ChatGPT và những tranh cãi về bản quyền
Sau hai tháng kể từ khi ra mắt, ChatGPT đã trở thành một trong những công cụ trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại. Đi kèm với sự hào hứng đó, giới chuyên môn cũng đang không ngừng tranh cãi về vấn đề bản quyền của những tác phẩm tạo ra bởi ChatGPT.
ChatGPT có gì đặc biệt?
Nhiều người trên khắp thế giới đang dành hàng giờ đồng hồ để tương tác, đưa ra yêu cầu viết thơ văn, giải toán, lập trình... hay tìm cách để đánh lừa ChatGPT. Tất cả những truy vấn đó đang giúp chatbot này trở nên thông minh hơn.
ChatGPT là một mô hình sử dụng công nghệ AI để xử lý ngôn ngữ, có khả năng tạo văn bản giống với con người chỉ với những từ khóa cơ bản. Hiểu một cách đơn giản, công cụ này xử lý ngôn ngữ tự nhiên và có thể được dùng như một trợ lý trò chuyện như con người. Một điểm đáng chú ý chính là việc tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc.
Mô hình này có thể dùng để trò chuyện, tạo văn bản theo yêu cầu và thậm chí tạo ra những hình ảnh và video mới dựa trên những gì nó đã học được từ cơ sở dữ liệu khổng lồ từ những cuốn sách điện tử, bài viết trực tuyến và các phương tiện khác. Trên thế giới, nhiều người đã thử sử dụng mô hình này để trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết nội dung quảng cáo, viết mã, viết luận...
Với tiềm năng ứng dụng to lớn đó, ChatGPT được đánh giá là một trong những đối thủ đáng gờm của Google. Thậm chí, nhiều người tin rằng, ChatGPT sẽ khiến cho nhiều nghề nghiệp "ra chuồng gà" vì độ thông minh và tốc độ xử lý nhanh chóng của nó.
Nội dung do ChatGPT tạo ra có được bảo hộ bản quyền?
Mặc dù đem đến nhiều tiện ích cho người dùng, rất nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh ChatGPT. Ngoài những vấn đề về đạo đức như khả năng truyền bá tin giả, tiếp tay cho kẻ xấu lừa đảo... ChatGPT cũng được nhiều người quan tâm trên khía cạnh bản quyền của những tác phẩm do công cụ này tạo ra.
Dưới đây là một số ý kiến của giới chuyên môn liên quan đến vấn đề bản quyền của ChatGPT.
Thứ nhất, về vấn đề quyền tác giả đối với tác phẩm tạo ra bởi ChatGPT, theo luật sở hữu trí tuệ và luật bản quyền của hầu hết các quốc gia trên thế giới, chỉ có những tác phẩm được tạo ra bởi con người mới được bảo hộ bản quyền.
Cụ thể, trao đổi với Forbes, luật sư Margaret Esquenet, cộng sự của hãng luật sở hữu trí tuệ Finnegan, Henderson, Farabow, Garrett & Dunner, LLP cho biết: "Theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, để một tác phẩm được bảo vệ bản quyền, tác phẩm đó phải được sáng tạo bởi con người. Không có đầu vào là sự sáng tạo của con người, một tác phẩm sẽ không được bảo vệ quyền tác giả. Do đó, Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ sẽ không đăng ký tác phẩm được tạo bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo.”
Trước khi nổ ra cuộc tranh cãi xung quanh bản quyền tác phẩm do AI tạo ra, giới chuyên môn về sở hữu trí tuệ cũng đã có một cuộc tranh luận nảy lửa về bản quyền của bức ảnh nổi tiếng do một chú khỉ sử dụng máy ảnh đánh rơi để tự chụp chính mình vào năm 2011.
Theo ôngMichael Kelber, đồng chủ tịch hãng luật về sở hữu trí tuệ Neal Gerber Eisenberg, cho đến nay, các tòa án về sở hữu trí tuệ vẫn không đồng tình với việc một thực thể không phải con người tuyên bố quyền tác giả hoặc quyền sáng chế, cũng như các quyền sở hữutrí tuệ khác.
Trong trường hợp xảy ra các tranh chấp bản quyền và tranh chấp sở hữu trí tuệ giữa các nội dung do AI tạo ra và những tác phẩm đang được bảo hộ, mọi việc lại càng trở nên phức tạp hơn.
Theo luật sư Esquenet, khi đăng ký bản quyền ở Hoa Kỳ, các tác giả sẽ nhận được thông báo chấp nhận hay từ chối từ phía Văn phòng Bản quyền. Nếu bị từ chối, các tác giả có thể theo đuổi đến cùng bằng cách khiếu nại Văn phòng Bản quyền hoặc kiện bên vi phạm quyền. Tuy vậy, do điều kiện tiên quyết để được bảo vệ quyền tác giả đó là tác giả phải là con người, chiến lược đăng ký bản quyền này có thể gặp những trở ngại lớn.
Cũng theo bà Esquenet, do yêu cầu quyền tác giả sẽ chỉ được cấp cho con người, “theo luật hiện hành của Hoa Kỳ, tác phẩm do AI tạo ra sẽ (1) trở thành tác phẩm thuộc phạm vi công cộng (public domain) ngay khi được tạo ra và không thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân, tổ chức, vật thể nào hoặc (2) là tác phẩm phái sinh của các tài liệu mà AI đã tiếp xúc trong quá trình đào tạo.
