'Chắp cánh' cho quả vải, nhãn vươn ra thị trường quốc tế
Quả vải, nhãn sắp bước vào vụ thu hoạch chính, Bộ Công Thương cùng các địa phương đang tích cực thúc đẩy tiêu thụ cho những sản phẩm này.
Sẵn sàng cho mùa vụ thành công
Báo cáo tại hội nghị “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn”, diễn ra chiều 31/5, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Thời gian qua địa phương tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2023 cao nhất từ trước đến nay. “Ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn; thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7/2023”- ông Tấn thông tin.
Năm nay, thị trường xuất khẩu của vải thiều Bắc Giang, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia; UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Theo ông Tấn, để chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện như: Bảo đảm nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác... “Bắc Giang cam kết: Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thương nhân đến Bắc Giang thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn”- ông Tấn nhấn mạnh.
Đối với tỉnh Hải Dương, ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho hay: Hiện nay, tỉnh Hải Dương có gần 9.000 ha vải, trong đó vải sớm chiếm khoảng 30%, vải thiều chính vụ chiếm 70%. Năm 2023, vải của tỉnh dự kiến khoảng 61.000 tấn; trong đó, vải sớm khoảng 31.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 30.000 tấn. Vải của Hải Dương hầu hết được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có 500 ha vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Ngoài ra, hiện toàn tỉnh Hải Dương có 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường; trong đó Trung Quốc là 13 mã, còn lại là Hoa Kỳ, Úc, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan. Vải của Hải Dương mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch vải sớm bắt đầu từ ngày 15/5 đến ngày 05/6. Vải thiều chính vụ bắt đầu thu từ ngày 05/6 đến hết tháng 6/2023, tập trung trong khoảng từ 10-20/06/2023.
Năm 2023, tỉnh Hưng Yên có 2 loại vải là vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên với tổng diện tích canh tác 1.100 ha, sản lượng khoảng 12.700 tấn, trong đó: Vải lai chín sớm Phù Cừ có diện tích canh tác 850ha, sản lượng 12.500 tấn, thời điểm thu hoạch vào nửa cuối tháng 5/2023; Vải trứng Hưng Yên có diện tích canh tác 250ha, sản lượng 200 tấn, thời điểm thu hoạch cuối tháng 5 - đầu tháng 6/2023.
Đối với trái nhãn, hiện có diện tích canh tác toàn tỉnh trên 4.730ha, tổng sản lượng khoảng 45.000 tấn (giảm khoảng 10% so với năm 2022). Thời điểm thu hoạch đối với trà nhãn sớm khoảng nửa cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2023, sản lượng khoảng 9.000 tấn; trà chính vụ từ giữa tháng 7 đến tháng 8/2023 sản lượng khoảng 28.500 tấn; trà muộn nửa cuối tháng 8 đến đầu tháng 10/2023, sản lượng khoảng 7.500 tấn.
Ông Trần Văn Cường – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên thông tin, thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho vải, nhãn đã được địa phương triển khai mạnh mẽ. Qua việc tổ chức các phiên chợ xúc tiến thương mại quả vải; tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại cho nhãn lồng. Đặc biệt, Sở Công Thương Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản năm 2023, nhằm kết nối các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản.
Kiến nghị gỡ khó để đẩy mạnh tiêu thụ
Hiện các địa phương đã sẵn sàng và kỳ vọng cho một mùa vụ thu hoạch thành công, mang về nhiều "trái ngọt". Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tiêu thụ và xuất khẩu.
Ông Trần Quang Tấn nêu, hiện chi phí vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không cao; chưa triển khai công nghệ bảo quản vải thiều để vận chuyển bằng đường biển; tình trạng việc ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc hằng năm vẫn diễn ra; việc chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội để sang thị trường Hoa Kỳ đang trong quá trình triển khai; năng lực trong việc tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác của các doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế; vải thiều vẫn chủ yếu được tiêu thụ, xuất khẩu quả vải tươi.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hảo cũng chỉ ra một số khó khăn đối với doanh nghiệp địa phương như năng lực tiếp cận và đàm phán ký kết xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế; tình hình kinh tế các nước EU khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng quả vải, nhãn từ Việt Nam, còn nhiều rủi ro về thanh toán tại một số thị trường...
Trước tình hình đó, đại diện các địa phương đề xuất, kiện nghị các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.
Cụ thể, ông Trần Quang Tấn kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục tiếp tục đàm phán để tạo điều kiện cho xuất khẩu vải thiều, thúc đẩu tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động xúc tiến vải thiều trong và ngoài nước. Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, tiếp tục giúp tỉnh Bắc Giang trong việc kết nối giao thương; thông tin đến các doanh nghiệp, thương hội, thương nhân sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; trao đổi với chính quyền, các cơ quan chức năng của Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về bố trí kho, bãi tập kết vải thiều, giải quyết thủ tục hành chính, bố trí làm thêm giờ để tăng thời gian thông quan, ưu tiên thông quan, phân luồng riêng cho các xe chở vải thiều khi nhập khẩu vào Trung Quốc. Tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch trái vải thiều tươi với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại, liên minh hợp tác xã các tỉnh thành phố, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp: Hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân sớm kết nối, bàn bạc, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời có kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.
