Chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình cho sĩ quan trẻ

Kết hôn, xây dựng gia đình là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Với quân nhân, sự kiện này càng có ý nghĩa vì họ sẽ có thêm điểm tựa vững chắc và động lực lớn để hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách được giao. Song, bên cạnh niềm vui ấy, họ cũng có nhiều nỗi niềm trăn trở...

Chúng tôi gặp Trung úy Lò Văn Thủy, Chính trị viên phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82 (Sư đoàn 355, Quân khu 2) khi anh vừa trở về đơn vị sau kỳ nghỉ phép ngắn ngày để tổ chức lễ ăn hỏi của mình. Trên gương mặt chàng sĩ quan trẻ rạng rỡ niềm vui, ánh lên sự háo hức vì sắp có một gia đình nhỏ. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, Trung úy Lò Văn Thủy tình cờ quen vợ tương lai là chị Lò Thị Thương ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) trong một lần xã tổ chức gặp mặt công dân lên đường nhập ngũ. Khi đó Lò Văn Thủy đang học năm cuối Trường Sĩ quan Chính trị và được nghỉ hè về thăm gia đình. Tình yêu của đôi bạn trẻ cứ thế lớn dần theo thời gian. Gia đình hai bên cũng luôn ủng hộ và vun vén cho hai người... Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, Trung úy Lò Văn Thủy cũng có nhiều trăn trở, lo lắng: “Vợ chưa cưới của tôi là lao động tự do. Cưới nhau xong, vợ tôi sẽ ở cùng bố mẹ chồng và thay tôi chăm sóc hai bên gia đình, đồng thời đi tìm việc làm ổn định. Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, tôi vừa cảm thấy hạnh phúc, lại vừa lo lắng vì còn nhiều vấn đề phải lo toan, trong khi tính chất, điều kiện công việc trong Quân đội có đặc thù là thường xuyên phải trực ở đơn vị, ít có điều kiện quan tâm, chăm lo gia đình”.

Đơn vị và đồng đội luôn quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung úy Lò Văn Thủy (thứ hai, từ trái sang) trước khi lập gia đình.

Đơn vị và đồng đội luôn quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung úy Lò Văn Thủy (thứ hai, từ trái sang) trước khi lập gia đình.

Ngoài vấn đề thời gian, kinh tế cũng là một trong những nỗi lo lớn của các sĩ quan trẻ. Mặc dù tiền lương đã được cải thiện do tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2024, nhưng với đội ngũ sĩ quan cấp úy, giữ chức vụ trung đội trưởng, phó đại đội trưởng, chính trị viên phó đại đội, sau khi trừ tiền ăn hằng tháng và một số khoản chi phí khác thì thu nhập thực tế còn lại rất "khiêm tốn". Trong khi đó, vợ chồng trẻ phải chi tiêu nhiều khoản để bảo đảm sinh hoạt, cuộc sống, nếu không có sự trợ giúp của gia đình hay được hưởng chính sách về nhà ở thì rất khó để nghĩ đến việc mua nhà, xây nhà. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở của Thượng úy Hoàng Đức Tùng, Trợ lý Tuyên huấn, Ban Chính trị, Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) khi chuẩn bị kết hôn. Tùng quê ở xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, vợ chưa cưới của anh quê ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, cùng tỉnh Tuyên Quang, hiện đang làm bác sĩ ở một bệnh viện tư. Vì bố mẹ hai bên chủ yếu làm nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên không có điều kiện hỗ trợ, Tùng dự định khi cưới xong sẽ thuê nhà ở thành phố Tuyên Quang, gần chỗ làm của vợ (cách đơn vị Tùng 30km), chi phí thuê trọ và điện, nước mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. “Chúng tôi làm cách nhà 130km, hai gia đình cách nhau 60km. Do đó, nếu được nghỉ tranh thủ thì tôi cũng chủ yếu về nhà trọ, có công việc mới về quê. Điều khiến tôi luôn trăn trở là với mức lương chỉ đủ trang trải những chi tiêu cơ bản như hiện tại thì rất khó để tích lũy mua nhà, lo cho tương lai của con cái; làm sao để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa giữ được hạnh phúc gia đình, bảo đảm cuộc sống. Tuy vậy, tôi luôn tin rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, sự giúp đỡ của chỉ huy đơn vị và sự ủng hộ của gia đình, chúng tôi sẽ vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thượng úy Hoàng Đức Tùng tâm sự.

