Chấn chỉnh hoạt động các chốt kiểm dịch, giãn cách

Ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số 14017/UBND-VX về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh... Đây cũng có thể là gợi ý mở ra với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Chấn chỉnh hoạt động các chốt kiểm dịch, giãn cách

DUYÊN DUYỀN, THU BA

Thứ Tư, 22-09-2021, 16:09

+ | Print

Người dân thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) thu hoạch lúa mùa.

Người dân thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) thu hoạch lúa mùa.

“Hoa mắt, ù tai” vì... chốt!

Theo nội dung văn bản này, có nơi thành lập với số lượng chốt kiểm dịch quá nhiều, cứng nhắc cực đoan “ngăn sông, cấm chợ” gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Thực tế, dịch lan ra đến đâu, Chỉ thị 15, 16... lan ra đến đó, chốt kiểm dịch cũng thiết lập theo diện có cửa ngõ, có chốt. Bà Lê Thị Thiêm buôn bán gà, vịt ở chợ Bến Sung (Như Thanh, Thanh Hóa), cho biết: “Tại chốt, họ hỏi tôi những câu như này: Cô có giấy đi đường không? Cô đã xét nghiệm Covid-19 chưa? Cô có biết vùng của cô đang ở là vùng dịch không? Cô sang vùng khác mua gà vịt là cô mang dịch sang vùng đó cho bà con”.

Chuyện là khi bà Thiêm đi từ thị trấn Bến Sung vào xã Xuân Phúc cùng huyện để cân gia cầm cho bà con. Bà bị dừng lại tại chốt kiểm dịch ngay ngày đầu tiên thị trấn thực hiện Chỉ thị 16 về phòng, chống dịch. Bà Thiêm chưa làm được bất cứ giấy tờ gì khi giãn cách lúc 12 giờ trưa, ngay buổi chiều đó bà vào xóm khác mua hàng.

Trong đợt dịch thứ tư này, trước đó và cho đến nay, thị trấn Bến Sung chưa có ca F0, chỉ có một số F1 liên quan đến ổ dịch tại thị trấn Chuối (Nông Cống, Thanh Hóa). Các F1 này được đưa đi cách ly, các F2 đã phong tỏa tại nhà và thị trấn áp đặt giãn cách.

Chuyện phòng dịch đã được người dân hiểu, phòng ngự, chống, tránh dịch. Người dân vẫn phải thực hiện cuộc sống đối lưu thương mại, sản xuất, nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Nhưng chỉ thị đưa ra, chốt lập ra và hàng loạt yêu cầu phải có lập tức được đặt ra.

Trở lại câu chuyện của bà Thiêm. Tại trạm phòng dịch, họ nói, bà gọi điện thoại kêu người bán gà vịt đưa ra trạm kiểm dịch. Bà Thiêm trình bày: “Các anh biết đấy, khi người trong thôn bán gà vịt là lúc họ cần tiền cho sinh hoạt mắm muối bữa ăn, thuốc men đau ốm. Nhà bán dăm con, nhà bán vài con. Có phải nuôi đàn bán lứa đâu mà kêu họ ra trạm. Khổ thân người ta”.

Thực tế, các trạm kiểm dịch trong nông thôn là những người địa phương được cử ra gác trạm. Tuy nhiên, với cách làm có phần máy móc và đâu đó vẫn được người dân phản ảnh cảnh một người qua trạm ba bốn người chụm đầu vào xét giấy, xét hỏi theo cách thẩm vấn, răn đe, mà không nhẹ nhàng, căn dặn người dân phòng dịch. Đây cũng là điểm gây ra mâu thuẫn nhỏ, bức xúc nhỏ trong đời sống thôn quê.

Trong nội dung văn bản trên của tỉnh Thanh Hóa có nhắc nhở: “Các chốt kiểm dịch Covid-19 phải thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí, tốn kém và phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; bảo đảm an ninh trật tự tại các chốt và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe các thành viên trong quá trình làm nhiệm vụ”.

Tính lại để dân vui

Thực ra, cách thiết lập các chốt kiểm dịch ở nông thôn với mong muốn lực lượng tại chốt phải nắm rõ diễn biến tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn trong tỉnh và cả nước, để áp dụng các biện pháp phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, linh hoạt tình huống, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, viên chức, người lao động, người đang thực thi nhiệm vụ được lưu thông nếu có đủ điều kiện, tránh gây mất an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Dịch Covid-19 cũng tạo ra những nghi kỵ, định kiến. Nhiều người sinh sống, kinh doanh ở Hội An (Quảng Nam) muốn đi sang Đà Nẵng một cách dễ dàng nhưng nhiều chốt kiểm dịch gây khó dễ. Và ngược lại, những người con, người cháu trọ học bên Đà Nẵng đã hơn hai tháng chưa được về nhà cũng đầy những nỗi niềm. Việc kiểm tra giấy đi đường tại các trạm kiểm dịch đang là nỗi lo lắng cho nhiều người. Anh Nguyễn Thành Đông, bán quần áo (Lý Thường Kiệt, Hội An), cho biết: “Với các bản tin của Chính phủ trong những ngày gần đây, nếu địa bàn có F0, chỉ phong tỏa diện hẹp khiến tôi thấy vui!”.

Cuộc sống đang dần trở lại bình thường với người dân thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) trong những ngày gần đây, tạo sinh khí mới cho bà con. Người đi chợ, người đến công trường, nhà máy vẫn ghi nhớ những biện pháp phòng dịch cho mình và cộng đồng.

Nhiều địa phương đã từng thực hiện theo cách: một khu phố có dịch - phong tỏa một phường; một thị trấn có dịch - phong tỏa cả huyện. Việc này khiến nhiều người nông dân chịu “cứng” và lo lắng về đồng lúa, hoa màu đến kỳ thu hoạch. Nhiều người đang dự định xuống giống cho dịp Tết mong kiếm chút tiền chi tiêu.

Xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) từng là “điểm nóng” của dịch Covid-19. Nhưng từ khi được gỡ phong tỏa, người dân đã ra đồng, đi đánh bắt hải sản, nhưng vẫn nâng cao ý thức phòng dịch. Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Vũ Minh Tâm cho biết: “Hiện các ngân hàng đóng chân trên địa bàn đã triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người dân có vốn mua con giống, ngư lưới cụ, đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, người dân ở các xã, phường ven biển đang cải tạo ao hồ để chuẩn bị nuôi trồng thủy sản vụ mới”.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-xahoi/chan-chinh-hoat-dong-cac-chot-kiem-dich-gian-cach-666169/