, tâm thế của một người Việt Nam yêu nước sâu sắc.

“Tôi hy vọng thời gian tới, bộ sách sẽ được lan tỏa và ứng dụng trong giảng dạy tiếng Trung cho trẻ em Việt Nam, nhất là vào thời điểm Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định sử dụng SKG tiếng Trung cho lớp 3,4. Biết đâu đấy, tôi và iChiland sẽ có cơ hội đóng góp cho nền giáo dục đất nước với những bộ sách chuẩn giáo khoa”, CEO Phan Thư vui vẻ nói.

Lê Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/ceo-ichiland-phan-thu-va-viec-day-hoc-tieng-trung-tu-tam-the-mot-nguoi-viet-nam-yeu-nuoc-sau-sac-post12020.html