Chỉ số chỉ đạo cải cách hành chính của Hải Dương đứng cuối bảng: Nguyên nhân do thiếu giải pháp đột phá

Với 2/6 tiêu chí điểm thành phần của chỉ số công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính không có điểm đã khiến chỉ số chỉ đạo cải cách hành chính của Hải Dương năm 2018 thấp nhất cả nước.

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Theo báo cáo chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 do Bộ Nội vụ công bố ngày 24.5, chỉ số thành phần "công tác chỉ đạo điều hành CCHC" của tỉnh Hải Dương đạt điểm thấp nhất cả nước (4,47 điểm).

So với năm 2017, tỉnh có 3 chỉ số tăng điểm, 5 chỉ số giảm điểm. Chỉ số công tác chỉ đạo điều hành CCHC giảm điểm nhiều nhất (3,03 điểm). Chỉ số điểm thành phần này của Hải Dương cũng thấp hơn trung bình cả nước 2,23 điểm.

Trong 6 tiêu chí điểm thành phần của chỉ số công tác chỉ đạo điều hành CCHC, có 2 tiêu chí tỉnh không có điểm. Đó là tiêu chí sáng kiến hoặc giải pháp mới trong CCHC và thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ có 1 tiêu chí đạt điểm tối đa là thực hiện chế độ báo cáo định kỳ.

Nếu như năm 2017, địa phương chỉ cần có 2 sáng kiến hoặc giải pháp mới về CCHC sẽ đạt điểm tối đa thì năm 2018 yêu cầu phải có từ 3 sáng kiến hoặc giải pháp trở lên, điểm tối đa cho tiêu chí này cũng tăng từ 1,5 lên 2 điểm. Sự thay đổi này khuyến khích các địa phương chủ động nghiên cứu, mạnh dạn áp dụng các phương pháp quản lý, điều hành mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả CCHC.

Năm 2018, Hải Dương có 2 sáng kiến, giải pháp cấp tỉnh trong CCHC, gồm: “Một số giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương” của Sở Tài nguyên và Môi trường và “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống quản lý đào tạo tại Trường Chính trị tỉnh” của Trường Chính trị tỉnh. Nhưng 2 sáng kiến, giải pháp này đã không có điểm.

Theo báo cáo chỉ số CCHC năm 2018, chỉ số "công tác chỉ đạo điều hành CCHC" của Hải Dương đạt điểm thấp như vậy do năm vừa qua tỉnh chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch CCHC năm. Việc khắc phục hạn chế sau kiểm tra ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa giải quyết triệt để các vấn đề phát hiện qua kiểm tra tại các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Sở Giáo dục và Đào tạo… Qua cuộc kiểm tra công tác CCHC tại UBND huyện Thanh Hà, đoàn kiểm tra số 01 của tỉnh đã chỉ ra một số hạn chế. Đó là việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn chưa kịp thời; trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa tuân thủ quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại bộ phận "một cửa" của UBND huyện niêm yết công khai thủ tục hành chính chưa đúng quy định… Đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND huyện khẩn trương khắc phục những hạn chế. Từ kết luận kiểm tra, huyện đã triển khai các biện pháp khắc phục hạn chế nhưng nhiều nội dung mà kết luận chỉ ra vẫn chưa làm được.

Người dân đến giải quyết các thủ tục tại bộ phận "một cửa" huyện Thanh Hà

Người dân đến giải quyết các thủ tục tại bộ phận "một cửa" huyện Thanh Hà

Một hạn chế nữa khiến Hải Dương mất điểm là công tác tuyên truyền. Trong số các điểm số thành phần của nội dung này, tỉnh ta chỉ đạt điểm ở việc tuyên truyền nội dung CCHC thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua các hình thức khác. Việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền lại không được điểm do kế hoạch còn chung chung, không rõ các sản phẩm đầu ra, không chi tiết các mốc thời gian hoàn thành từng sản phẩm.

"Công tác chỉ đạo điều hành CCHC" là chỉ số đầu tiên trong 8 lĩnh vực đánh giá CCHC, có ảnh hưởng tới các chỉ số thành phần khác và có ý nghĩa quan trọng với việc tăng điểm CCHC của tỉnh. Năm 2018, tỉnh ta đã rất cố gắng xây dựng kế hoạch CCHC, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện CCHC. CCHC là nội dung được đưa ra chất vấn trong cả kỳ họp HĐND tỉnh và phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp của Thường trực HĐND tỉnh. Nhưng theo dõi kết quả và phân tích kết quả của chỉ số ở các tỉnh dẫn đầu cả nước trong 2 năm trở lại đây cho thấy cái mà Hải Dương thiếu là những giải pháp mang tính đột phá. Tại Quảng Ninh, địa phương liên tiếp đứng thứ nhất về CCHC 2 năm 2017 và 2018 đã có nhiều giải pháp đột phá được ghi nhận, mang lại hiệu quả như thực hiện "4 tại chỗ" trong giải quyết thủ tục hành chính; thành lập fanpage DDCI Quảng Ninh để tiếp nhận và giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp qua Facebook; thực hiện mạnh mẽ việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy. Tỉnh Đồng Nai năm 2017 thuộc nhóm đầu về công tác chỉ đạo điều hành CCHC do có sáng kiến thực hiện phi địa giới hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Tỉnh Đồng Tháp có mô hình "Cà phê doanh nhân và doanh nghiệp" ngay trong khuôn viên UBND tỉnh... Đây là những gợi ý rất tốt cho Hải Dương trong việc cải thiện chỉ số CCHC những năm tiếp theo.

Theo Sở Nội vụ, tới đây, sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh về việc phân tích, đánh giá những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân khiến 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tìm giải pháp khắc phục. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp; sắp xếp, sáp nhập thôn, khu dân cư và tới đây tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với các giải pháp đã đưa ra trong Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC năm 2019, hy vọng chỉ số CCHC của tỉnh sẽ được cải thiện.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/chi-so-chi-dao-cai-cach-hanh-chinh-cua-hai-duong-dung-cuoi-bang-nguyen-nhan-do-thieu-giai-phap-dot-p-111307