Chế biến sâu nâng cao giá trị dược liệu atiso Sa Pa
Với nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu trong phát triển cây dược liệu và thế mạnh chế biến sâu cây dược liệu atiso, thị xã Sa Pa đã từng bước nâng cao giá trị, thương hiệu của sản phẩm, góp phần ổn định thu nhập, cuộc sống cho người dân.
Gia đình anh Hạng A Giang, tổ 3, phường Hàm Rồng đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng cây dược liệu atiso. Chỉ với 0,4 ha trồng atiso, mỗi năm cũng đem lại cho gia đình anh Giang nguồn thu khoảng 100 triệu đồng.
Theo chia sẻ của anh Giang, hiện nay, các hộ dân trên địa bàn tổ 3 thực hiện trồng atiso theo hướng dẫn kỹ thuật của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa và được đơn vị ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, hoa, thân và củ của cây atiso đều có thể xuất bán nên người trồng có thu nhập tốt.
Tại phường Hàm Rồng hiện có khoảng 80 hộ trồng cây atiso với diện tích 35,5 ha. Theo đánh giá của địa phương, trong những năm qua, cây atiso đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và có thu nhập khá.
Ông Hạng A Sèo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hàm Rồng cho biết, nhờ sản phẩm chế biến từ atiso có chỗ đứng trên thị trường nên năm 2024, giá bán lá đã tăng, giúp người dân trên địa bàn có nguồn thu nhập tốt hơn. Việc trồng cây được phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, do đó người dân rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Toàn thị xã Sa Pa hiện có 45,5 ha cây atiso được trồng tại các phường Hàm Rồng, Sa Pả và xã Tả Phìn. Mỗi năm, cây atiso cho thu hoạch khoảng 2.000 tấn, mang lại thu nhập gần 5 tỷ đồng cho người trồng.
Hiện nay, 100% sản lượng atiso trên địa bàn thị xã Sa Pa được Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa thu mua và đưa vào chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có thương hiệu. Điển hình như sản phẩm cao mềm actiso sapa và trà phun sương actiso sapa đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao tại Trung ương, các sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn GACP - WHO.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa cho biết, công ty luôn chú trọng tạo liên kết bền vững với người sản xuất nguyên liệu theo nhóm hộ để hướng tới sản xuất vùng trồng dược liệu chất lượng, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó là chế biến sâu sản phẩm để từng bước đưa dược liệu của Sa Pa vươn ra thế giới.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết, atiso được coi là cây mũi nhọn của ngành hàng dược liệu tại Sa Pa bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Cây atiso trồng tại Sa Pa được đánh giá có giá trị dược tính cao, các sản phẩm chế biến từ atiso Sa Pa đều có chất lượng tốt, được thị trường tin dùng. Năm 2024, có thêm sản phẩm trà túi lọc actiso sapa, cao actiso đẳng sâm sapa được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và hướng tới Trung ương.
Thị xã Sa Pa có khí hậu thuận lợi để duy trì và phát triển nhiều loài dược liệu quý, có giá trị y dược cao. Cùng với đó, những năm qua, nông dân trên địa bàn đã có kinh nghiệm trong gây trồng và phát triển các loại dược liệu bản địa, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản xuất dược liệu so với cây trồng khác; đã có sự tham gia của các công ty trong liên kết đầu tư và thu mua nguyên liệu, do vậy đầu ra sản phẩm ổn định, người dân yên tâm sản xuất.
Hạn chế lớn nhất đối với thị xã Sa Pa hiện nay đó là diện tích đất để trồng cây dược liệu hàng năm ít, nhỏ lẻ, trong khi yêu cầu của một số cây dược liệu phải luân canh thay đổi đất sau mỗi vụ canh tác nên khó khăn cho việc mở rộng diện tích trồng tập trung và nâng cao năng suất.