Chỉ tại cách phát ngôn!

Tại lễ khai giảng năm học mới Trường ĐH Y dược TP HCM mới đây, Bộ trưởng Y tế đề nghị đơn vị này đổi tên thành Đại học Sức khỏe. Tin này 'dậy sóng' dư luận.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu đổi tên Trường ĐH Y dược thành ĐH sức khỏe.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu đổi tên Trường ĐH Y dược thành ĐH sức khỏe.

Hôm qua (17/9), Bộ Y tế đã lên tiếng giải thích vấn đề này. Lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo của Bộ khẳng định, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng…

Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các đại học quốc gia (Hà Nội, TP HCM), đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng). Mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, lãnh đạo Cục này cho hay cũng đã có một số mô hình như đại học Khoa học sức khỏe Lào, ĐH California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco).

Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập đại học khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập dự kiến đặt tại Hà Nội và TP HCM. Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường đại học Điều dưỡng, Trường đại học Y tế công cộng....

Tất nhiên, Lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo không quên xác định rằng vấn đề quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi. Cụ thể, Đại học Y Dược TP HCM hiện đang làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học Sức khỏe.

Câu chuyện về tên gọi của đại học này, một lần nữa làm “dậy sóng” dư luận. Cách đây, không lâu, một nhà khoa học cũng kiến nghị về xây dựng ngành “khoa học hạnh phúc”, Nếu theo “lý lẽ” của nhà khoa học này, để hiểu về “hạnh phúc” chắc chắn phải có một cơ quan nhà nước, nếu không tổng cục thì cục hoặc ít nhất là viện nghiên cứu về hạnh phúc.

Ngôn ngữ Việt phức tạp, nhiều chữ là “khái niệm”, thậm chí là “phạm trù” hoặc “nội hàm”, không đơn giản là một cái tên, một cách gọi. Câu chuyện về “Đại học sức khỏe” sẽ nhanh chóng qua đi, bởi “sức khỏe” hay “hạnh phúc” vừa là “khái niệm” vừa là một “nội hàm”; có điều, vấn đề đáng phải suy nghĩ là phát ngôn của cán bộ lãnh đạo luôn là một vấn đề lớn, bởi “trên trông xuống”, “ngoài nhìn vào”. Vì vậy, văn hóa phát ngôn cần được xem như cấu thành năng lực của cán bộ, quan chức.

Lời nói, phát ngôn, dù trong hoàn cảnh nào, đều thể hiện trí tuệ, nhận thức, quan điểm, nhân cách, cá tính của con người. Đối với cán bộ, lại càng hết sức quan trọng, vì cán bộ là đại diện cho cả một tổ chức, đơn vị, tập thể, địa phương…

Cha ông đã nói “Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp” để răn dạy mỗi người cần hết sức thận trọng trong phát ngôn. Điều này cho thấy, để tránh phải giải thích, chớ để ngôn ngữ tiếng Việt bị “oan” là vấn đề không hề nhỏ.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/chi-tai-cach-phat-ngon-471316.html