Đại diện tỉnh Hải Dương cũng đề xuất, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần có đánh giá thị trường, thị hiếu của các quốc gia để đưa ra khuyến nghị kinh doanh phù hợp cho doanh nghiệp, có các hoạt động cụ thể để tận dụng các hiệp định thương mại tự do…; cảnh báo sớm các nguy cơ về điều tra phòng vệ thương mại; tiếp tục cung cấp thông tin thị trường; đầu mối nhập khẩu nông sản để kết nối trực tiếp với các nhà cung cấp, tiêu thụ. Về thị trường trong nước, Sở Công Thương các địa phương, sàn thương mại điện tử… tích cực kết nối các doanh nghiêp, hợp tác xã để tiêu thụ vải thiều tốt hơn.
Riêng đối xúc tiến tiêu thụ quả nhãn tại thị trường Nhật Bản, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp có kinh nghiệm, công nghệ và thế mạnh trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhãn và nông sản; quan tâm hỗ trợ, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến vải, nhãn và nông sản về tìm hiểu đầu tư tại Hưng Yên, hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh đồng bộ giữa người sản xuất, người phân phối và người tiêu dùng. Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ Hưng Yên phát triển thương mại điện tử nói chung, việc quảng bá, giới thiệu.
Tại hội nghị, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, năm 2022 miền Bắc và Tây Nguyên có 55.500ha diện tích trồng vải, năng suất đạt 374.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu trái vải năm 2021 đạt 48 triệu USD, năm 2022 sụt gần 42% so với năm trước. Nguyên do, Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid khiến xuất khẩu qua biên giới rất khó khăn. Thương lái thu mua trái vải của Trung Quốc không qua Việt Nam thu mua và thực hiện các hợp đồng.
Với các thị trường khác như Mỹ, EU chi phí logistics quá cao do phải vận chuyển bằng máy bay ảnh hưởng tới sức cạnh tranh về giá của sản phẩm. Với trái nhãn, theo thống kê Việt Nam có 81.300 ha diện tích trồng, sản lượng 624.000 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu nhãn năm 2021 đạt 23,3 triệu USD, năm 2022 giảm 40% còn 14 triệu USD. Tương tự trái vải, chính sách zero Covid là nguyên nhân khiến xuất khẩu vải giảm sút mạnh. Cùng đó, ngày 27/10/2022 Trung Quốc ký nghị định thư cho phép Campuchia xuất khẩu chính ngạch nhãn sang Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu trái cây này giảm.
Năm 2023 Trung Quốc bỏ chính sách zero Covid và mở cửa khẩu là điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam đẩy mạnh trở lại xuất khẩu quả vải, nhãn sang thị trường này. Mặt khác, mùa vải của Việt Nam đúng vào thời điểm cuối mùa vải của Trung Quốc cũng là cơ hội tốt cho vải của Việt Nam chen chân vào thị trường tỷ dân này.
Vì vậy, để tiêu thụ tốt trái vải và nhãn, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: Doanh nghiệp, hợp tác xã cần nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGap; tạo thuận lợi cho thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc qua Việt Nam mua bán, ký đơn hàng. Giảm cước phí vận chuyển nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. “Bộ Công Thương làm việc với cơ quan hải quan mở một cửa khẩu riêng cho trái nhãn và vải để thuận lợi cho thông quan, hạn chế thời gian chờ đợi do loại nông sản này rất khó bảo quản và nhanh hỏng” - ông Đặng Phúc Nguyên đề xuất.
Thương vụ phát huy vai trò kết nối thị trường
Hoa Kỳ hiện là thị trường tiềm năng đối với nông sản Việt Nam, trong đó còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ với nhu cầu đa dạng, ngày càng chú trọng các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe. Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của nước Mỹ.
Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường tiềm năng này, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, có một số trở ngại, như: Khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài; chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc. Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mexico có nhiều kinh nghiệm, hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp.
