Châu Á sẽ phải gồng mình vì nợ và hiện tượng bay vốn

Đây sẽ là hai thách thức kinh tế lớn nhất của châu Á khi lãi suất tiếp tục tăng, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các nhân viên văn phòng đi bộ tại trung tâm tài chính Raffles Place ở Singapore. Ảnh: AFP

Các nhân viên văn phòng đi bộ tại trung tâm tài chính Raffles Place ở Singapore. Ảnh: AFP

Các cảnh báo được IMF đưa ra cùng với động thái hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong tuần này. Đồng thời, IMF cũng lưu ý rằng, trong năm 2023, nhiều nơi trên thế giới rơi vào tình trạng như suy thoái.

"Nợ của châu Á đã tăng lên", Phó giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bà Anne-Marie Gulde, bình luận trên đài CNBC.

"Đầu tiên, nợ của khu vực tư nhân tăng lên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và sau đó kể từ dịch Covid-19 xuất hiện, nợ của khu vực công đã dềnh lên. Vì vậy, bất cứ điều gì làm thay đổi lãi suất trên thế giới đều trở nên bất lợi cho các nền kinh tế châu Á", bà Gulde đánh giá.

"Chúng tôi thấy dòng vốn tháo chạy đã tăng lên, tới mức mà chúng tôi từng ghi nhận lần gần nhất vào thời điểm xảy ra 'cơn thịnh nộ' (taper tantrum) và chắc chắn bất cứ điều gì làm tăng lãi suất đều sẽ tác động đến chi phí đi vay ở châu Á", bà Gulde nói thêm. "Đó là một mối quan ngại rất lớn của chúng tôi", Phó giám đốc IMF nhấn mạnh.

Việc Fed tăng lãi suất mạnh tay hơn đã làm dấy lên lo ngại dòng tiền tháo chạy khỏi châu Á và các đồng tiền của khu vực này trượt giá, nhất là các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á, như đã từng xảy ra vào năm 2013. Cụ thể hơn, vào năm 2013 Fed đã châm ngòi cho "cơn thịnh nộ" và hoảng loạn trên thị thường chứng khoán sau khi quay ngoắt chính sách tiền tệ, từ nới lỏng sang thắt chặt ngay lập tức.

Theo IMF, rủi ro nợ đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Á và những quốc gia có đồng tiền trượt giá so với đồng đô la Mỹ có thể hứng chịu một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nặng nề hơn. Điển hình, đồng đô la Mỹ gần đây dao động quanh mức cao nhất trong 24 năm so với đồng yên Nhật Bản.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại còn 2,7% vào năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 7 vừa qua.

Tại châu Á, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4,4%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đồng loạt hạ tăng trưởng của 5 quốc gia thành viên ASEAN, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam, xuống còn 4,9%.

Về tác động của cuộc khủng hoảng trái phiếu Vương quốc Anh đến các nền kinh tế châu Á, bà Gulde cho rằng "bất cứ thứ gì gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính" đều gây bất lợi cho các nền kinh tế khác.

"Các quỹ hưu trí đầu tư vào châu Á ít hơn so với trước đây… điều tôi muốn nhấn mạnh là bất cứ thứ gì tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính đều sẽ truyền đi tác động", Phó giám đốc IMF lưu ý.

"Chắc chắn là chúng tôi không xác định được tất cả các kênh tác động, nhưng đó chắc chắn không phải là tin tốt cho các quốc gia ở châu Á cũng như trên toàn cầu", bà Gulde nhận định.

Đồng quan điểm trên, bà Janet Li, Trưởng bộ phận quản lý tài sản châu Á tại Công ty quản lý tài sản Mercer, cho rằng châu Á vốn có ít các khoản đầu tư dựa trên trách nhiệm pháp lí (LDI) hơn so với Vương quốc Anh. Lý do chính là ở châu lục này các khoản lương hưu dài hạn ít phổ biến hơn so với phương thức nhận tiền một lần.

Cuộc khủng hoảng ở Vương quốc Anh khiến lợi suất tăng lên trong khi giá trái phiếu giảm xuống. Trong nỗ lực gia tăng tiền mặt làm tài sản thế chấp trước sự sụt giảm giá trị của các khoản đầu tư LDI, các quỹ hưu trí đã bán ra các trái phiếu dài hạn do chính phủ Vương quốc Anh phát hành.

Động thái bán tháo của các quỹ hưu trí đã khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải ra tay can thiệp bằng cách tăng cường mua vào một cách có tổ chức các trái phiếu bị "xả hàng".

"Cho nên, nếu chúng ta cố gắng so sánh và xem xét liệu các quỹ hưu trí châu Á có đang gặp nhiều rủi ro hơn hay không, câu trả lời ngắn gọn là không", bà Li khẳng định.

Tuy nhiên, không vì thế bác bỏ một số tác động tích cực đến các nền kinh tế ở châu Á, theo Phó giám đốc IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đơn cử, khi Nhật Bản và Hong Kong mở cửa trở lại, hoạt động di chuyển của người dân tăng lên sẽ kích thích các hoạt động kinh tế và đồng thời có thể kìm hãm suy thoái. Mặt khác, các đồng tiền ở châu Á trượt giá sẽ có lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu của khu vực này.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chau-a-se-phai-gong-minh-vi-no-va-hien-tuong-bay-von-d175588.html