Chàng trai Pa Cô và niềm đam mê 'làm phim'

Như một nỗ lực gìn giữ cội nguồn, rời giảng đường, chàng trai Hồ Tu Pông Ngởi lặn lội khắp các bản làng vùng Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) để tìm hiểu, ghi lại rồi chiếu miễn phí những thước phim về cuộc sống của người Pa Cô bên bờ sông biên giới Sê Pôn.

Hồ Tu Pông Ngởi (người cầm chiếc giỏ, đứng phía sau) trong một lần đưa du khách nước ngoài đến trải nghiệm kỹ thuật đan lát truyền thống của người Pa Cô ở xã Lìa. Ảnh: Trúc Hà

Hồ Tu Pông Ngởi (người cầm chiếc giỏ, đứng phía sau) trong một lần đưa du khách nước ngoài đến trải nghiệm kỹ thuật đan lát truyền thống của người Pa Cô ở xã Lìa. Ảnh: Trúc Hà

Những năm qua, chàng trai ấy đã gác lại mọi dự định riêng, lặng lẽ thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết với mong muốn thế hệ trẻ luôn yêu và chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, thế nhưng Hồ Tu Pông Ngởi (ở thôn A Mor, xã Lìa) không chọn con đường dạy học mà khăn gói về lại miền rừng quê mình bắt đầu những ngày miệt mài khoác ba lô trên vai, tìm đến các bậc già làng để tìm hiểu về truyền thống văn hóa của đồng bào Pa Cô.

Những năm qua, cuộc đổ bộ của công nghệ số kéo lớp trẻ dần rời xa văn hóa truyền thống, nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc được các thế hệ đi trước cố công gìn giữ đang bị mai một, dần rơi vào quên lãng. Ngởi đau đáu với điều đó và quyết tâm làm cầu nối để níu họ lại với cội nguồn của mình. Và rồi, chàng trai Pa Cô này đã nghĩ đến việc... “làm phim” về quê hương, đồng bào mình. Với số tiền ít ỏi gom góp được, Ngởi mua chiếc máy tính rồi tập tành dựng phim.

Năm 2010, Tổ chức Hợp tác y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) có dự án hỗ trợ cho đồng bào miền núi, Ngởi được ký hợp đồng làm cộng tác viên và được cho mượn máy tính, máy quay phim, tham gia khóa học dựng phim 3D. Ban đầu, Ngởi ra dọc bờ sông Sê Pôn - nơi bà con và trẻ em hay tập trung lấy nước sinh hoạt, dùng điện thoại quay lại rồi về dựng thành các video ngắn để tuyên truyền cho bà con về nếp sống sạch sẽ trong sinh hoạt hằng ngày.

Bao đời nay, bà con Pa Cô vùng Lìa đều lấy nước sinh hoạt từ sông Sê Pôn. Thế nhưng, cứ đến mùa mưa lũ là nước đục ngầu. Những lúc ấy, bà con phải đi rất xa mới có nước để dùng. Từ những thước phim của Ngởi, Tổ chức Hợp tác y tế Hà Lan-Việt Nam (MCNV) đầu tư xây dựng 2 hệ thống lọc nước để cung cấp nước sạch cho người dân. Một hệ thống đặt ngay nhà Ngởi để khi bà con đến lấy nước thì tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh nguồn nước, hệ thống còn lại được đặt ở Trung tâm văn hóa thôn A Mor.

Từ đấy, mùa mưa cũng như mùa nắng, bà con dân bản không còn phải lo lắng về chuyện thiếu nước vì bất cứ lúc nào cũng có thể đến để lấy nước sạch từ hệ thống nước lọc về phục vụ sinh hoạt, ăn uống.

Năm 2015, Ngởi thành lập nhóm phát triển cộng đồng Akay Vel (con của bản). Có 15 thanh niên trong xã là thành viên cố định, tham gia đầy đủ các hoạt động tuyên truyền, gìn giữ những nét đẹp văn hóa cộng đồng của đồng bào. Ngởi đã cho ra đời nhiều video để tuyên truyền cho bà con ở vùng Lìa như: “Đôi dép cho em”; “Người khuyết tật với nước sạch”; “Phòng tránh giun móc ở trẻ em”... Mỗi tác phẩm hoàn tất, Ngởi lại đi đến các thôn, bản trong xã rồi cho bà con dân bản xem.

