Chất lượng + mẫu mã đẹp tạo thành công cho sản phẩm cà phê nguyên chất
Sau nhiều năm gắn bó với việc trồng cà phê, chị Lê Thị Hoài Lệ ở xã Ea Ngai, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) nhận thấy, trong khi giá cà phê thô liên tục biến động thì giá cà phê thương phẩm vẫn luôn ổn định. Đồng thời, trước tình trạng cà phê bẩn tràn lan trên thị trường, chị đã có ý định sản xuất cà phê nguyên chất từ cà phê hạt do gia đình làm ra.
Để biến những ý tưởng trên giấy thành hiện thực và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm cà phê nguyên chất, giữ được hương vị tự nhiên, an toàn với sức khỏe, chị Lệ đã lặn lội xuống tận TPHCM tìm hiểu và học hỏi cách chế biến ở một số cơ sở sản xuất cà phê thương phẩm. Sau khi nắm vững kỹ thuật cơ bản cùng kinh nghiệm của bản thân, năm 2017, chị quyết định mở cơ sở sản xuất cà phê nguyên chất mang thương hiệu Rin Coffee. Ngoài ra, chị còn đầu tư một chiếc máy rang xay cà phê trị giá 25 triệu đồng (mỗi mẻ rang được 4kg cà phê) phục vụ kinh doanh.
Về nguồn nguyên liệu, chị Lệ đã sử dụng cà phê hạt từ khu vườn rộng 2ha của gia đình sau khi đã lựa chọn kỹ càng. Không chỉ chú trọng chất lượng, chị còn thiết kế bao bì riêng cho sản phẩm của mình. Trên mỗi bao bì đều in rõ các thông số, tiêu chuẩn như thành phần, nhiệt độ khi rang, thời gian bảo quản...
Cà phê sau khi rang xay được chị Lệ đóng thành từng gói 0,5kg để chuyển đến khách hàng. Theo chị Lệ, 200-213 độ C là nhiệt độ lý tưởng để cà phê đạt được màu sắc đặc trưng và có vị thơm ngon, đậm đà. Thế nhưng, khi đã làm ra sản phẩm, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là khâu tiếp cận thị trường, làm sao để thay đổi thói quen và gu thưởng thức của người tiêu dùng. Chị Lệ đã phải dành nhiều thời gian tư vấn, giải thích để khách hàng phân biệt được cà phê nguyên chất và cà phê pha trộn.
Theo chị Lệ, cà phê nguyên chất sẽ có màu nâu cánh gián, khi pha không bị sánh đặc, thơm dịu chứ không nồng. Với chất lượng sản phẩm cùng với mẫu mã đẹp, dần dần Rin Coffee đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Những người khách quen sau khi mua hàng đã giới thiệu cho bạn bè, người thân tìm mua sản phẩm của chị Lệ để sử dụng và làm quà biếu, giúp chị ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng. Nhờ đó, từ chỗ lúc đầu bán được 20-30 kg/tháng đến nay đã tăng lên vài trăm kg/tháng.
Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị xuất ra thị trường trên 2 tạ cà phê thành phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân trong vùng, đồng thời cung cấp cho một số quán cà phê ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), TPHCM và Hà Nội, với giá bán dao động từ 85-100 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, chị còn làm dịch vụ gia công, đóng gói cà phê với giá 10-15 nghìn đồng/kg. Theo chị Lệ tính toán, thay vì bán cà phê nhân thô khoảng 3,5 triệu đồng/tạ như hiện nay thì với 1 tạ cà phê hạt sau khi rang xay thu được khoảng 70kg cà phê thương phẩm, sau khi chi phí, người làm vẫn có thể thu lãi thêm từ 2-3 triệu đồng.
Chị Lệ cho biết, thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư máy móc mở rộng quy mô sản xuất. Khi có đầu ra ổn định với số lượng lớn thì ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu do gia đình tự trồng, chị sẽ liên kết với những hộ dân quanh vùng để bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cà phê nguyên chất của chị Lệ là một trong những sản phẩm tiêu biểu được Hội LHPN huyện Krông Búk lựa chọn trưng bày tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018.