Chi nghìn tỷ học phí và loạt sự kiện giáo dục của TP.HCM năm 2023

Trong năm vừa qua, TP.HCM thành công triển khai tuyển sinh bằng bản đồ GIS, đồng thời chi hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho 100% học sinh THCS.

 TP.HCM đi đầu trong công tác xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM đi đầu trong công tác xây dựng trường học hạnh phúc. Ảnh: Duy Hiệu.

Sở GD&ĐT TP.HCM mới công bố 10 dấu ấn ngành giáo dục của thành phố trong năm 2023. Các sự kiện đáng nhớ của TP.HCM trong năm qua bao gồm tuyển sinh bằng bản đồ GIS, hỗ trợ học phí cho 100% học sinh THCS, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Chi hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh

TP.HCM là một trong các địa phương đi đầu trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với cha mẹ học sinh, học sinh và người học trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Chính sách này cũng góp phần khuyến khích và tạo điều kiện đảm bảo không để học sinh nào phải nghỉ học, bỏ học vì điều kiện kinh tế không có khả năng đóng học phí.

Theo đó, thành phố đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2023/NQ- HĐND về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.HCM.

Nghị quyết này có đột phá mới là áp dụng sớm 2 năm so với lộ trình miễn học phí đối với học sinh THCS. Nếu đúng theo khoản 9 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, phải đến năm 2025-2026, học sinh THCS mới được miễn học phí nhưng học sinh TP.HCM đã được hưởng quyền lợi này từ năm học 2023-2024.

Để thực hiện chương trình miễn học phí cho học sinh THCS, TP.HCM đã chi 1.114 tỷ đồng, trong đó các trường công lập nhận 1.053 tỷ đồng còn trường ngoài công lập là 61 tỷ đồng.

 Bản đồ GIS của Sở GD&ĐT TP.HCM giúp người dùng phân tích mật độ trường theo địa giới hành chính.

Bản đồ GIS của Sở GD&ĐT TP.HCM giúp người dùng phân tích mật độ trường theo địa giới hành chính.

Tuyển sinh bằng bản đồ GIS

2023 là năm ngành giáo dục TP.HCM có những bước chuyển mới trong chuyển đổi số giáo dục, nổi bật nhất là việc tuyển sinh đầu cấp bằng bản đồ GIS.

Đây là một đổi mới quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, công bằng, minh bạch, đảm bảo hiệu quả việc bố trí học sinh học ở các trường gần nhà, thuận tiện cho phụ huynh đưa đón.

Chuyển đổi số trong giáo dục cũng giúp triển khai phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho các học sinh tại những nơi có điều kiện khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy các bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật theo mô hình lớp học số.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đưa vào sử dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thư viện thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THCS và THPT Đinh Thiện Lý, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LCMS, LMS...), đồng thời xây dựng và phát triển học liệu số ở tất cả môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Học sinh tiểu học được tiếp cận cách học lịch sử mới lạ, hấp dẫn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Học sinh tiểu học được tiếp cận cách học lịch sử mới lạ, hấp dẫn. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, chú trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Trong đó, giáo dục tiểu học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học lịch sử thông qua các hoạt động như tổ chức hội thi nhạc kịch lịch sử bằng tiếng Anh cấp trường, quận/huyện cho đến cấp thành phố.

Đây là sân chơi giúp các học sinh có khả năng giới thiệu về lịch sử Việt Nam và lịch sử TP.HCM bằng tiếng Anh khi giao lưu và giao tiếp với học sinh và khách quốc tế.

100% đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2

Trong năm 2023, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Sở GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng và sử dụng hệ thống dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố phục vụ công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Các kết quả đạt được bao gồm: 100% đạt chuẩn phổ cập trẻ em 5 tuổi; 100% đạt chuẩn phổ cập bậc tiểu học mức độ 3; 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học cơ sở mức độ 2 (81,8% đạt mức độ 3); 100% đạt chuẩn phổ cập bậc trung học; 100% đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Ngoài ra, TP.HCM trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO và đã được UNESCO Việt Nam thông qua, gửi đến UNESCO.

Đi đầu thực hiện trường học hạnh phúc

TP.HCM là một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc tại 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn về Con người, về Dạy học và hoạt động giáo dục, về Môi trường. Việc xây dựng bộ tiêu chí được dựa trên nguyên lý trải nghiệm hạnh phúc của con người, bao gồm: Kết nối với bản thân - Kết nối với người khác - Kết nối với thế giới tự nhiên.

Hoạt động xây dựng Trường học hạnh phúc hiện nay được phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường ủng hộ. Điều này góp phần tạo động lực, niềm vui, hạnh phúc trong công tác giáo dục và đào tạo để mỗi nhà trường thực hiện nhiệm vụ đổi mới và phát triển giáo dục.

 TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trong năm 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM đạt được nhiều thành tựu trong năm 2023. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngoài những thành tựu nêu trên, ngành giáo dục TP.HCM còn đạt được nhiều kết quả ấn tượng khác.

Thứ nhất là nâng cao thể lực, tầm vóc giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện. Năm 2023, Sở GD&ĐT đã triển khai thành công sự kiện “Năng lượng mới - cả ngày vui" góp phần nâng cao tầm vóc Việt cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu đời. Sự kiện được 100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ tham gia từ cấp cơ sở đến quận, huyện.

Thứ hai là thực hiện công tác đồng hành cùng doanh nghiệp. Lần đầu tiên ngành giáo dục tổ chức hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục đào tạo nhằm lắng nghe doanh nghiệp trình bày những vấn đề đang gặp khó khăn, đang còn thắc mắc cần giải đáp.

Thứ ba là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục. 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn TP đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trang trọng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế cả về văn hóa vật thể, phi vật thể, trên không gian mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình thực hiện.

Thứ tư là tuyển dụng viên chức, thu hút nhân tài. Sở GD&ĐT đã đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý nhằm tìm kiếm nguồn cán bộ quản lý chất lượng cho cơ sở giáo dục trong năm học 2023-2024, đồng thời triển khai tuyển dụng viên chức viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo quy định hiện hành.

Thứ năm là thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học. Trong năm 2023, Hội đồng Hiệu trưởng Thành phố được kiện toàn và mở rộng thành viên tham gia là các trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Công an.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chi-nghin-ty-hoc-phi-va-loat-su-kien-giao-duc-cua-tphcm-nam-2023-post1452884.html