Chỉ đạo tác chiến chiến lược táo bạo, đúng đắn, chính xác

Nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thể hiện trước hết trong chỉ đạo tác chiến chiến lược mà tiêu biểu nhất là việc xây dựng phương án thời cơ, cách đánh và hướng tiến công mở đầu.

Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta đã phát huy hết những thuận lợi, khai thác tối đa những sơ hở, hạn chế của đối phương để giành được thắng lợi vang dội

Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta đã phát huy hết những thuận lợi, khai thác tối đa những sơ hở, hạn chế của đối phương để giành được thắng lợi vang dội

Mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho lịch sử dân tộc. Thắng lợi nhanh chóng, triệt để ấy là minh chứng khẳng định tài năng quân sự kiệt xuất từ Bộ Tổng tư lệnh đến bộ chỉ huy trực tiếp các chiến trường tại thời khắc xoay bản lề lịch sử.

Nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thể hiện trước hết trong chỉ đạo tác chiến chiến lược mà tiêu biểu nhất là việc xây dựng phương án thời cơ, cách đánh và hướng tiến công mở đầu.

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mau lẹ theo hướng thuận lợi, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30.9.1974 - 7.10.1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18.12.1974 - 8.1.1975) hạ quyết tâm: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; nếu thời cơ đến sớm hơn thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị đề ra, Bộ Tổng tư lệnh sớm chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu xây dựng hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dự thảo này đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18.12.1974 - 8.1.1975) thông qua (sau 8 lần xin ý kiến chỉnh sửa), chính thức trở thành “Kế hoạch chiến lược” gồm hai phương án.

Phương án cơ bản có hai bước: Bước 1 (năm 1975) mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, mở ra thời cơ thuận lợi mới có lợi nhất cho cách mạng. Bước 2 (năm 1976), tiến hành tổng tiến công và nổi dậy đánh chiếm Sài Gòn, giành toàn thắng. Phương án thời cơ: khi ta đánh mạnh, địch suy yếu nhanh có thể tạo ra thời cơ phát triển “đột biến”, lập tức tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy giành toàn thắng trong năm 1975.

Trên thực tế, chính nhờ có sự chuẩn bị chu đáo phương án này nên ngay sau thắng lợi bước đầu của Chiến dịch Tây Nguyên, ngày 18.3.1975, Bộ Chính trị đã họp bàn bổ sung quyết tâm chiến lược, quyết định chuyển từ phương án cơ bản sang phương án thời cơ, thực hiện giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975. Như vậy, dù tình hình có phát triển theo hướng nào thì ta vẫn giữ được sự chủ động trong việc “điều binh, khiển tướng”. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa phát huy thế chủ động trên chiến trường và sự chủ động về chỉ đạo tác chiến chiến lược trở thành nét đặc trưng cơ bản của nghệ thuật quân sự Việt Nam suốt chiều dài cuộc kháng chiến, đến đây được thể hiện rõ ràng nhất, trở thành nhân tố cơ bản để giành thắng lợi.

Về cách đánh chiến lược, căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường là ta đang phát triển thế chủ động, địch lún sâu vào thế bị động phòng ngự; đồng thời sức chiến đấu của chủ lực ta đã hơn hẳn quân chủ lực địch, nhất là qua chiến thắng Phước Long (ngày 6.1.1975), nên cách đánh của ta là vận dụng sáng tạo “tổng tiến công và nổi dậy”, kết hợp chặt chẽ đòn tiến công quân sự với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân, lấy tiến công quân sự đi trước. Cách đánh này thực sự là một bất ngờ lớn đối với địch. Bởi cả Mỹ - chính quyền Sài Gòn lúc đó đều nhận định trong năm 1975, Quân giải phóng sẽ đánh mạnh hơn năm 1974, nhưng không đánh lớn như các năm 1968 và 1972; chưa có khả năng đánh chiếm thị xã, thành phố lớn, nếu có chiếm cũng không giữ được.

Từ nhận định sai lầm như vậy nên dù Mỹ cắt giảm phần lớn viện trợ, lực lượng bị căng mỏng ra khắp các chiến trường, nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn lạc quan tin rằng đủ sức giữ trọn vẹn lãnh thổ miền Nam. Đến đầu tháng 3.1975, khi Quân giải phóng mở chiến dịch tiến công quy mô lớn đánh vào địa bàn hiểm yếu nhất là Nam Tây Nguyên, địch hoàn toàn bất ngờ, lúng túng tìm phương án đối phó dẫn đến sai lầm chiến lược là rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên.

Về hướng tiến công mở đầu, Kế hoạch chiến lược xác định rõ chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu, trọng điểm là Nam Tây Nguyên với mục tiêu chính là thị xã Buôn Ma Thuột. Thực tế đã chứng minh đây là mẫu mực về nghệ thuật lựa chọn hướng tiến công, mục tiêu tiến công, nghệ thuật vận dụng không gian đặc sắc, sáng tạo. Bởi Tây Nguyên là chiến trường trải rộng, có vị trí hết sức quan trọng, nếu giải phóng được địa bàn này sẽ tạo bàn đạp tiến vào Đông Nam Bộ, nơi có thủ phủ của chế độ Sài Gòn hoặc dễ dàng tiến xuống giải phóng các tỉnh đồng bằng khu 5 thực hiện chia cắt chiến lược địch, tạo sự rung chuyển chấn động mạnh.

Ở Nam Tây Nguyên, địa hình xung quanh Buôn Ma Thuột tương đối bằng phẳng, nhiều đường lâm nghiệp, tiếp cận với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn nên rất thuận lợi cho việc cơ động tập trung binh lực, vật lực để tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong khi đó, phán đoán sai hướng tiến công chủ yếu của Quân giải phóng là miền Đông Nam Bộ, do vậy, địch tập trung phòng thủ Quân khu 1 (tiếp giáp với miền Bắc) và Quân khu 3 (miền Đông Nam Bộ). Lực lượng địch ở Tây Nguyên tương đối mỏng, lại mất cân đối (tập trung nhiều ở phía Bắc, ít ở phía Nam), bố phòng sơ hở. Từ đó, ta biết phát huy hết những thuận lợi, khai thác tối đa những sơ hở, hạn chế của đối phương để giành được thắng lợi vang dội.

Như vậy, chỉ đạo tác chiến chiến lược của ta trong Tổng tiến công và nổi dậy rất chủ động, táo bạo, đúng đắn, chính xác, thể hiện sự mẫn cảm đánh giá tình huống, nắm bắt thời cơ chiến lược cùng tư duy quân sự sắc sảo của Bộ Tổng chỉ huy, vượt ra ngoài mọi toan tính, dự đoán từ phía đối phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ HỒ KHANG
nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

-----------------------
Kỳ sau: Ba đòn tiến công liên tục, kiên quyết, sáng tạo

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/chi-dao-tac-chien-chien-luoc-tao-bao-dung-dan-chinh-xac-134944