Châu Âu là khu vực đầu tiên ghi nhận 500.000 ca tử vong do COVID-19

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 18/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 75.223.151 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.666.988 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 52.805.160 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 317.524 ca tử vong trong tổng số 17.592.892 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 144.829 ca tử vong trong số 9.977.834 ca bệnh.

Châu Âu đã trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt mốc 500.000 người.

Theo số liệu thống kê, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 500.069 ca tử vong, trong tổng số hơn 23 triệu ca mắc bệnh.

Tiếp sau châu Âu, Mỹ Latinh và Caribe đang là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai thế giới, với 477.404 ca tử vong, khu vực Bắc Mỹ với Mỹ và Canada hiện ghi nhận 321.287 ca tử vong do COVID-19, trong khi châu Á có 208.149 ca tử vong.

Đại dịch cũng cướp đi sinh mạng của 85.895 người tại Trung Đông, trong khi con số này ở châu Phi là 57.423 người.

Trong 24 giờ qua, Đức tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch khi vượt ngưỡng 30.000 ca nhiễm mới/ngày, với 31.051 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1,427 triệu ca. Đức cũng ghi nhận thêm 743 ca tử vong và đây là ngày thứ 3 liên tiếp Đức có số ca tử vong vượt 700 ca/ngày.

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại Berlin, hiện một nửa số bang ở Đức đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, trong đó có các bang Baden-Württemberg, Bayern, Brandenburg, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen, Sachsen-Anhalt, Schleswig-Holstein và Thüringen. Bang có số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất cả nước là Nordrhein-Westfalen với trên 6.000 ca.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/12 cũng thông báo có thêm 243 ca tử vong mới, đây là số ca tử vong theo ngày cao nhất từ trước đến nay ở nước này, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 17.364 ca. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này có thêm 27.515 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc bệnh lên 1.955.680 ca.

Tại Pháp, Phủ Tổng thống ngày 17/12 cho biết Tổng thống Emmanuel Macron "nhiều khả năng" đã nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu hồi tuần trước.

Việc ông Macron có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến làn sóng truy vết trên khắp châu Âu khi mà trong những ngày gần đây đã diễn ra nhiều cuộc gặp giữa ông Macron và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều quan chức thế giới đã thông báo tự cách ly do có tiếp xúc với ông Macron trong thời gian gần đây. Mới đây nhất là Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria.

Tại khu vực châu Mỹ, Brazil ngày 17/12 đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt quá 1.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9. Theo số liệu của chính phủ, trong vòng 24 giờ qua, nước này có thêm 1.092 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên gần 185.000 ca, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ (với hơn 317.900 ca tử vong).

Quốc gia Nam Mỹ này cũng có thêm gần 70.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên hơn 7,1 triệu ca.

Cũng trong ngày 17/12, Colombia thông báo 12.196 ca nhiễm mới, mức tăng trong một ngày cao nhất kể từ giữa tháng 8, nâng tổng số ca mắc lên 1.468.795 ca, trong đó 39.787 ca tử vong.

Trước bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh, Tổng thống Ivan Duque và giới chức y tế Colombia đã nhiều lần cảnh báo người dân tránh tập trung đông người tại các khu mua sắm, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế các bữa tiệc gia đình trong những kỳ nghỉ lễ sắp tới nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Ngày 17/12, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar thông báo có gần 6 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna đã sẵn sàng được phân phối trên toàn quốc ngay sau khi được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Ông Azar cho biết các quan chức y tế liên bang đã phân bổ 5,9 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của công ty Moderna để chuyển cho các thống đốc bang, những người quản lý việc phân phối vắcxin của mỗi bang. Hiện một ban tư vấn của FDA đang cân nhắc độ an toàn và tính hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 do công ty Moderna sản xuất trong một cuộc họp cùng ngày. FDA sẽ cân nhắc các kết luận của ban tư vấn và đưa ra quyết định cấp phép.

Trong bối cảnh các nước đặt mùa lượng vắcxin ngừa COVID-19 quá lớn. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các nước giàu hỗ trợ các nước nghèo mua vắcxin ngừa COVID-19.

Theo ông Guterres, tính đến cuối tháng 1/2021, Cơ chế tiếp cận vắcxin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX) do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn sẽ cần số tiền lên đến 5 tỉ USD để đảm bảo khả năng tiếp cận vắcxin COVID-19 cho tất cả các quốc gia, nhưng đến nay đang đối mặt với khoản thiếu hụt lớn.

Ngoài ra, ông Guterres cũng nhận thấy một số nước đã đặt mua số lượng vắcxin nhiều hơn gấp vài lần dân số nước đó. Vì thế, ông kêu gọi chính phủ các nước này tặng số vắcxin chưa dùng đến cho chương trình COVAX.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng lưu ý rằng lợi ích tốt nhất của thế giới là phải đảm bảo tiêm chủng vắcxin rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vắcxin hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng tốt.

Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo López-Gatell thông báo Mexico sẽ ký hợp đồng với hãng dược phẩm CanSino Biologics của Trung Quốc vào tuần tới để mua từ 10-35 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.

Thứ trưởng Hugo López-Gatell chưa cho biết lý do giảm số lượng liều vắcxin mua của CanSino Biologics như công bố của Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ mua 35 triệu liều trước đó.

Ngoài ra, quan chức y tế này cũng thông báo Chính phủ Mexico sắp ký hợp đồng với American Janssen, một công ty con của Johnson & Johnson, để mua 22 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.

Mới đây, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 của hãng dược Pfizer Inc (Mỹ) cùng đối tác BioNTech SE (Đức) đồng phát triển.

Dự kiến trong tuần tới, Mexico sẽ tiếp nhận 250.000 liều vắcxin Pfizer/BioNTech trong tổng số 35 triệu liều theo hợp đồng.

Chính phủ Mexico thông báo sẽ mua 198 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 để tiêm miễn phí cho người dân và kế hoạch tiêm chủng sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 này, với ưu tiên số một là dành cho các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250145/chau-au-la-khu-vuc-dau-tien-ghi-nhan-500-000-ca-tu-vong-do-covid-19.html