Chế biến đa dạng sản phẩm tôm cung ứng các thị trường

Đó là một trong những giải pháp được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến nêu ra tại hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển về giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, vào ngày 16-7. Dự tại điểm cầu Sóc Trăng có đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan trực thuộc sở.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Năm 2020, việc triển khai sản xuất tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến sản lượng tôm bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi, khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế; việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục và ngành tôm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng sản lượng tôm nước lợ đạt 900.000 tấn (tăng 19% so năm 2019).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm đạt 371.000 tấn (tăng 20% so năm 2020), ước kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến ngày 13-7-2021 toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 42.154ha, đạt 57% so kế hoạch, ước sản lượng thu hoạch 55.583 tấn. Để phát huy tiềm năng nuôi tôm nước lợ, tỉnh sẽ tiếp tục quản lý nuôi tôm theo khung mùa vụ; triển khai các chủ trương, chính sách trong nuôi trồng thủy sản để người dân tiếp cận; quan trắc môi trường nước, cung cấp thông tin thời tiết cho các địa phương và phổ biến đến tận người dân…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác sản xuất, xuất khẩu tôm nước lợ trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù đứng trước khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhưng ngành tôm đã đạt và vượt về xuất khẩu. Qua đó, để ngành tôm phát triển tốt, đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai Luật Thủy sản 2017; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng các nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung nhằm kịp thời khuyến cáo đến hộ nuôi; kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản; nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/che-bien-da-dang-san-pham-tom-cung-ung-cac-thi-truong-50294.html