Khó khăn về kinh tế cộng thêm sự xa cách là những yếu tố tác động không nhỏ đến hạnh phúc gia đình quân nhân, nhất là những cặp vợ chồng trẻ. Vì thế, theo Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh, giảng viên môn Giáo dục gia đình, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng nên hình dung trước những khó khăn mà mình có thể gặp phải trong cuộc sống hôn nhân và cách thức mình sẽ đối mặt, giải quyết. Khi đã quyết định kết hôn thì hãy có trách nhiệm với quyết định đó. "Tình yêu và sự tin tưởng mà vợ chồng dành cho nhau vẫn là điều quan trọng nhất. Sức mạnh ấy cùng sự thấu hiểu, cảm thông sẽ giúp vợ chồng quân nhân cùng nắm chắc tay nhau vượt qua khó khăn, xây dựng hạnh phúc lâu bền", Thạc sĩ Đàm Thị Vân Anh nhấn mạnh.

Những suy nghĩ, trăn trở của sĩ quan trẻ trước khi kết hôn là điều dễ hiểu. Ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi quân nhân, vấn đề này cũng rất cần được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ, chia sẻ trong phạm vi thẩm quyền và khả năng cho phép, góp phần chăm lo hạnh phúc gia đình quân nhân. Qua đó, giúp đội ngũ sĩ quan trẻ làm tròn vai là người con, người chồng, người cha trong gia đình và an tâm tư tưởng, gắn bó, hoàn thành tốt mọi nhiệm ở đơn vị.

Bài và ảnh: TRẦN HÀO

--------

Tâm tình-Kiến nghị

Tình yêu, sự sẻ chia giúp nối liền khoảng cách

Vợ tôi là Mai Thị Hồng Bích, quê ở phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đang là bác sĩ tại Phòng khám Medlatec Đa khoa Quảng Bình. Chúng tôi tổ chức hôn lễ vào tháng 7 vừa qua. Do chưa có nhà riêng nên vợ tôi vẫn sống cùng bố mẹ đẻ cho tiện công tác. Mỗi khi tôi được nghỉ tranh thủ hoặc nghỉ phép thì vợ chồng cùng về thăm quê nội. Công việc của vợ tôi khá bận rộn, vất vả nhưng khó khăn nhất vẫn là khoảng cách và ít có thời gian vợ chồng bên nhau.

Trung úy Nguyễn Công Bằng và vợ Mai Thị Hồng Bích. Ảnh: NGUYỄN MAI

Trung úy Nguyễn Công Bằng và vợ Mai Thị Hồng Bích. Ảnh: NGUYỄN MAI

Những cuộc trò chuyện qua điện thoại sau 21 giờ 30 phút thường bị rút ngắn vì cả hai đều mệt mỏi sau một ngày dài làm việc. Tuy vậy, được gia đình hai bên giúp đỡ; vợ chồng thấu hiểu, chia sẻ, động viên nhau nên cuộc sống vẫn ngập tràn hạnh phúc. Đặc biệt, vợ tôi thỉnh thoảng lại sắp xếp thời gian để lên đơn vị thăm chồng vào cuối tuần. Mỗi lần gặp nhau đều là những khoảnh khắc đáng quý. Vợ tôi tâm sự rằng, dù biết trước những khó khăn khi lấy chồng bộ đội nhưng không bao giờ hối hận và rất tự hào vì điều đó nên quyết tâm cùng tôi xây dựng tổ ấm. Tình cảm, sự tin tưởng của vợ chính là chỗ dựa, động lực lớn để tôi vượt khó, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Trung úy NGUYỄN CÔNG BẰNG

(Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân khu 4)

----------

Hạnh phúc khi giúp anh an tâm công tác

Tôi là vợ sắp cưới của Trung úy Trần Hoàng Diệp, Trung đội trưởng Trung đội 9, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 29 (Quân khu 9). Chúng tôi gặp nhau khi còn là học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ. Khi học đại học, tôi là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, còn anh là học viên Trường Sĩ quan Thông tin, chúng tôi mới hay tâm sự, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong học tập, cuộc sống và dần nảy sinh tình cảm. Tôi không chỉ yêu tính cách thật thà, chung thủy của anh mà yêu cả màu xanh áo lính anh đang mang trên mình. Xuất thân trong gia đình bộ đội, tôi đã hình dung được một phần nào đó về những khó khăn khi lấy chồng là quân nhân. Và khó khăn, thử thách đến với tôi ngay từ những ngày đầu mới yêu nhau.

