Chi tiêu bình quân đầu người ở Trung Quốc sụt giảm trong năm 2022
Chi tiêu bình quân đầu người ở Trung Quốc đã giảm 0,2% theo giá trị thực vào năm 2022, do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19.
Chi tiêu bình quân đầu người ở Trung Quốc đã giảm 0,2% theo giá trị thực vào năm 2022, do các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thói quen của người tiêu dùng, đánh dấu mức giảm lần thứ ba kể từ khi báo cáo về dữ liệu này được tổng hợp từ năm 1980.
Số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy sự sụt giảm trên diễn ra sau khi tăng 12,6% vào năm 2021. Trước đó vào năm 2020, giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, chi tiêu bình quân đầu người giảm 4%.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, một trong những mức tăng trưởng yếu nhất trong gần nửa thế kỷ qua, giữa bối cảnh nước này vừa quyết định từ bỏ các chính sách hạn chế COVID-19 khắc nghiệt vào cuối năm ngoái. Điều này dẫn tới thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ tăng 2,9% theo giá trị thực, mức tăng thấp thứ hai kể từ năm 1989 và doanh số bán lẻ giảm 0,2%, mức tồi tệ thứ hai kể từ năm 1968.
Xu Tianchen, một nhà kinh tế tại bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist, cho biết, sự sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng thu nhập của những người có thu nhập thấp nhất Trung Quốc là yếu tố chính đằng sau dữ liệu chi tiêu yếu kém này.
Ông Xu nói: “Trước đại dịch, nhóm thu nhập thấp nhất là một trong những nhóm có mức tăng trưởng thu nhập nhanh nhất, nhưng hiện tại, điều đáng chú ý là nhóm này đã trở thành nhóm có mức tăng trưởng thu nhập chậm nhất, giảm từ 10,1% xuống 5,2%.
NBS cho biết, theo số liệu chưa điều chỉnh, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng lên 36.883 NDT (5.310 USD) vào năm ngoái, trong khi chi tiêu bình quân đầu người tăng lên 24.538 NDT (3.533 USD)/năm.
Khu vực nông thôn có diễn biến thu nhập tốt hơn so với khu vực đô thị, với thu nhập của các hộ gia đình nông thôn tăng 4,2% theo giá trị thực trong năm 2022, so với mức tăng 1,9% của cư dân thành thị.
Việc làm ở thành thị tại trung Quốc đã giảm 8,4 triệu vào năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ năm 1962./.