Chăm sóc F0 tại cộng đồng

Sở Y tế TP HCM đã khởi động lại chương trình chăm sóc F0 tại cộng đồng; F0 điều trị tại nhà sẽ có thầy thuốc trẻ gọi điện tư vấn, hỏi thăm sức khỏe hằng ngày

TS-BS Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6, cho biết bệnh viện sẽ cử nhân viên y tế xuống tận khu phố phân loại F0 ngay từ đầu và xử lý sớm để giảm F0 trong cộng đồng và giảm tử vong.

Tổ dân phố là một phòng bệnh

Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Quang Thanh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, cho biết hiện việc tập trung điều trị cho các bệnh nhân hậu Covid-19 và những đối tượng nguy cơ cao cũng là nhiệm vụ quan trọng không kém việc chữa trị cho F0.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đinh Quang Thanh, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM tiếp nhận 5-10 bệnh nhân hậu Covid-19. Với bệnh nhân hậu Covid-19, phải đánh giá lại phổi. Nghiên cứu cho thấy 20%-30% bệnh nhân bị các di chứng như huyết khối vi mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch, cùng nhiều triệu chứng khác như hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, mỏi cơ, nhức đầu, lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ...

Bác sĩ Nguyễn Vương Minh Đức, Phòng khám Đa khoa Sài Gòn, thăm khám cho F0 tại nhà ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM (Ảnh: HẢI YẾN)

Bác sĩ Nguyễn Vương Minh Đức, Phòng khám Đa khoa Sài Gòn, thăm khám cho F0 tại nhà ở phường Đa Kao, quận 1, TP HCM (Ảnh: HẢI YẾN)

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Bệnh viện Thống Nhất (phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 6), cho hay bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối - lọc thận chu kỳ dễ mắc Covid-19, khi bị thường biểu hiện nặng, nguy kịch và tỉ lệ tử vong rất cao. Trong đợt cao điểm xảy ra dịch, những bệnh nhân này rất khó tìm nơi để chạy thận. Tại Bệnh viện Dã chiến số 6, nhóm bệnh nhân này được chăm sóc toàn diện: điều trị Covid-19 theo phác đồ, lọc thận cấp cứu và chu kỳ, điều trị các biến chứng của suy thận giai đoạn cuối. Tỉ lệ bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối - lọc thận chu kỳ ở nam có xu hướng mắc Covid-19 cao hơn (chiếm 63,6%) so với bệnh nhân nữ.

Chia sẻ mô hình "Điều phối F0 cộng đồng" đem lại hiệu quả trong thu dung, điều trị, hạn chế lây lan cộng đồng (cụ thể, tại 2 quận 1 và 3 của TP HCM), TS-BS Nguyễn Văn Dương cho biết với phương châm "Mỗi tổ dân phố là 1 phòng bệnh, mỗi phường là 1 khoa, mỗi quận là 1 trung tâm", bác sĩ xuống khám bệnh trực tiếp tại nhà sẽ tạo sự an lòng cho người dân. "Mô hình này giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và an toàn, nên cần sớm được phổ biến và nhân rộng trong giai đoạn hiện nay" - bác sĩ Dương nhấn mạnh.

Chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, việc giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong là yêu cầu đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc khởi động lại chương trình chăm sóc F0 tại cộng đồng. Thành phố cũng đã phát động chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ như: sẽ thực hiện xét nghiệm tất cả người có nguy cơ; tăng cường truyền thông; xử lý kịp thời các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, âm tính thì tiêm vắc-xin (nếu chưa tiêm); những người có nguy cơ cũng sẽ được gọi điện hỏi thăm sức khỏe mỗi ngày.

TS-BS chuyên khoa II Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM, cho biết trong đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, hàng ngàn hội viên Hội Thầy thuốc trẻ TP đã tình nguyện vào tâm dịch, tham gia trực tiếp trên nhiều mặt trận, góp phần đưa thành phố trở lại nhịp sống bình thường. "Hiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của các thầy thuốc trẻ ngày càng trở nên quan trọng, Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM hiện có hơn 3.000 hội viên, sẽ tăng cường thêm các phong trào xung kích, tình nguyện để hỗ trợ thành phố trong việc chăm sóc F0 tại cộng đồng" - bác sĩ Hoàng cho biết.

Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng một cách thiết thực, đặc biệt là với các bệnh nhân hậu Covid-19, một phần mềm chăm sóc sức khỏe đã được triển khai (ứng dụng "Dr. Home"). Đây là ứng dụng được phát triển bởi Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM. Ứng dụng giúp khảo sát và đánh giá về những tổn thương giai đoạn hậu Covid-19 của bệnh nhân. Những bài tập phục hồi chức năng sinh động cũng được cung cấp trên ứng dụng.

Thạc sĩ Lê Thị Hạ Quyên, Trưởng Phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho biết ngoài phần mềm chăm sóc sức khỏe còn có ứng dụng video hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Video hướng dẫn từ xa, thiết kế bài tập phục hồi chức năng cho từng cá nhân, tiết kiệm thời gian, hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19.

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng cho rằng thời điểm này cần phải thích ứng với Covid-19. Các bệnh viện, trường đào tạo ngành y cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế, các sinh viên cần phải tham gia chăm sóc F0. Trước đây, bác sĩ mới tốt nghiệp có quy định 18 tháng thực tập ở bệnh viện. Hiện nay nên xem lại quỹ thời gian này, các bác sĩ trẻ cần dành thêm thời gian ở y tế cơ sở, nên thực tập ở trạm y tế trong 12 tháng. Đây là điều có lợi cho cả sinh viên và ngành y tế.

NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/cham-soc-f0-tai-cong-dong-20211217212405674.htm