Rắc rối tài liệu giáo dục địa phương

Kể từ niên học 2018-2019, ngoài các môn học bắt buộc và các hoạt động tự chọn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường học còn triển khai thêm 'nội dung giáo dục của địa phương' chiếm 20% thời lượng giảng dạy. Sau 5 năm, 'Tài liệu giáo dục địa phương' được thực hiện ở các tỉnh, thành nhưng kết quả dường như chưa được như mong muốn. Sự lúng túng và sự bất cập ấy có thể hình dung ra sao và cần cải thiện thế nào?

Theo Thông tư số 32/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, hướng dẫn: “Nội dung giáo dục của địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... Nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương”. Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn “Tài liệu giáo dục địa phương” được dạy và học ở các cấp nhưng phần lớn địa phương chỉ mới áp dụng ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Nguyên nhân đầu tiên là các đơn vị giáo dục không biết tìm đâu “Tài liệu giáo dục địa phương” đúng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ví dụ, “nội dung giáo dục của địa phương” được biên soạn trước đây theo các chủ đề văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế... nhưng lại không tương ứng với bài học trong sách giáo khoa cho giáo viên giảng dạy. Nghĩa là “nội dung giáo dục của địa phương” gần như không thể tích hợp với các bộ sách giáo khoa được phép lưu hành trong nhà trường. Với tiêu chí 45 tiết học có “nội dung giáo dục của địa phương” mỗi năm thì phần lớn giáo viên không biết phải “tích hợp” ra sao cho phù hợp. Do vậy, “nội dung giáo dục của địa phương” trở thành câu chuyện “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương.

Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Long An và tỉnh Bình Dương.

Nguyên nhân tiếp theo gây trễ nải cho “nội dung giáo dục của địa phương” là quy trình xuất hiện “Tài liệu giáo dục địa phương” từ việc thẩm định giá sách đến đấu thầu in ấn và phát hành. Việc thẩm định giá và các rắc rối đấu thầu cứ kéo dài khiến nhiều đơn vị giáo dục chọn cách photo tài liệu hoặc sử dụng bản PDF để “hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Vấn đề này không đơn giản khi xét về bản quyền và chất lượng, vì “nội dung giáo dục của địa phương” được xem như tài liệu “khung” trong chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo trên các diễn đàn vẫn nhắc đi nhắc lại quá trình biên soạn, in ấn, phê duyệt “Tài liệu giáo dục địa phương” phải theo hướng đơn giản, có căn cứ pháp lý nhưng phải đúng quy định và hiệu quả. Đặc biệt, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành với mục tiêu là nhiệm vụ chính trị chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận.

Sau 5 năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư hướng dẫn, từ niên học 2024-2025, nhiều tỉnh, thành mới có những bản in đầu tiên của “Tài liệu giáo dục địa phương”, mà hai cuốn sách được ưu tiên hoàn thiện dành cho lớp 9 và lớp 12. Có lẽ, những nhà giáo dục địa phương cũng nhận ra, khóa cuối cùng bậc trung học cơ sở và khóa cuối cùng bậc trung học phổ thông mới thực sự cần đến “Tài liệu giáo dục địa phương”. Vì sao? Vì ở giai đoạn chuyển giao cấp học, mỗi học sinh có thể vận dụng hiểu biết về mảnh đất mình đang cư ngụ để có những chọn lựa hành động thích hợp, hoặc tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học, hoặc lập tức chuyển sang trường nghề. Cho nên, những người bận tâm đến giáo dục sẽ không khỏi băn khoăn khi “Tài liệu giáo dục địa phương” được áp dụng cho cả học sinh lớp 1 với mong muốn đầy lạc quan rằng, “nội dung giáo dục địa phương” sẽ được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học khác với các nội dung chủ yếu phù hợp như tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển, truyền thống quê hương; lễ hội, văn hóa - nghệ thuật, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa; phong tục, tập quán địa phương; địa lí, dân cư, cảnh quan thiên nhiên, môi trường tự nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương. Kèm theo là một số nội dung về kinh tế, xã hội, chính sách an sinh xã hội; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống; xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng kỉ cương, pháp luật; bảo vệ môi trường tự nhiên tại địa phương...

Mỗi độ tuổi có một nhận thức nhất định. Không thể đưa ra những phác thảo “vĩ mô” cho bậc tiểu học, thông qua “tài liệu giáo dục địa phương”. Nếu miễn cưỡng áp dụng, thì giáo viên cũng không biết cách nào đưa những kiến thức ấy đến học sinh ngây thơ. “Tài liệu giáo dục địa phương” trang bị cho học sinh sự hiểu biết và tình yêu quê hương là rất đúng đắn, nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học sư phạm. Bởi lẽ, “dục tốc” không chỉ “bất đạt”, mà “dục tốc” còn gây lãng phí.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều lần nhấn mạnh tính bắt buộc của “Tài liệu giáo dục địa phương”, nhưng giáo viên và học sinh vẫn không biết “Nội dung giáo dục của địa phương” là môn học hay là hoạt động. Khi đã mang tính bắt buộc thì “Tài liệu giáo dục địa phương” cũng mang tính pháp lệnh như sách giáo khoa. Do vậy, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định “nội dung giáo dục của địa phương” là tài liệu hay sách giáo khoa. Nếu giới hạn “tài liệu” sẽ mang tính tham khảo, còn định vị “sách giáo khoa” phải chú trọng hơn nữa về chất lượng biên soạn và giảng dạy.