Cô giáo Trần Thị Kim Anh và Trung úy Trần Hoàng Diệp. Ảnh do tác giả cung cấp

Cô giáo Trần Thị Kim Anh và Trung úy Trần Hoàng Diệp. Ảnh do tác giả cung cấp

Năm học thứ nhất, không may anh bị bệnh phải tạm dừng việc học, nằm viện điều trị dài ngày, tưởng chừng khó qua khỏi và không thể hoàn thành ước mơ trở thành một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng bằng nghị lực của bản thân và sự tiếp sức từ gia đình, đồng đội, đơn vị, anh đã dần phục hồi, tiếp tục học tập và tốt nghiệp ra trường. Năm 2022, anh về nhận công tác tại Lữ đoàn Thông tin 29. Tháng 11-2024 tới đây, chúng tôi sẽ chính thức về chung một nhà. Vì tính chất, nhiệm vụ công việc của anh nên tôi và gia đình hai bên phải chuẩn bị mọi thứ cho lễ cưới. Tuy vậy, anh vẫn đồng hành với tôi bằng nhiều cách khác nhau nên tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện khi có chồng là bộ đội. Dù phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi sẽ là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân tôi cũng thấy mình còn may mắn hơn nhiều hậu phương của các anh bộ đội khác, vì còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn chúng tôi.

Sau khi cưới, chúng tôi mong muốn sẽ có một mái nhà nhỏ của riêng hai vợ chồng. Ước mơ đó là điều không dễ dàng, đòi hỏi cả tôi và anh phải cùng nhau tập trung cho công việc để trang trải, tiết kiệm, xây dựng tổ ấm tương lai.

TRẦN THỊ KIM ANH

(giáo viên Trường Tiểu học, THCS, THPT Quốc Văn Cần Thơ)

----------

Nâng cao kiến thức, kỹ năng xây "tổ ấm"

Năm nay, đơn vị chúng tôi có 9 đồng chí mới lập gia đình và chuẩn bị lập gia đình. Hầu hết các đồng chí này đều có hoàn cảnh khó khăn: Bố mẹ hai bên đều ở xa; vợ chồng phải đi thuê trọ, điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn, chật chội; việc đi lại của cả vợ và chồng đều không thuận lợi, có đồng chí vợ không có việc làm ổn định... Chúng tôi yêu cầu các cơ quan, đơn vị khi có quân nhân kết hôn phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa về thời gian cũng như trong việc tổ chức lễ cưới...

Chỉ huy Trung đoàn 224, Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) tâm sự, động viên các sĩ quan trẻ. Ảnh: THÀNH NAM

Chỉ huy Trung đoàn 224, Sư đoàn 375 (Quân chủng Phòng không-Không quân) tâm sự, động viên các sĩ quan trẻ. Ảnh: THÀNH NAM

Là chỉ huy đồng thời cũng là người anh, người đồng chí của cán bộ trẻ, tôi cho rằng, mỗi quân nhân cần luôn có ý thức tự học hỏi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng đối nhân xử thế... Gia đình là tổ ấm, là hậu phương lớn của mỗi người, là nơi chúng ta được yêu thương, chia sẻ, vì vậy phải biết chăm lo hạnh phúc, quan tâm, chia sẻ trước những vất vả, hy sinh, thiếu thốn về tình cảm, vật chất của vợ con, tuyệt đối tránh độc đoán, gia trưởng hoặc thiếu chung thủy, vi phạm pháp luật...; phải biết đối xử đúng mực, hài hòa giữa hai bên nội, ngoại... Để góp phần giúp quân nhân xây dựng hạnh phúc gia đình, chỉ huy các đơn vị cũng cần thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với Quân đội và hậu phương quân đội, như: Động viên, giúp đỡ đến từng đồng chí trong cơ quan, đơn vị; giải quyết nghỉ phép, tranh thủ, tạo điều kiện về thời gian cho quân nhân đúng quy định, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, đoàn kết, giúp quân nhân vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa có thời gian chăm lo việc gia đình...

Trung tá ĐINH XUÂN KHẢI

(Phó chính ủy Trung đoàn 224, Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không-Không quân)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cham-lo-xay-dung-hanh-phuc-gia-dinh-cho-si-quan-tre-800569