Châu Phi ra sao khi nhu cầu khí đốt của châu Âu giảm

Đối với nhiều quốc gia ở châu Phi vùng cận Sahara, khí đốt tự nhiên là một nguồn động lực thúc đẩy tăng trưởng và là hy vọng đem lại nhiều doanh thu để đóng góp vào ngân sách nhà nước. Thế nhưng, đó là khi những người tiêu dùng lớn vẫn sẵn sàng trả giá cao.

Tại châu Âu, nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên để phát điện và để ứng dụng trong hoạt động công nghiệp tiếp tục giảm, làm giá mặt hàng này suy giảm theo trong 8 tuần qua. Theo dữ liệu thị trường mà Ecofin Agency tham khảo được, đây là chuỗi thua lỗ hàng tuần dài nhất trong hơn 6 năm.

Nếu xu hướng này tiếp tục và nhu cầu tiếp tục yếu kém, các quốc gia châu Phi như Senegal, Ghana, Mozambique, Cameroon, Guinea Xích đạo và Nigeria - những quốc gia xem hoạt động khai thác và xuất khẩu khí đốt tự nhiên là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của họ, sẽ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng ngân sách.

Lĩnh vực khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhất là tại Mozambique, Guinea Xích đạo và Senegal, đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, với những khoản đầu tư đáng kể vào hoạt động thăm dò và khai thác khí đốt. Hoạt động giảm xuất khẩu LNG sang châu Âu có thể đặt ra câu hỏi về lợi nhuận của những dự án này và làm chậm sự phát triển của những quốc gia này.

Tuy nhiên, tình hình liên tục thay đổi và có thể có nhiều yếu tố khác làm ảnh hưởng đến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu. Ví dụ, sự gia tăng nhu cầu trong mùa hè do sóng nhiệt và tốc độ gió thấp sẽ làm đảo ngược xu hướng. Ngoài ra, nếu nhu cầu LNG ở châu Á phục hồi, giá khí đốt ở châu Âu cũng sẽ tăng.

Các nước châu Phi có liên quan sẽ phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu, đồng thời cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của họ, thông qua việc phát triển những lĩnh vực khác và tăng cường hội nhập khu vực. Nếu phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu khí đốt tự nhiên, những quốc gia này sẽ tự đặt mình vào vị trí dễ bị tổn thương trước những biến động về giá khí đốt trên toàn cầu. Đáng chú ý, phương án này đòi hỏi chi phí, và những nước trên có tốc độ tiếp cận rất chậm.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-phi-ra-sao-khi-nhu-cau-khi-dot-cua-chau-au-giam-686399.html