Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

Chất lượng nước thải, đặc biệt là nước thải tại các nhà máy, cơ sở, sản xuất khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là mối quan tâm của nhiều người. Nếu các yêu cầu từ đầu ra của nước thải không đạt quy chuẩn môi trường sẽ tác động đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân.

 Tại các bể xử lý nước thải cần áp dụng chỉ thị sinh học

Tại các bể xử lý nước thải cần áp dụng chỉ thị sinh học

Theo các chuyên gia môi trường, mỗi lĩnh vực sản xuất kinh doanh của từng cơ sở, nhà máy khác nhau thì thành phần, tính chất của nước thải khác nhau. Hiện nay, nước thải của các nhà máy công nghiệp thường được xử lý nội bộ đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định trước khi được đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung. Vì vậy mỗi KCN, KKT tùy vào tính chất, quy mô để đầu tư hệ thống quản lý, xử lý nước thải phù hợp sau khi thải ra môi trường.

Thừa Thiên Huế hiện có 6 KCN phân bố ở các huyện, thị xã trên địa bàn. Phần lớn các KCN này đều có hệ thống và công nghệ xử lý nước thải tập trung. Đơn cử như Trạm xử lý nước thải tại KCN Phú Bài hiện đầu vào nước thải có độ ô nhiễm trung bình, ít chứa các chất ô nhiễm có tính độc hại. Sau khi nước thải thu gom về tại Trạm xử lý tập trung để thải ra môi trường đều đạt tiêu chuẩn cột B của QCVN40:2011/BVMT.

Đánh giá của đơn vị chức năng và qua quan trắc chất lượng nước thải các KCN ở địa phương những năm gần đây cho thấy, phần lớn đều đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN40:2011/BVMT. Ngoại trừ một vài thời điểm có vài thông số cao hơn nhẹ so với quy chuẩn như các thông số dinh dưỡng (NH4 tổng nitơ) và thông số vi sinh (coliform).

Để khuyến khích các KCN, KKT ở địa phương sử dụng các chỉ thị sinh học như một phương pháp bổ sung bên cạnh các phương pháp phân tích lý hóa trong quản lý nước thải, mới đây một đề tài khoa học cấp tỉnh: "Nghiên cứu áp dụng chỉ thị sinh học trong quản lý nước thải công nghiệp (NTCN) ở Thừa Thiên Huế", do Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung chủ trì thực hiện. Phương pháp này được đánh giá là khá mới trong xử lý NTCN, có khả năng ngăn ngừa sự cố môi trường.

Theo TS. Tôn Thất Hữu Đạt, chủ nhiệm đề tài, quá trình triển khai đề tài đã nghiên cứu tổng quan hiện trạng hệ thống xử lý nước thải của các KCN tỉnh; khảo sát chất lượng NTCN và trầm tích trước và sau xử lý trên địa bàn; khảo sát, thu mẫu các sinh vật có tiềm năng chỉ thị, phân loại, định danh dựa vào các khóa phân loại hình thái, phương pháp sinh học phân tử. Từ đó, nhóm nghiên cứu ghi nhận, sử dụng sinh vật chỉ thị trong quản lý chất lượng nước, gồm: 18 loài cá trong khu vực nghiên cứu, 35 loài động vật đáy không xương sống cỡ lớn, 34 giống thuộc tuyến trùng, 68 loài tảo phù du.

Đề tài đã đánh giá khả năng chỉ thị sinh học của các sinh vật với các thông số nước; xây dựng mô hình thử nghiệm áp dụng sinh vật chỉ thị chất lượng nước thải tại phòng thí nghiệm dựa trên 6 loài cá có khả năng chỉ thị được sàng lọc; xây dựng quy trình sử dụng sinh vật chỉ thị trong quản lý NTCN và dự thảo quy chuẩn bộ chỉ thị sinh học đối với một số loại NTCN trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá, đề tài mang tính thực tiễn trong các hoạt động sản xuất công nghiệp có ảnh hưởng đến nguồn nước, góp phần phát hiện và có phương án ngăn ngừa các mối nguy cơ trong nước thải ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt đây cũng là phương pháp thân thiện với môi trường, dễ đầu tư và ít tốn kém…

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/chi-thi-sinh-hoc-cho-nuoc-thai-cong-nghiep-147333.html