Chiếc băng đội trưởng thổi bùng tranh cãi tại World Cup 2022

Việc FIFA dọa phạt các đội trưởng đeo băng OneLove ở World Cup đã thổi bùng tranh cãi giữa cơ quan này và 7 đội bóng liên quan, trở thành vấn đề chú ý kéo dài bên lề các trận đấu.

Trước những ý kiến nhắm vào nước chủ nhà, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino từng đề nghị các quốc gia hãy chú ý tới bóng đá trước thềm World Cup Qatar 2022. Dẫu vậy, mọi chuyện đã không đi theo hướng này.

Hà Lan, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và xứ Wales là những đội bóng ủng hộ chiến dịch đeo băng đội trưởng OneLove. Theo DW, chiến dịch “OneLove” do Hiệp hội Bóng đá Hà Lan đề xướng nhằm mục đích thúc đẩy hòa nhập và bình đẳng tại World Cup ở Qatar và hơn thế nữa.

Chiếc băng có hình trái tim với 6 sọc song song, tương ứng với 6 màu trên lá cờ cầu vồng của cộng đồng LGBT. Hà Lan giải thích họ chọn 6 màu để đại diện cho tất cả di sản, nguồn gốc, giới tính và bản dạng giới.

Tuy nhiên, vài giờ trước khi trận đấu giữa Anh và Iran diễn ra hôm 21/11, FIFA cho biết mọi cầu thủ đeo băng OneLove sẽ đứng trước nguy cơ bị phạt thẻ vàng hoặc buộc phải rời sân.

CNN nhận định FIFA đang mắc kẹt trong tình huống bất hòa với 7 quốc gia này sau tuyên bố trên. Tranh cãi về OneLove đã nổ ra như "màn trình diễn phụ" bên lề giải đấu.

"Tôi nghĩ đó là sai lầm"

Nếu như đội trưởng Anh Harry Kane không thể đeo “OneLove”, thì Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib đã làm vậy. Theo Telegraph, hôm 24/11, trong trận đấu giữa Bỉ và Canada, bà Lahbib đã đeo băng ủng hộ quyền của cộng đồng LGBT, đồng thời chất vấn ông Gianni Infantino về quyết định đe dọa các đội tuyển.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng đeo băng tay OneLove khi xuất hiện trên khán đài trong trận đấu giữa Đức và Nhật Bản hôm 23/11. Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng làm vậy khi bà ngồi cạnh ông Infantino trong trận đấu.

“Cộng đồng LGBTQ+ trên khắp thế giới cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến tranh cãi xoay quanh cuộc sống của chúng tôi. Cuộc tranh luận đầy đau đớn và kéo dài này đặt vấn đề trên quy mô toàn cầu về tính hợp lệ cho cuộc sống cộng đồng LGBTQ+”, Liz Ward - Giám đốc chương trình Tổ chức từ thiện LGBTQ+ Stonewall - nói.

 Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Ảnh: AP.

Trong tuyên bố chung, 7 liên đoàn bóng đá cho biết họ đã yêu cầu các đội trưởng không đeo băng OneLove trong các trận đấu thuộc khuôn khổ World Cup, vì họ không thể đặt các cầu thủ vào tình thế phải đối mặt với các án phạt thể thao, bao gồm cả thẻ phạt, Sky News đưa tin.

Jakob Jensen - Giám đốc điều hành Hiệp hội bóng đá Đan Mạch - đã củng cố lập trường này. Ông cho rằng các cầu thủ không có trách nhiệm thảo luận về nhân quyền ở Qatar hay các quyết định của FIFA.

“Những cầu thủ tuyệt vời trong đội của chúng tôi, họ đã mơ về World Cup từ khi còn là những cậu bé”, ông Jensen nói. “Chúng tôi không muốn loại họ khỏi sân cỏ. Chúng tôi muốn phân thắng bại trên sân chứ không phải sau bàn giấy. Vì vậy, đó là lý do chúng tôi chọn làm điều này”.

Nếu cầu thủ nhận 2 thẻ vàng trong 2 trận khác nhau, họ sẽ bị treo giò ở trận tiếp theo tại World Cup, trong khi 2 thẻ vàng cùng một trận khiến họ bị đuổi khỏi sân.

Tuy nhiên, một số cầu thủ tin rủi ro này đáng để thử. “Đây sẽ là lời tuyên bố tuyệt vời”, cựu tiền vệ Cộng hòa Ireland, Roy Keane, phát biểu với tư cách là chuyên gia trên ITV. “Hãy làm điều này trong trận đầu tiên. Nếu nhận thẻ vàng, đó sẽ là thông điệp từ Harry Kane hoặc Gareth Bale”.

“Bạn không đeo nó vì rõ ràng là bạn không muốn bị treo giò. Tôi nghĩ đó là sai lầm lớn”, ông nói thêm.

Bỏ lỡ cơ hội lớn

Josh Cavallo - cầu thủ bóng đá nam đồng tính công khai duy nhất trên thế giới - nói anh cảm thấy bị đẩy sang một bên bởi quyết định xử phạt cầu thủ đeo băng đội trưởng OneLove. Trong khi đó, một số người đặt câu hỏi về tác động của hành động này tại Qatar - nơi hình sự hóa đồng tính luyến ái.

