Chênh vênh cuộc sống người dân xóm 'phao' khi Quy hoạch đô thị sông Hồng được duyệt

Dự kiến, tháng 6/2021, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Đây đang được xem là vấn đề nóng của Hà Nội nhưng là nỗi hoang mang của người dân ven sông Hồng. Chưa đầy 2 tháng nữa,họ sẽ lại phải đánh vật để sinh tồn sau quãng thời gian dài ở trong những căn nhà tạm ...

Những mái nhà “tạm bợ” của người dân xóm Phao.

Cuộc sống vẫn thế, chỉ là sắp đón chào một “ cơn bão mới”

Theo kế hoạch dự kiến, tháng 6/2021, Hà Nội sẽ phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Việc này sẽ khiến cho nhiều hộ dân thuộc một số khu vực liên quan vui mừng vì được hưởng lợi do giá trị tài sản đặc biệt là đất ở của họ tăng lên. Nhưng cũng có những bộ phận dân cư phải chịu thiệt thòi khi phải di dời, phục vụ việc giải phóng mặt bằng cho những dự án hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, có một bộ phận dân cư (khoảng 30 hộ gia đình) sống tại khu vực ven sông hay bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên)- nơi nằm trong đồ án quy hoạch, còn gọi là xóm Phao cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Những hoạt động quy hoạch, xây dựng trong tương lai có thể làm thay đổi đáng kể không gian sống ở đây, khiến cuộc sống, sinh kế của gần 100 nhân khẩu sống tại đây có thể bị đảo lộn.

Khi được nghe phong phanh về thông tin Sông Hồng sắp quy hoạch,người thì tặc lưỡi:”Bình thường mất nhà ra đê mà ở,đây thì chuẩn bị mất cả đê thì chắc nằm bệt ra đường mà ngủ thôi”. Người thì lo lắng ra mặt vì hầu như tất cả người dân ở đây không biết được ngày mai sẽ thế nào, chỉ mong đừng tệ hơn nữa.

Xóm nhỏ như một ốc đảo chông chênh,ọp ẹp và tách rời với đô thị phồn hoa.

Ông Nguyễn Đăng Được, nay đã 75 tuổi, là người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông này chia sẻ: "Tôi đã ở cái xóm này 30 năm rồi nên đủ hiểu cuộc sống lênh đênh thiếu thốn như nào. Khổ trăm bề! Không có tiền nên chúng tôi mới phải “tự xây” nhà bằng gỗ ép, tấm bìa carton rồi lợp mái bằng proximang".

"Còn hầu hết người dân ở đây đều không có hộ khẩu,không có nghề nghiệp ổn định nên chỉ có thể kiếm sống bằng các công việc như bốc vác thuê trong chợ; đi nhặt ve chai;đồng nát hay bán ngô khoai để kiếm sống qua ngày thôi.”, ông Được nói.

Ông Nguyễn Đăng Được-Trưởng xóm Phao.

Theo bà Phạm Thị Thu (64 tuổi):”Tôi thì cũng như ông Được, gắn bó với xóm Phao cũng hơn 30 năm cuộc đời, nhưng nghề nghiệp thì cũng chỉ đi nhặt rác ve chai lung tung kiếm bữa ăn trong ngày thôi chứ không dám nghĩ tới chuyện đi thuê nhà. Vì tiền thuê nhà trên mặt đất đắt lắm,có làm cực khổ hay tằn tiện đến mấy cũng không cố được.".

"Sắp tới nhà nước quy hoạch lại sông Hồng, không có chỗ ở thì không biết phải “chui rúc” vào đâu.Ông nhà tôi hỏng một mắt nên cũng chẳng làm gì được, con cái thì chúng tôi không có nên đỡ một khoản lo nhưng vẫn đau đáu hằng đêm không ngủ nổi vì sốt ruột”-Bà Thu trăn trở.

Vợ chồng Bà Thu đã sống trong căn nhà “tự chế” suốt 30 năm ròng.

Dân xóm Phao mong được hỗ trợ.

Hầu hết các căn nhà ở đây đều chật hẹp,với diện tích vỏn vẹn khoảng 10-12m2, vừa là nơi ngủ, vừa là nơi nấu nướng, sinh hoạt của các hộ dân.

Những người dân khác cho biết, thì từ ngày đến cái xóm Phao này và sinh sống tại đây, họ chưa từng một lần nghĩ đến cảnh phải chuyển đi chỗ khác. Dường như nơi đây là mái nhà duy nhất khiến họ không phải tính toán từng đồng một tiền nhà tháng này là bao nhiêu.

Cái lo thường trực của người dân là không rõ tương lai sẽ phải đi đâu, làm gì và ở chỗ nào. Đặc biệt là những trẻ nhỏ trong xóm, bởi người lớn đều là dân lao động, có thể thích nghi tốt hơn khi phải di dời đi nơi khác. Nhưng các cháu nhỏ sẽ đối diện với cảnh khó khăn học hành do không có chốn đi về.

Nhiều người dân tại đây bày tỏ và mong chờ Hà Nội có một quyết sách hợp tình hợp lý và nhân văn để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho họ nếu phải di dời.

“Thật ra điều mà bản thân tôi nói riêng và cư dân trong xóm Phao này nói chung chỉ là mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những phương án cụ thể để hỗ trợ cho người dân chúng tôi có chỗ ăn ở sạch sẽ và ổn định hơn.Còn việc di dân để thành phố quy hoạch các khu văn hóa hay sinh thái là điều cần thiết,chúng tôi tuy ít học nhưng biết đúng biết sai nên không ai “cùn” không chịu đi đâu!”-ông Được tâm sự.

Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, chỉ tính riêng 2 phường Chương Dương và Phúc Tân đã bao phủ diện tích khoảng 100 ha, sẽ có hàng trăm hộ dân phải di dời, kể cả những hộ dân sống trên bãi giữa, ven sông. Nhưng công tác an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người dân, theo ông Long, sẽ vẫn được cơ quan nhà nước lưu ý, giải quyết cho vẹn toàn.

Phương Chi

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chenh-venh-cuoc-song-nguoi-dan-xom-phao-khi-quy-hoach-do-thi-song-hong-duoc-duyet-post127011.html