Chạy đua giải ngân nguồn vốn phục hồi kinh tế

Qua 10 tháng của năm nay, Đồng Nai mới chỉ giải ngân được gần 13% trong tổng vốn hơn 1,2 ngàn tỷ đồng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Trong khi đó, theo quy định, nguồn vốn thuộc chương trình này chỉ có thời hạn giải ngân đến hết năm 2023.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong tháng 9-2023. Ảnh: P.Tùng

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi (bìa phải) kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trong tháng 9-2023. Ảnh: P.Tùng

Phần lớn nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được bố trí cho tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

* Mới chỉ giải ngân hơn 160 tỷ đồng

Theo Sở KH-ĐT, năm 2023, nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được bố trí trên địa bàn tỉnh là 1.256 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ để thực hiện các dự án gồm: đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và 5 trạm y tế tuyến xã, tỉnh Đồng Nai; nâng cấp, cải tạo phòng khám đa khoa khu vực Phú Lý và Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu (cơ sở 2) tỉnh Đồng Nai và dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1. Trong đó, riêng tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được bố trí 700 tỷ đồng.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội nhằm góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn. Theo đó, Quốc hội đã quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 ngàn tỷ đồng để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.

Tính đến cuối tháng 10, đối với dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và 5 trạm y tế tuyến xã mới chỉ thực hiện bước ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp thiết bị, đang làm thủ tục giải ngân tạm ứng hợp đồng.

Trong khi đó, nguồn vốn đã được giải ngân tại dự án nâng cấp, cải tạo phòng khám đa khoa khu vực Phú Lý và Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu (cơ sở 2) mới chỉ đạt 340 triệu đồng trên tổng vốn đã được giao là 20 tỷ đồng.

Đối với tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đến nay, nguồn vốn đã được giải ngân cũng đạt thấp.

Ông Phan Trung Hưng Hà, Phó giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tính đến cuối tháng 10, số vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh đã được giải ngân chỉ đạt hơn 160 tỷ đồng, đạt gần 13% kế hoạch.

* Phải giải ngân hết nguồn vốn

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đối với nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, thời hạn giải ngân chỉ hết năm 2023. Do đó, nếu các đơn vị không thể giải ngân hết trong năm nay thì bước sang năm 2024, trung ương sẽ không cấp tiếp nguồn vốn này. Lúc đó, ngân sách tỉnh sẽ phải đảm đương nguồn vốn rất lớn này để thực hiện các dự án. “Các đơn vị được giao vốn, nhất là nguồn vốn được giao để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải giải ngân hết trong năm 2023” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Thực hiện kiểm đếm tại dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Thực hiện kiểm đếm tại dự án thành phần 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Ông Mai Phong Phú, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh cho hay, với phần vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đơn vị cam kết sẽ hoàn thành giải ngân trong năm 2023. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh cần sự hỗ trợ rất lớn từ UBND TP.Biên Hòa và UBND H.Long Thành.

Cụ thể, theo ông Phú, để đảm bảo lộ trình giải ngân nguồn vốn, chậm nhất đến ngày 15-11 tới, TP.Biên Hòa và H.Long Thành phải có quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính giá bồi thường, hỗ trợ. Đồng thời, đến cuối tháng 11-2023, hai địa phương cũng phải hoàn thành công tác xác định nguồn gốc đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. “Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh đã gửi chứng thư thẩm định giá đất để TP.Biên Hòa và H.Long Thành trình hội đồng thẩm định giá đất phê duyệt” - ông Phú cho biết.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc hoàn thiện các thủ tục theo quy trình công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay là thiếu nhân sự. TP.Biên Hòa và H.Long Thành cần nguồn nhân lực lớn để thực hiện công tác kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất. Do đó, đơn vị cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều động, biệt phái thêm nhân sự cho các địa phương để phối hợp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công việc.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/chay-dua-giai-ngan-nguon-von-phuc-hoi-kinh-te-41a4335/