Chăn nuôi theo chuỗi liên kết có là giải pháp khả thi?
Trước tình trạng chăn nuôi bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra, việc nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn là một cách lựa chọn được xem là tối ưu.
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thức ăn chăn nuôi đã 3 lần tăng giá và hiện đang cao hơn đến 30% so với thời điểm này năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá gà công nghiệp lại giảm sâu, chỉ còn 23.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá 1 kg rau xanh. Nếu tình hình không được cải thiện thì nhiều hộ chăn nuôi sẽ bị lỗ nặng và sẽ có nhiều trại gà "treo chuồng".
Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ trại chăn nuôi ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai có 120.000 con gà công nghiệp lông trắng. Giá thức ăn cho gà sau 3 lần nhích lên đã tăng từ 9.000 đồng/kg lên hơn 11.500 đồng/kg. Với mức tăng này, mỗi tháng trại gà của anh Phúc phải bỏ ra thêm hơn 900 triệu đồng tiền thức ăn cho gà.
Trong khi đó, giá gà công nghiệp lại giảm mạnh, từ mức 33.000 đồng/kg xuống còn 23.000 đồng/kg như hiện nay. Với giá gà này, người chăn nuôi lỗ 7.000 đồng/kg và lứa gà đang xuất chuồng của anh Phúc lỗ khoảng 1,8 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, 9 dãy chuồng nuôi gà công nghiệp của trang trại anh Phúc đành bỏ trống.
“Tôi hi vọng giá thức ăn gia súc cũng như các yếu tố đầu vào cấu thành giá thành chăn nuôi không tăng. Cùng với đó, giá đầu ra của con gà cần khởi sắc hơn, phải đạt ở mức từ 30.000 – 31.000 đồng/kg để phù hợp với giá thức ăn, giúp người dân duy trì quá trình chăn nuôi. Với mức chênh lệch giá như hiện nay, trang trại đang lỗ nặng và nếu tình hình này kéo dài thêm 1-2 lứa gà nữa tôi sẽ ngưng nuôi", anh Phúc chia sẻ.
Theo một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn tăng ngất ngưởng là do nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng cao lên đến 80%. Sau mấy đợt tăng giá, hiện nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng đạt đỉnh nên có thể giá thức ăn chăn nuôi sẽ không có khả năng tăng tiếp trong thời gian tới. Nhưng để giảm được giá thức ăn chăn nuôi thì rất khó, phải cần có thời gian vì một số doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay đã nhập những lô nguyên liệu giá cao.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chỉ cần giá thức ăn giữ được ở mức như hiện nay đã là điều đáng mừng, nhưng không có giữ được ở mức này hay không khó có thể biết trước. “Tôi nghĩ vì sự cạnh tranh, các doanh nghiệp thức ăn gia súc phải chấp nhận thua lỗ hoặc huề vốn để vượt qua khó khăn. Hiện giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của thế giới đã qua đỉnh, giá thức ăn của Việt Nam cũng phải dừng lại, vì sự cạnh tranh chắc cũng không có doanh nghiệp nào dám tăng giá nữa”, ông Bình nhận định.
Các loại thức ăn gia súc đồng loạt tăng giá, nhưng giá gà thương phẩm giảm mạnh khiến nhiều người nuôi gà lỗ nặng đã phải “treo” chuồng, giãn thời gian nuôi hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài để đỡ lo lắng về giá cả đầu ra, đầu vào. Bởi khi nuôi gia công, người chăn nuôi chỉ cần nuôi đạt năng suất, tỷ lệ hao hụt thấp thì sẽ có lợi nhuận.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch hiệp Hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết, qua các đợt tăng già thức ăn vừa rồi, nhiều trại chăn nuôi đã phải "treo" chuồng. Chính vì thế hiện nay, chăn nuôi theo chuỗi liên kết, tức là nuôi gia công trở thành mô hình chăn nuôi tiên tiến và bền vững. “Chúng ta đưa người chăn nuôi vào chuỗi liên kết thì đầu vào và đầu ra đã cố định, lợi nhuận nhuận bao nhiêu người nuôi cũng biết trước, nếu chăn nuôi năng suất tốt thì lợi nhuận sẽ tốt”, ông Quyết cho biết.
Trước tình trạng chăn nuôi bấp bênh cả về đầu vào lẫn đầu ra, việc nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn là một cách lựa chọn được xem là tối ưu nhất của người chăn nuôi hiện nay./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chan-nuoi-theo-chuoi-lien-ket-co-la-giai-phap-kha-thi-842837.vov