Che giấu, cản trở công tác phòng, chống dịch bị xử lý thế nào?

Thói quen xấu và…

Nếu cần dẫn chứng về vấn đề này thì không thể thống kê hết. Vì thói quen xấu của người Việt gần như ai cũng có, kể cả cán bộ, công chức, viên chức. Ví dụ như trong một hội nghị hay sự kiện nào đó dù lớn hay nhỏ, ta có thể dễ dàng thấy được tính vô kỷ luật. Đó là người đến trước thì ngồi phía sau, còn phía trên thì trống lốc. Thậm chí người chủ tọa phải mời lên phía trên, nhưng chẳng mấy ai thấy “nể’ mà làm theo. Lại có không ít người đã đến trễ nhưng ngồi tụm năm tụm ba để nói chuyện, thậm chí còn nói cười vô tư trong khi vẫn đang có người phát biểu. Hoặc khi tham gia giao thông, hằng ngày chúng ta vẫn thường gặp không ít trường hợp không chấp hành luật lệ giao thông, thậm chí có người còn cố tình vi phạm. Hay trong khi làm việc thì không theo nguyên tắc nào cả, mà cứ mạnh ai nấy làm hoặc thích gì làm nấy và làm việc theo cảm hứng.

Tai hại hơn, chính thói quen xấu từ tính thiếu kỷ luật, tư duy và hành vi vô tổ chức, thiếu trung thực dẫn đến việc che giấu sự thật đã trở thành một trong những nguyên nhân làm lây lan đại dịch Covid-19. Và từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, trong cả nước đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý hành chính, xử lý hình sự về hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ trong phòng chống dịch. Riêng ở Bình Phước, ngày 5-7-2021, UBND phường Tân Phú (TP. Đồng Xoài) xử phạt 108 cá nhân về hành vi không thực hiện quy định không tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, UBND phường Tân Phú lập biên bản trình UBND TP. Đồng Xoài xem xét xử lý 14 trường hợp vi phạm.

Và chiều 15-7-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đồng Xoài đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Trước đó, ngày 8-7-2021, trên địa bàn TP. Đồng Xoài phát hiện ca nhiễm Covid-19 (F0) đầu tiên là một phụ nữ kinh doanh hải sản tại chợ Đồng Xoài, khu phố Xuân Bình, phường Tân Bình. Người phụ nữ này trực tiếp đi lấy hàng từ chợ đầu mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh về bán buôn với nhiều tiểu thương trên địa bàn TP. Đồng Xoài. Ngày 11-7-2021, TP. Đồng Xoài tiếp tục xác định thêm ca nhiễm Covid-19 thứ 2 là một phụ nữ có yếu tố dịch tễ liên quan đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Qua công tác điều tra cho thấy, cả hai trường hợp nêu trên khai báo y tế không đầy đủ về yếu tố dịch tễ của mình, dẫn đến việc cơ quan chức năng không kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, làm dịch bệnh lây lan phức tạp trên địa bàn TP. Đồng Xoài. Đến ngày 15-7-2021, TP. Đồng Xoài đã có 7 ca F0. Đây chính là hậu quả của thói quen vô kỷ luật, coi thường pháp luật.

… những hệ lụy từ pháp lý

Điều đáng buồn là trong số những người có hành vi thói quen xấu từ tính vô kỷ luật, coi thường pháp luật và thậm chí hiểu biết nhưng cố tình vi phạm. Vậy những người có hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào? Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể, đối với hành vi cản trở; xúi giục, lôi kéo; kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức, theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Về xử lý hình sự, đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ hoặc gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân và từ 6-10 triệu đồng đối với tổ chức, theo quy định tại điểm a, b, khoản 3, Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 về tội danh chống người thi hành công vụ, với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên Báo Tiền Phong ngày 21-9-2006, đã thẳng thắn chỉ ra: Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến những thói xấu khác, đó là thiếu trung thực, hay che đậy, giả dối và vô kỷ luật… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là vài trong số rất nhiều thói hư tật xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt đã được các trí thức nửa đầu thế kỷ XX phê phán và được nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn sưu tầm, biên soạn, chuyên gia Hán ngữ Trần Văn Chánh tổng thuật, luận giải. Và từ thực tế cuộc sống, các nhà nghiên cứu đều thống nhất đi đến khẳng định rằng, tính xấu người Việt là bệnh, mà bệnh không chữa thì nước không mạnh.

Đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc Covid-19, thì mức phạt: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với hành vi chống đối việc buộc phải cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc Covid-19, có mức phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh Covid-19, theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 3, Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.

Về xử lý hình sự đối với các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh Covid-19 và hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với tội danh làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, mức phạt tù cao nhất là 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

LG: N.V

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/125748/che-giau-can-tro-cong-tac-phong-chong-dich-bi-xu-ly-the-nao