Vậy ai là người có quyền đối với tác phẩm phái sinh đó? Điều này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác nhau, từ nguồn gốc, chủ sở hữu của tập dữ liệu mà AI đã tiếp xúc trong quá trình đào tạo, cũng như mức độ hoạt động của tất cả những chủ thể tham gia vào việc đào tạo AI, Esquenet cho biết thêm.
Theo luật sư Kelber, giả sử trong tương lai, luật pháp tiếp tục loại trừ quyền tác giả đối với AI, tất cả những tác phẩm do AI tạo ra về cơ bản sẽ thuộc về công chúng. Có thể luật này cũng có thể sẽ được công chúng ủng hộ vì số lượng tài liệu công khai và có sẵn là rất lớn.
Thêm vào đó, luật sư Kelber cho rằng, những người xây dựng và vận hành AI là những người có quyền sở hữu những tác phẩm do AI tạo ra. Để chứng minh cho luận điểm này, ông đưa ra dẫn chứng sau: Khi một nghệ sĩ đồ họa sử dụng các phần mềm máy tính để vẽ, người đó sẽ thực hiện hầu hết mọi tác vụ để tạo thành tác phẩm. Nhưng trong trường hợp của ChatGPT, những tác vụ của người dùng rất hạn chế. Có thể nói rằng, những nội dung do ChatGPT tạo ra sẽ phụ thuộc vào quyền kiểm soát của người xây dựng và vận hành nhiều hơn.
Những thắc mắc khác xung quanh AI và bản quyền tác phẩm
Về thắc mắc của nhiều người rằng việc ChatGPT sử dụng những văn bản từ Internet để tạo ra những nội dung mới mà không có sự chấp thuận và không trích dẫn nguồn của tác phẩm ban đầu là vi phạm bản quyền,ông Kelber cho biết: “Từ góc độ sở hữu trí tuệ, nếu tài liệu gốc không có trích dẫn cụ thể, thì người sử dụng thông tin không cần phải trích dẫn".
Nếu ChatGPT sử dụng các ý tưởng mà không sao chép từ ngữ, thì việc sử dụng đó sẽ không liên quan đến bản quyền hoặc những quyền sở hữu trí tuệ khác. Điều đó cho thấy rằng, từ quan điểm nghiên cứu, trích dẫn hoặc ghi nguồn là hoạt động hữu ích để xác định độ tin cậy của thông tin, giống như bất kỳ hoạt động trích dẫn nào khác của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong trường hợp ChatGPT tạo những đoạn văn giống hệt nhau khi trả lời truy vấn của những người khác nhau, bàEsquenet cho biết: “Ngay cả khi giả định rằng người sử dụng ChatGPT là chủ sở hữu tác phẩm thì những người tạo ra cùng một tác phẩm khi sử dụng AI cũng sẽ không thể thực thi quyền với nhau bởi họ sáng tạo độc lập với nhau".
“Cụ thể, để khiếu nại vi phạm bản quyền, người khiếu nại phải có bằng chứng về việc bên còn lại sao chép tác phẩm của mình. Khái niệm sáng tạo độc lập là một biện pháp bảo vệ toàn diện. Theo giả thuyết này, không bên nào sao chép tác phẩm của bên nào, vì vậy hoạt động khiếu nại vi phạm sẽ không thành công”, bà Esquenet cho biết.
Tuy nhiên, nếu nội dung được tạo ra gây tổn hại đến các nhân, tổ chức, doanh nghiệp khác thì ai là người chịu trách nhiệm? “Nếu tác phẩm do AI được bảo hộ bản quyền, một bản sao chính xác của tác phẩm đó có thể tạo ra trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn. Điều này đặt ra một câu hỏi khác: ai chịu trách nhiệm pháp lý, người tạo ra AI (OpenAI) hay người dùng đã đưa ra truy vấn?”, ông Kelber đặt vấn đề.
Không ít người cũng đặt câu hỏi rằng, nếu văn bản do ChatGPT tạo ra được sử dụng trong một bài viết hoặc bài báo, dù chỉ một phần, những văn bản này có nên coi ChatGPT như một nguồn trích dẫn hay không. Ví dụ, trong bài báo có thể trích dẫn rằng “Phản hồi do ChatGPT tạo ra vào ngày 2/2/2023”.
Về thắc mắc này, ông Kelber cho biết: “Theo Sách Xanh (Bluebook - cuốn sách hướng dẫn về việc trích dẫn theo luật sở hữu trí tuệ), việc trích dẫn đến những nguồn như ChatGPT là phù hợp".
Ngày nay, khi trí tuệ thông minh đã phát triển lên một tầm cao mới, tranh cãi về vấn đề bản quyền và AI lại càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi luật pháp có những điều chỉnh mới, rõ ràng và đi cùng với hơi thở của thời đại hơn. Cùng chờ xem phản ứng của các tổ chức, doanh nghiệp đối với việc sử dụng ChatGPT, cũng như sự điều chỉnh của luật pháp sở hữu trí tuệ về vấn đề AI ở Việt Nam và trên thế giới.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chatgpt-va-nhung-tranh-cai-ve-ban-quyen-1675173812165.htm