Chấm thi tốt nghiệp THPT 2020: Đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết

Theo Bộ GDĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến được công bố vào ngày 27/8 tới đây. Hiện các địa phương đã bắt tay vào thực hiện chấm thi với phương châm bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian, kể cả một số địa phương có thí sinh phải thi thay thế vào ngày 11/8.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Bảo mật thông tin thí sinh

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, công tác coi thi đợt 1 của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã hoàn tất, cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra, được xã hội đánh giá tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu. Để làm nên thành công của cả kỳ thi, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh, tạo niềm tin cho nhân dân thì cần có đóng góp quan trọng của công tác chấm thi.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng như Công văn hướng dẫn số 2115/BGDĐT-QLC ngày 12/6/2020 của Bộ GDĐT, việc chấm bài thi trắc nghiệm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín, gồm 4 bước: Quét ảnh; đọc ảnh; sửa lỗi bài thi và chấm điểm. Trong chu trình này khi bước tiếp theo được thực hiện thì người chấm không thể thực hiện những công việc của bước trước đó.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), chia sẻ: Phần mềm chấm thi trắc nghiệm không phải do con người mà là do máy. Do đó, ngoài việc tiếp tục nâng cấp một bước phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng thông minh hơn, hỗ trợ phát hiện các lỗi, các sai sót thì vấn đề bảo mật thông tin tiếp tục được chú trọng. Các bài thi trắc nghiệm đều được đánh phách điện tử, các dữ liệu đầu vào, trung gian, đầu ra trong quá trình chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa. Những dữ liệu này chỉ được người có trách nhiệm mã hóa với những công cụ tương thích. Các tác động trên phần mềm chấm thi đều được truy vết để dễ dàng tìm kiếm lịch sử hoạt động, xử lý khi cần thiết.

Trong ngày 13/8, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra công tác chấm thi tại tỉnh Hà Nam. Tại đây ông Độ nhấn mạnh: Các điểm trưởng, trưởng ban chấm thi mà ngay ngắn thì các cán bộ phía dưới cũng sẽ ngay ngắn, nghiêm túc. Để làm được điều này, ông Độ đề nghị các cán bộ chấm thi nắm thật chắc các quy chế của kỳ thi và nên bố trí mỗi tổ chấm một phòng riêng biệt. Bên cạnh đó, muốn chấm chính xác và “đều tay” giữa các cán bộ chấm thi thì cần thống nhất về hướng dẫn chấm. Ông Độ cũng đặc biệt lưu ý về việc bảo mật thông tin nội dung bài thi của thí sinh mà mình chấm.

Chấm thi đảm bảo mục tiêu kép

Sở GDĐT Hà Nội đã điều động hơn 500 giáo viên giỏi của các trường THPT trên địa bàn thành phố thực hiện công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Khu vực chấm thi của toàn TP Hà Nội đã được kiểm tra và bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24h/ngày.

Tham gia giám sát quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT 2020 của Hà Nội còn có 5 cán bộ thanh tra Bộ GDĐT làm nhiệm vụ. Theo kế hoạch, Sở GDĐT Hà Nội sẽ hoàn thành việc chấm thi chậm nhất vào ngày 26/8.

Trên thực tế, sẽ có một số địa phương hoàn thành công tác chấm thi sớm. Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GDĐT Thái Bình) cho biết: địa phương đã tiến hành khai mạc chấm thi tốt nghiệp THPT từ chiều 12/8. Nhân lực huy động cho chấm thi trắc nghiệm là 23 người; chấm thi tự luận là 164 người. Với môn thi tự luận (Ngữ văn), hướng dẫn chấm đã được thống nhất từ chiều 12/8 để tiến hành chấm chung trong sáng 13/8. Sau đó, buổi chiều bắt đầu tiến hành chấm đại trà. Với các bài thi trắc nghiệm, ngày 13/8 đang tiến hành ở quy trình đầu tiên là quét bài. Ông Đức cho hay, dự kiến các bài thi sẽ chấm xong vào 17, chậm là sáng 18/8, nếu tình hình dịch bệnh không có gì bất thường.

Sở GDĐT Phú Thọ đã tổ chức khai mạc chấm thi THPT 2020 vào ngày 12/8 vừa qua và dự kiến công bố kết quả vào ngày 22/8. Để đảm bảo công tác chấm thi diễn ra an toàn, chính xác, khách quan, lãnh đạo Sở GDĐT Phú Thọ yêu cầu: Đối với ban chấm thi tự luận thực hiện nghiêm quy trình chấm, giao bài, thu bài, nhập điểm, đối sánh chấm lần 1, lần 2; tổ chức trao đổi, thảo luận nắm vững hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm; tổ chức chấm chung, chú ý thường xuyên rút kinh nghiệm. Đối với ban chấm thi trắc nghiệm nghiên cứu kỹ và sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm; giao nhận bài thi, mở đóng niêm phong bài thi theo quy định; nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm thi theo quy định.

Ông Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Cũng giống như khâu coi thi, Bộ GDĐT vẫn đặt mục tiêu kép ở khâu chấm thi. Theo đó, phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các cán bộ tham gia chấm thi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GDĐT.

Cùng với đó, giáo viên chấm thi cần thực hiện tốt 5 nguyên tắc. Trong đó người chấm thi đặc biệt lưu ý việc phải giữ quan điểm của mình khi chấm thi, nhưng không được bảo thủ. Cần đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết; không để xảy ra những sai sót hoặc nhầm lẫn không đáng có.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cham-thi-tot-nghiep-thpt-2020-dat-quyen-loi-thi-sinh-len-tren-het-504294.html