Tại sao lợi nhuận ACB suy giảm trong quý III?

ACB cho biết, quý III ngân hàng tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, kiểm soát nợ xấu sau khi đã tăng trưởng rất nhanh trong 2 quý đầu năm.

Tái cấu trúc

Trong quý III vừa qua, ACB là một trong số ít các ngân hàng quy mô lớn công bố kết quả kinh doanh kém tích cực.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 4.800 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sụt giảm chủ yếu đến từ sự lao dốc của lãi thuần mảng kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư.

Hoạt động kinh doanh của ACB đi xuống trong bối cảnh ngân hàng trong nhóm dẫn đầu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay.

ACB cũng là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm room tín dụng sau khi hoàn thành 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm.

Chia sẻ về vấn đề này, trong cuộc họp mặt nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo ACB cho biết, trong quý III/2024, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã chững lại, chỉ đạt khoảng 13% so với đầu năm.

Trong khi đó, tới hết quý II/2024, ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 12%. Như vậy, trong quý III, tín dụng của ACB gần như đi ngang.

Lý giải về điều này, ban lãnh đạo ACB cho biết, tín dụng quý III tăng trưởng chậm lại bởi ngân hàng đã tăng trưởng rất nhanh trong quý II nhằm nhận được thêm room tín dụng từ phía NHNN. Do đó, quý III ngân hàng tập trung tái cơ cấu các khoản nợ, kiểm soát nợ xấu.

Đà tăng trưởng được dự báo quay trở lại trong quý cuối năm, khi ngân hàng đã dược nới room tín dụng lên mức 18,6%. ACB cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ vào khoảng 18%.

Động lực tăng trưởng cuối năm có thể đến từ cho vay doanh nghiệp với nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Ngân hàng đã tiếp cận một số khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Đây được kỳ vọng là nhóm tăng trong quý cuối năm khi mà lượng giải ngân FDI vào Việt Nam đang hồi phục tốt.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng kỳ vọng cho vay cá nhân hồi phục trong giai đoạn cuối năm, trong đó tập trung vào hai mảng chính là sản xuất kinh doanh và mua nhà phố.

NIM suy giảm

Tín dụng được dự báo sẽ đẩy mạnh trong quý cuối năm, do đó ACB cho biết sẽ cần phải tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu này.

Trong quý III, tiền gửi từ khách hàng chỉ tăng thêm được 1.000 tỷ đồng. Huy động từ phát hành chứng chỉ tiền gửi tăng hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, với tình hình dòng tiền bị rút khỏi Việt Nam như vừa qua và chưa quay lại, ngân hàng có thể tăng lãi suất huy động để hấp dẫn khách hàng. Điều này sẽ áp lực tới biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng.

Ngay trong quý III, NIM của ACB cũng đã suy giảm khi tỷ giá tăng liên tục, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, kéo theo chi phí vốn tăng lên.

Trong khi lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng để cạnh tranh, lãi suất cho vay dự kiến khó có thể tăng lên trong dịp cuối năm. Do đó, ngân hàng cho rằng NIM sẽ tiếp tục giảm trong quý IV.

Nợ xấu tạo đỉnh

Điểm tích cực là sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng rất nóng nửa đầu năm, nợ xấu của ACB cho thấy tín hiệu đạt đỉnh khi gần như không tăng thêm trong quý III. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hiện ở mức 1,49%.

“Tốc độ hình thành nợ xấu mới đang có sự giảm đi rõ rêt. Trong quý I, tốc độ tăng trưởng nợ xấu hơn 20%, quý II là hơn 11%, trong khi quý 3 chỉ tăng hơn 2%”, ban lãnh đạo ACB chia sẻ.

Tỷ lệ nợ xấu của ACB. Nguồn: Chứng khoán Thành Công

Tỷ lệ nợ xấu của ACB. Nguồn: Chứng khoán Thành Công

Ngân hàng kỳ vọng nợ xấu sẽ giảm trong thời gian tới khi thị trường bất động sản hồi phục tốt hơn, giúp nợ xấu cả năm được duy trì ở mức dưới 1,5%. Từ đầu năm 2024, ACB đã phải giãn các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản do thị trường này trầm lắng, khiến cho việc thanh lý các khoản nợ bất động sản khó khăn hơn.

Do kỳ vọng nợ xấu sẽ giảm, ACB cũng không trích lập quá nhiều trong quý III/2024. Ngân hàng tin rằng áp lực trích lập dự phòng về cuối năm sẽ không cao. Tỷ lệ bao nợ xấu hiện đang ở mức 80% và có hồi phục nhẹ từ quý II.

Với dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02, ban lãnh đạo ACB cho biết chỉ khoảng 1.300 tỷ đồng.

Dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 chỉ hơn 2.000 tỷ đồng do tập trung ở khu vực miền Nam.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/tai-sao-loi-nhuan-acb-suy-giam-trong-quy-iii-d37703.html