Chìa khóa giúp Surimi và chả cá Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế

Các dịch vụ logistics hiệu quả đang giúp ngành surimi và chả cá Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, tăng trưởng xuất khẩu, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.

Xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 8. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều nên không đủ bù đắp lại lượng sụt giảm trong những tháng trước đó, nên tính lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 giá trị xuất khẩu vẫn giảm 10% so với cùng kỳ, đạt 180 triệu USD.

Kim nghạch xuất khẩu surimi và chả cá trong 8 tháng đầu năm 2024 (Ảnh: vasep.com.vn)

Kim nghạch xuất khẩu surimi và chả cá trong 8 tháng đầu năm 2024 (Ảnh: vasep.com.vn)

Ngành surimi và chả cá đã và đang trở thành những sản phẩm chủ lực đóng góp tích cực vào nền kinh tế thủy sản Việt Nam. Đây là những sản phẩm đặc trưng tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của ngành thủy sản. Sản xuất surimi chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu từ các loài cá tạp như cá đổng, cá phèn, cá chuồn và phế phẩm từ cá tra, giúp tận dụng tối đa tài nguyên và giảm thiểu lãng phí.

Các sản phẩm surimi và chả cá, xúc xích, thanh cua đang ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ vào giá trị dinh dưỡng cao và sự đa dạng trong chế biến. Với sự hỗ trợ của các dịch vụ vận tải quốc tế, mỗi năm Việt Nam thu về từ 300 - 420 triệu USD từ xuất khẩu surimi, chiếm khoảng 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Bột cá, sản phẩm phụ từ ngành chế biến thủy sản, cũng không kém phần quan trọng. Mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 530.000 - 540.000 tấn bột cá, trong đó xuất khẩu từ 200.000 - 280.000 tấn. Bột cá không chỉ phục vụ cho ngành chăn nuôi trong nước mà còn là nguyên liệu quan trọng cho thức ăn thủy sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu bột cá năm 2023 đạt khoảng 120 - 130 triệu USD.

Dù có nhiều cơ hội, ngành surimi và chả cá vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Xuất khẩu surimi trong 8 tháng đầu năm 2024 đã giảm 10% so với cùng kỳ, chỉ đạt 180 triệu USD. Nguyên nhân là do sự suy giảm của thị trường tiêu thụ và cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác. Để khắc phục, ngành cần phải tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Các sản phẩm surimi của Việt Nam hiện đang được xuất sang 30 thị trường trên thế giới. Theo cái doanh nghiệp thì xuất khẩu chả cá và su ri mi vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và vấn đề về thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả ở nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan đến IUU… Tất cả những yếu tố này đang kìm hãm sự phục hồi của ngành cá và surimi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khi kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ surimi và bột cá sẽ tăng trở lại. Đặc biệt, các món ăn chế biến từ surimi ngày càng phổ biến trong ẩm thực châu Á nhờ vào giá trị dinh dưỡng và sự đa dạng trong chế biến. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2024.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến xuất khẩu.

Yến Thư

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chia-khoa-giup-surimi-va-cha-ca-viet-nam-chinh-phuc-thi-truong-quoc-te-347698.html