Hiện tại, “nội dung giáo dục của địa phương” được phân công giảng dạy theo kiểu ngẫu hứng của từng đơn vị. Có nơi, một giáo viên dạy toàn bộ “nội dung giáo dục của địa phương” từ văn học, lịch sử, âm nhạc, mỹ thuật, kinh tế... Có nơi, phân ra từng lĩnh vực để giao cho các tổ chuyên môn. Chẳng có gì quá cực đoan, khi nhận xét rằng, sự rời rạc và manh mún đang ảnh hưởng đến việc tiếp nhận “nội dung giáo dục của địa phương”.

Có bột mới gột nên hồ, cốt lõi giá trị “nội dung giáo dục của địa phương” phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng “Tài liệu giáo dục địa phương”. Liệu đội ngũ chuyên viên ở mỗi tỉnh, thành có đủ năng lực để biên soạn không là một câu hỏi mà hồi đáp đầy may rủi. Bởi lẽ, ai cũng mong muốn “Tài liệu giáo dục địa phương” với tính chất đồng hành, hỗ trợ, tài liệu vừa giúp học sinh bồi đắp phẩm chất và năng lực bản thân, vừa cụ thể hóa tình yêu quê hương bằng những suy nghĩ, hành động và việc làm cụ thể, để góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hội nhập sâu rộng với các khu vực, vùng miền trên cả nước. Mục tiêu ấy đang xa vời với hầu hết “Tài liệu giáo dục địa phương” đã được in ấn và phát hành. Bởi lẽ, nhiều nội dung khá sơ sài, thậm chí còn trùng lặp giữa địa phương này với địa phương kia. Chẳng hạn, có những tỉnh được tách ra gần đây, có những phác thảo diện mạo hoàn toàn giống nhau về lịch sử, địa lý, kinh tế...

Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không bắt tay với địa phương để đưa ra những quy chuẩn cho “Tài liệu giáo dục địa phương” thì tiền của và công sức đổ vào “nội dung giáo dục của địa phương” sẽ mang hình dáng không khác một dự án ngổn ngang. Một tiêu chí nên được chủ động xây dựng ở “Tài liệu giáo dục địa phương” là tính riêng biệt và đặc thù. So với toàn quốc thì địa phương khác chỗ nào? So với khu vực thì địa phương mạnh yếu ra sao? Thậm chí, những lễ hội địa phương có yếu tố bản địa hay yếu tố du nhập? Để rạch ròi các nội dung ấy, rất cần những chuyên gia hàng đầu và một hội đồng phản biện đủ tâm, đủ tầm. Chính những nhà giáo dục địa phương hơn một lần thừa nhận, đội ngũ chuyên viên có thể biên soạn “Tài liệu giáo dục địa phương” vừa thiếu, vừa yếu thì hệ lụy tất yếu là các trang sách na ná như nhau, đơn điệu như nhau. Và, không khéo mỗi địa phương lại tự an ủi “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”.

Một trong những nội dung được yêu thích trong “Tài liệu giáo dục địa phương” là văn học nghệ thuật. Tìm được nhân vật tiêu biểu hay tác phẩm tiêu biểu về địa phương hoàn toàn không đơn giản. Bởi lẽ, nếu nhân vật hay tác phẩm đã nổi tiếng thì được trưng dụng trong sách giáo khoa rồi. Để chọn nhân vật khác hoặc tác phẩm khác sao không trông cậy vào sự tham vấn của Hội Văn học nghệ thuật địa phương và sự thẩm định của những hội chuyên ngành Trung ương? Nếu Sở Giáo dục và Đào tạo hồn nhiên “múa gậy vườn hoang” thì không thể bảo đảm chất lượng cho “Tài liệu giáo dục địa phương”.

Thúc đẩy chương trình “nội dung giáo dục của địa phương”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng cương quyết: “Không có chuyện giữa đường đứt gánh, không có đường lui, chỉ có tiến về phía trước. Không có chuyện khó lắm hay là thôi”. Sự kiên trì rất đáng hoan nghênh, nhưng không thể phó mặc mọi thách thức cho giáo viên và học sinh. 45 tiết học mỗi năm thì “Tài liệu giáo dục địa phương” phải hấp dẫn và lôi cuốn, mới phát huy hiệu quả dạy và học.

Lê Thiếu Nhơn

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/rac-roi-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-i748841/