“Chiếc băng đội trưởng ‘OneLove’ không khác gì một biểu tượng”, Khya Gott - đại diện Pride in Football - nói. “Nó không đem lại tuyên bố ấn tượng như họ tưởng. Hành động của các cầu thủ rất quan trọng và cần thiết, nhưng chỉ khi được thực hiện đúng cách”.

Gott cũng lưu ý chiến dịch “OneLove” không chỉ nói về quyền của cộng đồng LGBTQ, mà còn kêu gọi chấm dứt phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.

Hiệp hội Bóng đá Anh đã làm rõ thông điệp này từ tháng 9, cho biết chiến dịch sử dụng sức mạnh của bóng đá để “thúc đẩy hòa nhập và gửi thông điệp chống lại phân biệt đối xử dưới mọi hình thức khi cả thế giới đổ dồn vào giải đấu toàn cầu”.

Các đội trưởng đã đeo băng “OneLove” trong các trận đấu của UEFA Nations League vài tháng trước khi bắt đầu World Cup. Tới tận 21/11, FIFA mới công bố xử phạt.

Dẫu vậy, những lời cảnh báo này không hoàn toàn cấm cản được các cầu thủ bày tỏ suy nghĩ về tranh cãi này.

Các cầu thủ Đức đồng loạt lấy tay che miệng trong bức ảnh tập thể chụp trước trận đấu với Nhật Bản trong khuôn khổ bảng E World Cup 2022 ngày 23/11.

“FIFA từ chối cho tuyển Đức mang băng cầu vồng cũng như từ chối tiếng nói và ý kiến của chúng tôi. Tuyển Đức luôn giữ vững lập trường", trang chính thức của tuyển Đức ra thông báo trước trận gặp Nhật.

 Cầu thủ Đức che miệng trong lúc chụp ảnh toàn đội trước trận đấu với Nhật Bản vào ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

Cầu thủ Đức che miệng trong lúc chụp ảnh toàn đội trước trận đấu với Nhật Bản vào ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

Liên đoàn bóng đá Đan Mạch cũng cảm thấy khó chịu trước tình huống này.

“Chúng tôi đang cố gắng thúc giục FIFA về việc này”, ông Jensen nói. “Chúng tôi đã viết thư cho FIFA vào ngày 19/9 về việc đeo băng đội trưởng ‘OneLove’, nhưng tới tận hôm tuyển Anh thi đấu, chúng tôi mới có câu trả lời”.

“Tôi thấy điều này rất không thỏa đáng”, ông nói thêm.

Theo DW, FIFA đã đưa ra thỏa hiệp vào hôm 21/11, cho phép tất cả 32 đội “có cơ hội” đeo băng “Không phân biệt đối xử” tại vòng bảng. Ban đầu, cơ quan này chỉ cho khẩu hiệu xuất hiện ở vòng tứ kết.

Băng đội trưởng “OneLove” không phải là ví dụ duy nhất cho thấy trang phục bị kiểm duyệt kỹ lưỡng khi tham gia World Cup. Nhà báo Mỹ Grant Wahl và cựu đội trưởng xứ Wales Laura McAllister cho biết họ được yêu cầu cởi bỏ trang phục cầu vồng - biểu tượng cho quyền của cộng đồng LGBTQ.

Wahl cho biết anh đã được thả sau 25 phút bị tạm giữ và nhận được lời xin lỗi từ đại diện FIFA và một thành viên cấp cao của đội an ninh tại sân vận động.

Khi được yêu cầu làm rõ quy định về trang phục cho người hâm mộ, FIFA nêu sổ tay hướng dẫn, trong đó ghi rõ “người nước ngoài và khách du lịch được tự do mặc trang phục họ chọn, miễn là trang phục đoan trang và tôn trọng văn hóa” nước chủ nhà.

Tuy nhiên, trước tranh cãi về "OneLove", các nhóm vận động xã hội có chung cảm nhận là bóng đá đã bỏ lỡ cơ hội lớn thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng LGBTQ.

Ward thừa nhận việc thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTQ tại Trung Đông “sẽ hoàn toàn không thể giải quyết bằng một chiếc băng đội trưởng”. Tuy nhiên, đây là cơ hội chứng minh bóng đá đã thay đổi.

“(Điều này) có ý nghĩa gì vào năm 2022, khi (chúng ta) có cơ hội tôn vinh sự hòa nhập của cộng đồng LGBT, và thay vào đó lại coi nhẹ vấn đề?”, bà đặt câu hỏi.

Người biểu tình đốt xe sau trận thua sốc của Bỉ tại World Cup Hàng chục người biểu tình đã đốt cháy một chiếc ôtô và ném gạch vào nhiều chiếc xe khác trên đường phố thủ đô Brussels, sau thất bại bất ngờ của Bỉ trước Morocco vào ngày 27/11.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chiec-bang-doi-truong-thoi-bung-tranh-cai-tai-world-cup-2022-post1379341.html