Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Chính phủ đang gấp rút đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế, song làm thế nào để khắc phục được tình trạng giải ngân chậm vẫn diễn ra thời gian qua? Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực.

 TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Giải ngân vốn đầu tư công chậm có nguyên nhân chủ quan và khách quan gì, thưa ông?

- Mặc dù số vốn giải ngân có tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm vẫn còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Theo tôi có 3 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, do hành lang pháp lý và khuôn khổ pháp luật những năm trước còn vướng mắc và năm 2019 đã phải sửa đổi Luật Đầu tư công, từ 1/1/2020 bắt đầu có hiệu lực và phần nào đó về mặt thể chế đã được giải quyết. Thứ hai, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu lâu nay vẫn chưa được rõ ràng, quyết liệt nghĩa là bộ này, ngành kia, địa phương này, địa phương kia làm chậm, vướng mắc không giải quyết, không quy trách nhiệm.

Lần này họp, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Thứ ba, chính là sự phối kết hợp của các bộ, ngành không được tốt. Ví dụ như liên quan đến dự án này, dự án kia đôi khi trách nhiệm bỏ bẵng, đá sang sân của nhau. Có vướng mắc rồi, bộ, ngành này thiết tha giải quyết nhưng bộ, ngành kia lại lừng khừng khiến cho cả tiến trình chậm chạp. Tâm lý chờ đợi, ỷ lại, sợ trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương khiến các dự án bị kéo dài, việc tìm nguồn đối ứng và giao vốn còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương chậm hoàn thiện hồ sơ đề nghị, bộ đầu mối chưa quyết liệt đôn đốc, tư vấn, hỗ trợ.

Để đẩy mạnh đầu tư công, Chính phủ sẽ chuyển một số dự án từ đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công, ông nhận xét thế nào về việc này?

- Chuyển dự án PPP sang đầu tư công là giải pháp tình thế hiện nay bởi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP của Việt Nam chưa được ban hành, trong đó có một số vấn đề chưa được giải quyết như chia sẻ rủi ro, bảo đảm nguồn vốn ngoại tệ... Trong lúc chờ đợi Luật, Chính phủ đã chuyển một số dự án từ PPP trước đây sang dạng đầu tư công. Ngoài ra, chuyển sang đầu tư công cũng là giải pháp để bù đắp phần tăng trưởng.

Theo ông, giải ngân vốn đầu tư công cần các thứ tự ưu tiên thế nào để có thể tác động, mang lại ngay hiệu quả kinh tế?

- Đó là những dự án mà Chính phủ đã chỉ đạo, trước hết tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, nhất là với những dự án gắn với giao thông, dân sinh bức xúc; các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa. Như vậy, chúng ta sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp, gồm cả thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch lẫn đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành… Như sân bay Long Thành, nếu như chúng ta đẩy nhanh là hoàn toàn khả thi, trong năm nay có thể triển khai được một phần.

Theo ông, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cần những giải pháp gì?

- Phải tinh giản các thủ tục đầu tư, đồng thời chuẩn bị sẵn danh mục các dự án ưu tiên để huy động vốn và sẵn sàng triển khai. Đồng thời, có cơ chế phân cấp hiệu quả giữa các cấp chính quyền, nhằm thúc đẩy việc triển khai dự án trong thực tế.

Đến nay, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có hiệu lực sẽ tháo gỡ cơ bản các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, đơn giản hóa trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn... Cùng với đó là việc đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm như: Phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hàng năm…

Tuy nhiên, giải pháp then chốt tôi cho rằng là làm rõ trách nhiệm của người liên quan tại bộ, ngành, địa phương trong từng khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chính phủ cần coi việc này như một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, của bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần minh bạch các dự án đầu tư công - vốn là một mắt xích nóng của tham nhũng, lãng phí. Hoạt động đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Vấn đề giải phóng mặt bằng là một trong những khâu chậm trễ lớn trong giải ngân vốn đầu tư công, có phải nguyên nhân khách quan không? Và việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu như vậy thì có vấn đề gì không?

- Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải với các dự án đầu tư công tại Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính là do vai trò yếu kém của người đứng đầu tại địa phương. Cũng không có gì khách quan nếu như ở địa phương đó, lĩnh vực đó quyết liệt sẽ được giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác. Theo ông, việc này liệu có đẩy nhanh được giải ngân đầu tư công?

- Đây cũng là một trong số các giải pháp mạnh để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng phải xem rõ nguyên nhân lý do, nếu khách quan có thể châm trước, linh hoạt.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Giải pháp kích cầu nền kinh tế

Trâm Anh thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-quy-trach-nhiem-cho-nguoi-dung-dau-380654.html