Để tháo gỡ rào cản đối cho nông sản Việt Nam, ông Hưng thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước từng bước tháo gỡ khó khăn nhằm mở rộng thị phần quả vải tại thị trường Hoa Kỳ, trong đó tham mưu và đề xuất cơ chế nhằm giải quyết vướng mắc liên quan đến việc tham gia của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vào chương trình tiền chứng nhận của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS). Đàm phán với APHIS và được phép bổ sung thêm 1 đầu mối đối tác là doanh nghiệp của Bắc Giang vào danh sách Corporator thay mặt Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội ký kết thỏa thuận với APHIS về việc chứng nhận cơ sở chiếu xạ xuất khẩu vải sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, một số thương vụ cũng khuyến nghị tới doanh nghiệp, địa phương một số giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu quả vải, nhãn sang các thị trường tiềm năng. Như, ông Lê Phú Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho hay, để mở rộng xuất khẩu nhãn, vải nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh vơi sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ông Cường lưu ý thêm, thị trường nhãn của Malaysia, Thái Lan gần như độc quyền tuy nhiên dung lượng thị trường mặt hàng nhãn rất lớn. Đây là điều đáng lưu ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn của Việt Nam. Ngoài ra, hiện Chính phủ Malaysia đang thúc đẩy áp dụng chứng chỉ Halal với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp trong nước nên chú ý vấn đề này. Theo đó, cần xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, cần chú ý định vị sản phẩm vải, nhãn ở phân khúc thị trường cao cấp hoặc trung bình để đưa vào hệ thống phân phối phù hợp.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Quân – Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc), các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc. Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương.
Theo bà Đinh Thị Hoàng Yến – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo, hiện hoa quả tươi của Việt Nam xuất hiện rất ít ở thị trường Áo, thỉnh thoảng siêu thị Áo có một số hoa quả nhiệt đới như bưởi, dừa tươi, thanh long, xoài, đu đủ... nhưng không phải là hàng Việt Nam.
Theo bà Yến, vải và nhãn của Việt Nam thơm ngon nhiều chất dinh dưỡng và vitamin. Tuy nhiên, các loại quả này có thời hạn bảo quản không dài. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm tuyến đường hàng không nhanh, thuận tiện và chi phí thấp nhất để có giá chào cạnh tranh. Đồng thời, cần có kỹ thuật, phương pháp bảo quản lâu (kể cả tươi và đóng hộp) để bảo đảm mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng.
“Trước mắt, Thương vụ đã giới thiệu hàng mẫu với cửa hàng châu Á và tiếp tục tận dụng các cơ hội tiếp thị cho sản phẩm Việt Nam để người tiêu dùng biết đến loại trái cây còn mới mẻ này. Về lâu dài, Thương vụ sẽ nghiên cứu tiếp cận với hệ thống siêu thị của Áo để tăng số lượng tiêu thụ. Đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ gửi hàng mẫu đảm bảo chất lượng tốt nhất để giới thiệu với khách hàng”- bà Yến cho biết.
Tại Hội nghị, đề cập đến tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu tại một số địa phương, ông Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho hay: tình trạng này hiện đã tương đối ổn định. Số lượng xe chờ thông quan đã bắt đầu giảm so với ngày 23/5. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thông quan tại các cửa khẩu để thông tin kịp thời tới các địa phương.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ châu Á - châu Phi, một số cửa tại Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai phía Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu hàng trái cây, doanh nghiệp có thể đàm phán với đối tác chuyển địa điểm nhập khẩu, tránh tình trạng ùn tắc.
Còn bà Nguyễn Thảo Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đánh giá, thị trường châu Âu, châu Mỹ do khoảng cách địa lý nên hàng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường này. Vì vậy, doanh nghiệp cần định vị cụ thể phân khúc cao cấp hay trung bình cho sản phẩm vải, nhãn để có định hướng quảng bá, tiêu thụ phù hợp. Theo bà Hiền, kinh nghiệm cho thấy với trái vải tươi có thể định vị ở phân khúc cao cấp, đóng gói 10 quả/hộp, tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, doanh nghiệp cần theo dõi sát sao những thay đổi trong quy định với mặt hàng xuất khẩu để có sự điều chỉnh phù hợp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp, sự hỗ trợ nhiệt tình, chủ động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở ngoài nước, trong đó các đơn vị đã phối hợp, cung cấp các thông tin rất cụ thể về xu hướng, nhu cầu thị trường, các yêu cầu, quy định về xuất khẩu đối với nông sản nói chung và quả vải, nhãn nói riêng. Theo Thứ trưởng, đây là cơ sở cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược xuất khẩu, sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, Thứ trướng nhấn mạnh, với mặt hàng có tính mùa vụ như vải và nhãn, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị cần chanh chóng có biện pháp để đảm bảo tiêu thụ, xuất khẩu hiệu quả.
Về phía cơ quan chức năng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ mặt hàng vải và nhãn nói chung và trái cây nói riêng, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị Bộ Công Thương cần tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình các sản phẩm nông sản, trái cây khi đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ.
Đối với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng đề nghị cần tăng cường theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn điều kiện xuất khẩu và chính sách đối với từng mặt hàng chủ lực, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để có định hướng và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
“Đặc biệt, các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Cục Xúc tiến thương mại phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các kỳ giao ban trước, có các giải pháp tháo gỡ từ các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu chính sách, dự báo nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải yêu cầu.