Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Trước thực tế, tỉnh ta đã bước vào mốc già hóa dân số, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động chăm sóc người cao tuổi nhằm chủ động thích ứng với già hóa dân số.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại huyện Tiên Lữ

Ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có số người cao tuổi nhiều hơn 10% dân số như: Huyện Phù Cừ chiếm 19,75%; Kim Động chiếm 18,9% và Tiên Lữ là 18,1%... Đa số, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đều sống từ nguồn trợ giúp của con, cháu, một phần nhỏ sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội và phải đối mặt với các bệnh về tim mạch, ung thư, xương khớp, tiểu đường... Tỷ lệ người cao tuổi gia tăng đã và đang đặt ra không ít thách thức trong việc bảo đảm các chính sách an sinh, nhu cầu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí của người già… Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội của tỉnh mới chỉ trợ giúp, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu người cao tuổi. Bên cạnh đó, già hóa dân số khiến cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm là gánh nặng cho nền kinh tế của tỉnh…

Để chủ động đối phó với tình trạng già hóa dân số, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2025 tại 26 xã; triển khai các hoạt động truyền thông để người dân hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện Đề án, quan tâm chăm sóc người cao tuổi, góp phần tăng tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành của Đảng và Nhà nước về công tác người cao tuổi. Đối với các đơn vị y tế đã chủ động rà soát, thống kê, lập danh sách người cao tuổi trên địa bàn để lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe; đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Đồng chí Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết: Chi cục tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng để người cao tuổi tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng, chống một số bệnh thường gặp như: Cao huyết áp, tai biến mạch máu não, tim mạch, tiểu đường, hô hấp...; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên dân số tại các xã triển khai Đề án.

An Viên và Thiện Phiến là 2 xã của huyện Tiên Lữ đang thực hiện Đề án. Vào buổi sáng và chiều hàng ngày, nhiều người cao tuổi thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao như: Đi bộ, cầu lông, tập dưỡng sinh... để rèn luyện sức khỏe. Tình nguyện viên câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà ở 2 xã thường xuyên khám, tư vấn những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi. Vào dịp Tết, người cao tuổi được chính quyền địa phương chúc thọ, thăm, tặng quà, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích. Bà Nguyễn Thị Thanh ở xã An Viên cho biết: Để rèn luyện sức khỏe, tôi tham gia tập dưỡng sinh. Sau mỗi buổi tập, chúng tôi cùng nhau trao đổi cách tự chăm sóc bản thân như: Dinh dưỡng cho tuổi già, cách phòng, chống bệnh tiểu đường, tăng huyết áp… Vào ngày lễ, Tết, chúng tôi tổ chức các hoạt động văn nghệ để thành viên được sống vui vẻ, khỏe mạnh, làm điểm tựa tinh thần vững vàng cho con cháu.

Hiện nay, 100% số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh có thẻ bảo hiểm y tế; hơn 80% số người cao tuổi tại các xã thuộc Đề án được khám sức khỏe ít nhất 1 lần trong năm; hàng chục nghìn người cao tuổi tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2025, tỉnh tiếp tục triển khai một số giải pháp, trong đó tập trung vào những chính sách bảo đảm thích ứng với già hóa dân số như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu; tiếp tục thực hiện công tác chúc thọ, mừng thọ; tăng cường tuyên truyền để cộng đồng cùng tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; cung cấp kiến thức các bệnh thường gặp cho người cao tuổi; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi tự phát huy nội lực, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội, tiếp tục lao động, phát triển kinh tế... để có một tuổi già tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-33449a9/