Hồ Văn Xươn - thành viên của nhóm Akay Vel, đồng thời là nhân vật chính trong nhiều video chia sẻ: “Tôi thấy việc làm của Ngởi giúp ích rất nhiều cho bà con nên tôi tình nguyện tham gia. Tôi tin, cùng với Ngởi, mỗi người trẻ tự hào về truyền thống của dân tộc mình, sẽ góp sức cùng xây dựng bản làng giàu đẹp”. Phim của Ngởi được bà con và nhất là lớp trẻ đón nhận nên dần dần đã có những thay đổi trong nhận thức của bà con.

Hồ Tu Pông Ngởi (người đeo máy ảnh) trong một lần vượt núi khám phá nét đẹp của quê hương. Ảnh: Vĩnh Yên

Hồ Tu Pông Ngởi (người đeo máy ảnh) trong một lần vượt núi khám phá nét đẹp của quê hương. Ảnh: Vĩnh Yên

2 năm trước, Ngởi làm cộng tác viên Đội chiếu phim lưu động thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị. Mỗi tháng có đến hơn 2 tuần, Ngởi băng rừng, lội suối cùng đội đến các bản làng vùng sâu, vùng xa nhất để chiếu phim cho bà con xem. Công việc vất vả, nhất là những chuyến đi gặp mưa rừng, những dòng suối hiền hòa trở nên hung dữ, hiểm nguy rình rập.

Thế nhưng, Ngởi vẫn thấy vui vì theo Ngởi: “Bà con được xem phim, hiểu thêm về đời sống, tiếp cận được nhiều chính sách, biết được các kỹ thuật canh tác... để thay đổi cuộc sống của mình là niềm hạnh phúc của người làm nghề chiếu bóng lưu động. Đặc biệt, mỗi lần đến các bản làng, tôi lại có thêm được những câu chuyện hay về dân tộc mình”.

Trong mỗi việc làm, Hồ Tu Pông Ngởi đều hướng tới trẻ em. Năm 2019, với phần quà 10 triệu đồng nhận được từ Chương trình “Điều ước thứ 7”, Ngởi đã đầu tư mua hàng trăm đầu sách. Một căn phòng nhỏ được dựng lên ngay trên mảnh đất phía trước nhà để làm thư viện. Từ đó, mỗi ngày tan học, lũ học trò ở A Mor đều rủ nhau tập trung về thư viện của Ngởi. Sau khi nghe Ngởi hướng dẫn cách tra cứu danh mục, chọn sách phù hợp với lứa tuổi, đám trẻ ngồi yên lặng, chăm chú vào từng trang sách cho đến lúc có tiếng gọi giục về của bố mẹ.

“Nay thư viện có hơn 1.000 đầu sách. Chỉ có sách mới giúp khơi thông, bồi đắp tri thức cho lớp trẻ để xây dựng tương lai. Tôi mong, các bạn trẻ sẽ tìm được lối đi, chân lý của cuộc sống cũng như bồi đắp đủ kiến thức, bản lĩnh để vững vàng xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp” - Ngởi tâm sự.

Biết rằng, việc giữ gìn và tiếp nối những nét đẹp truyền thống văn hóa chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhưng ở Ngởi, ngọn lửa nhiệt huyết vẫn không ngừng cháy. Nhiệt huyết của chàng trai ấy rõ ràng, mồn một để bất cứ người nào tiếp xúc xong cũng tin nếu có thêm những người như Ngởi thì thời gian hay sự xâm nhập văn hóa khác cũng khó làm tàn lụi được bản sắc của đồng bào Pa Cô bên con sông biên giới Sê Pôn này.

Nói về dự định tương lai, Hồ Tu Pông Ngởi bảo: “Gần chục năm nay, cùng với việc tìm đến các già làng để nghe, ghi chép lại các nét đẹp truyền thống văn hóa của bản làng, đồng bào Pa Cô, tôi ấp ủ khát vọng tái dựng các nghi lễ, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình như các điệu múa, thổi khèn, đánh chiêng... Nhưng đó là cả hành trình dài, cần sự kiên trì và bền bỉ”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chang-trai-pa-co-va-niem-dam-me-lam-phim-post451397.html