Chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số
Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trường đã và đang ươm mầm, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
CÓ VIỆC LÀM ỔN ĐỊNH KHI RA TRƯỜNG
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang được 5 năm, hiện anh Danh Phúc Nghiêm (25 tuổi), ngụ xã Vĩnh Phước B (Gò Quao) có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng với nghề thú y.
Có thu nhập ổn định và được sống gần gia đình, anh Nghiêm cho biết: “Quá trình học tại trường tôi được thầy cô rèn luyện nhiều kỹ năng, thường xuyên được thực hành, đi thực tế nên dễ dàng làm quen với công việc. Sau tốt nghiệp, tôi vừa làm vừa học liên thông lên cao đẳng. Khi tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn tôi về quê mở cơ sở bán thức ăn cho động vật và dịch vụ chăm sóc thú nuôi. Hiện tôi có thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng và có thời gian phụng dưỡng cha mẹ đã cao tuổi”.
Mỗi năm Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang có trên 87% học sinh tốt nghiệp trung cấp có việc làm với thu nhập bình quân từ 6-15 triệu đồng/tháng. Hơn 14 năm hoạt động, hàng ngàn học sinh của trường thực hiện được ước mơ của mình. Nhiều gia đình có 3-4 thành viên học tại trường đều có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Gia đình ông Danh Mạnh (68 tuổi), ngụ xã Đông Yên (An Biên) có 4 người con học tại trường. Hiện có hai người làm giáo viên, một người làm y sĩ, một người công tác trong ngành công an. Đối với ông Mạnh, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang là nơi chắp cánh ước mơ cho các con ông.
Ông Mạnh kể gia đình hoàn cảnh khó khăn, lại đông con nên ông rất lo lắng cho con đường học hành của các con. May mắn khi lần lượt bốn người con của ông được học tại Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh.
“Là đồng bào Khmer nên các con tôi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi khi học tại trường. Không chỉ được miễn học phí, các con còn được nhận tiền hỗ trợ và học bổng. Trong thời gian các con học tại trường tôi rất an tâm vì được thầy cô quan tâm, tạo điều kiện học tập. Học ở trường không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn dễ dàng liên thông lên cao đẳng, đại học hoặc tìm kiếm việc làm. Nhờ vậy đến nay các con tôi đều có sự nghiệp ổn định và thành đạt”, ông Mạnh nói.
HƯỚNG TỚI TRƯỜNG NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO
Là đơn vị đào tạo nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên. Trường miễn học phí cho 100% học sinh trung cấp; thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao và tuyên truyền pháp luật.
Năm học 2023-2024, trường phát học bổng hàng tháng, đồ dùng cá nhân, khám sức khỏe, thẻ bảo hiểm y tế, tiền tàu, xe cho 182 học sinh thuộc chính sách nội trú với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; vận động doanh nghiệp hỗ trợ 20 học sinh vượt khó học tốt, với số tiền 100 triệu đồng; xác nhận đơn cho hơn 150 học sinh, sinh viên vay vốn…
Năm học 2023-2024, trường phối hợp quản lý, đào tạo 41 lớp, với 1.171 học sinh trung cấp; 5 lớp cao đẳng, đại học, với 115 sinh viên. Về đào tạo hệ giáo dục thường xuyên, hiện trường có 784 học sinh đang theo học. Trường còn tổ chức đào tạo cho trên 2.700 học viên trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng. Năm 2024, trường có 223 học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ đậu tốt nghiệp đạt 99,6%.
“Để giúp học sinh tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, trường định kỳ phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng lao động tổ chức các buổi tuyển dụng; làm cầu nối giữa doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyển sinh xuất khẩu lao động đi một số thị trường tiềm năng như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…”, thầy Đỗ Anh Khoa - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cho biết.
Theo thầy Đỗ Anh Khoa, thời gian tới trường tập trung thực hiện công tác kiểm định chất lượng, đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn để tiến tới xây dựng trường trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao. Trường tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, đào tạo; quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên và học sinh… Mục tiêu của trường là trở thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong lĩnh vực kinh tế, du lịch; phấn đấu nâng cấp thành trường cao đẳng, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống các trường đào tạo nghề của tỉnh.